+
Aa
-
like
comment

Tại sao các “ông trùm bất động sản” chuyển hướng nhà ở xã hội?

Minh Thanh - 09/08/2022 14:45

6 tháng cuối năm, thị trường bất động sản đón nhận nhiều sự kiện bất ngờ. Đặc biệt là từ việc, nhiều ông lớn trong ngành bắt đầu chuyển hướng sang đầu tư xây dựng nhà ở xã hội giá rẻ cho người lao động thu nhập thấp.

Chủ đầu tư nhà ở xã hội sẽ được hưởng lãi suất vay ưu đãi 2% năm từ ngân sách Nhà nước

Được biết trước đó, trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ và Chỉ thị số 01/CT-NHNN hàng năm, Thống đốc NHNN Việt Nam đã có công văn yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) phải thực hiện kiểm soát chặt chẽ đối với các khoản vay tín dụng bất động sản (BĐS). Mục đích là để nhằm phòng tránh nợ xấu tăng cao và đảm bảo an toàn cho các hoạt động vay vốn của ngân hàng. Mặt khác, nhiều chuyên gia cũng cho rằng việc Nhà nước kiểm soát chặt chẽ nguồn vốn vay đổ vào BĐS sẽ góp phần hạn chế được tình trạng “bong bóng” giá nhà đất vốn đang gây xôn xao trong thời gian gần đây. Đồng thời đưa giá BĐS trở về đúng với giá thực của nó.

Bên cạnh đó việc Chính phủ “nắn” tín dụng BĐS cũng được cho là để hướng tín dụng vào những phân khúc nhà ở xã hội. Cụ thể theo như Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ, chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội sẽ được hỗ trợ lãi suất 2%/năm từ ngân sách nhà nước trong hai năm 2022 – 2023.

Hội nghị trực tuyến về thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp ngày 01/8 do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì

Điều này về cơ bản hoàn toàn trùng khớp với chủ trương xây dựng 1 triệu nhà ở xã hội vào năm 2030 do Bộ Xây dựng đề xuất tại Hội nghị trực tuyến về thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp ngày 01/8 do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì.

Để hoàn thành được mục tiêu đề ra, Nhà nước cần phải có sự đồng lòng hỗ trợ từ các chủ đầu tư BĐS tại Việt Nam. Mặc dù trước đó, nhiều nhà đầu tư cho biết họ không cảm thấy “mặn mà” đối với thị trường nhà ở xã hội hiện nay. Nguyên nhân được cho là giá nhà ở xã hội thường khá thấp trong khi chi phí đầu tư lớn và thời gian xét duyệt dự án thì lại khá dài lên đến tận 600 ngày.

Một dự án nhà ở xã hội

Thế nhưng đứng trước mục tiêu xây dựng nhà ở xã hội do Nhà nước đề ra, nhiều ông lớn trong ngành BĐS bất ngờ “quay xe” và bày tỏ quan điểm sẵn sàng tham gia, đồng hành cùng Chính phủ thực hiện nhiệm vụ này. Một số cái tên nổi bật có thể kể đến như tập đoàn Vingroup, Him Lam, Sun Group và đặc biệt là Novaland. Được biết, tập đoàn Novaland vừa nhận được khoản đầu tư trị giá 250 triệu USD từ quỹ đầu tư mạo hiểm Warburg Pincus của Mỹ.

Khoản đầu tư này diễn ra chỉ khoảng 2 tuần sau khi Thủ tướng Phạm Minh Chính có buổi làm việc với quỹ. Người đứng đầu Warburg Pincus từng chia sẻ họ rất có hứng thú đối với thị trường BĐS tại Việt Nam và mong muốn thông qua Novaland để mở rộng đầu tư trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên để đẩy mạnh việc xây dựng nhà ở xã hội, trước tiên Chính phủ cần xem xét ban hành các quy định nhằm giúp gỡ “nút thắt” cho các nhà đầu tư. Cụ thể bao gồm 5 đề xuất sau đây:

Thứ nhất, Nhà nước nên áp dụng cơ chế chỉ định thầu thay vì đấu thầu như trước đây.

Thứ hai, rút ngắn thời gian thời gian phê duyệt dự án xuống còn từ 90 đến 120 ngày.

Thứ ba, mở rộng phạm vi đối tượng được phép mua nhà ở xã hội.

Thứ tư, bỏ quy định thêm quỹ đất nhà ở xã hội đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị và thay thế bằng nộp tiền sử dụng đất đối với 20% quỹ đất bắt buộc để dùng làm nhà ở xã hội.

Thứ năm, quy hoạch khu vực nhà ở xã hội tập trung thay vì nhỏ lẻ và manh mún như thời gian trước.

Các nhà đầu tư, họ sẵn sàng đóng góp phát triển quỹ nhà ở xã hội quốc gia nhưng Nhà nước cần có cơ chế chính sách phù hợp để tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực thi một cách dễ dàng. Có như vậy thì mới đáp ứng được mục tiêu đề ra, giải quyết được bài toán an sinh xã hội và thúc đẩy nền kinh tế nước nhà phát triển vững mạnh.

Minh Thanh

Bài mới
Đọc nhiều