Tại sao Bình Phước xây dựng cụm công trình X16?
Ngày 20/6/2021, lãnh đạo tỉnh Bình Phước và Bộ trưởng Quốc phòng nước ta chủ trì lễ khánh thành cụm công trình lưu niệm địa điểm ông Hun-Sen sang VN (21/6/1977) nhờ trợ giúp để cứu nhân dân Campuchia khỏi nạn diệt chủng của chế độ Pôn – Pốt.
Trên mạng xã hội có một số người lên tiếng và cho rằng đầu tư công trình này là lãng phí và so sánh một cách khập khiểng. Nhân đây, tôi xin trao đổi với cộng đồng mạng vài vấn đề:
1/ Cụm công trình X16 với tổng mức đầu tư gần 300 tỉ đồng. Tuy vậy, nó không chỉ có bia đá ghi dấu nơi ông Hun – Sen đặt chân đến Việt Nam mà cả cả hệ thống các công trình trong đó có đường giao thông, khu cảnh quan, nhà lưu niệm, cây xanh, …(tượng đài chỉ trị giá 18 tỷ đồng).
2/ Khi đầu tư Cụm công trình X16 người dân khu vực biên giới được hưởng lợi từ các tiện ích nơi đây như 23 km đường giao thông kết nối với Quốc lộ 13B và hệ thống đường tuần tra biên giới, điện lưới, cảnh quan. Khi dân cư biên giới khá giả, sung túc thì họ chính là những chiến sỹ biên phòng để trông giữ biên cương xung yếu của Tổ quốc; đường giao thông, bia tưởng niệm là những cột mốc hữu hình và vô hình nơi biên cương của Tổ quốc, là những công trình đa mục tiêu.
3/ Phát triển du lịch văn hóa, lịch sử là một xu hướng, một chủ trương của tỉnh. Cụm công trình X16 sẽ tạo nên một sản phẩm du lịch mới lạ, hấp dẫn. Thông qua du lịch để phát triển các dịch vụ, thông qua du lịch để quảng bá văn hóa, lịch sử của dân tộc; thông qua du lịch để thắt chặt mối bang giao giữa 2 nước, 2 dân tộc, …
4/ Điều quan trọng hơn, là Cụm công trình X16 để ghi nhận sự giúp đỡ chí tình, trong sáng và chính nghĩa của Việt Nam với nước bạn Campuchia nói chung và cá nhân ông Hun – Sen nói riêng. Hàng chục nghìn người Việt Nam đã hy sinh trên đất nước chùa Tháp để cho nước bạn hồi sinh. Sau giải phóng miền Nam 30/4/1975, chúng ta còn vô vàn khó khăn do phải khắc phục hậu quả chiến tranh và tái thiết đất nước nhưng khi Chính quyền Khơ -Me Đỏ tàn sát nhân dân Campuchia và xâm phạm biên giới của thì Việt Nam không thể ngồi yên. Cái tinh thần ” giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha” của người Việt buộc chúng ta hành động. Đó là lịch sử, đó là chính nghĩa, đó là sự khắc ghi những hy sinh của những người con của dân tộc trên đất nước Chùa Tháp. Bạn nên nhớ, ở ngay Thủ đô Campuchia họ còn xây cả tượng đài để ghi nhớ sự hy sinh của quân tình nguyện Việt Nam trên đất bạn Campuchia.
5/Tình hình thế giới và Campuchia diễn biến phức tạp, các thành phần cực hữu ở Campuchia đang nhồi vào đầu giới trẻ của họ quên đi quá khứ đau buồn, quên đi sự hy sinh, giúp đỡ của Việt Nam đối với Campuchia; thậm chí một số thành phần cực đoan còn khoét sâu sự hận thù dân tộc giữa Việt Nam-Campuchia. Cho nên cái bia và cụm công trình X16 sẽ “nhét vào miệng” những thành phần “ăn cháo đá bát” hoặc lờ mờ về lịch sử dân tộc hiểu rằng để đất nước Campuchia như ngày nay là có sự hy sinh xương máu của hàng nghìn người Việt; người Việt bị cấm vận, cô lập; người Việt bị Trung Quốc gây chiến ở biên giới phía bắc 1979, … Tất cả đều liên quan nhất định đến sự giúp đỡ chí tình, trong sáng của Việt Nam với Campuchia. Các nước lớn đã trì hoãn, cản trở việc thành lập Tòa án quốc tế để xét xử Pôn Pốt và thuộc hạ. Mãi đến năm 2003, Tòa án quốc tế mới bắt đầu xử tội ác chiến tranh thì thế giới mới vỡ lẽ ra rằng Việt Nam đã đúng, chế độ Khơ Me đỏ đã tàn sát khoảng 1 triệu người (15% dân số). Chân lý bị ém nhẹm một thời gian dài vì quan hệ lợi ích giữa các nước lớn.
Khép lại quá khứ nhưng không ai được phép lãng quên quá khứ, bóp méo quá khứ. Đất nước cũng như Bình Phước cần nhiều tiền để mua vắc- xin, để xóa đói giảm nghèo, .. nhưng cũng cần những công trình để khắc ghi lịch sử, để thúc đẩy phát triển. Như ai nói đã nói, “bánh mì cũng cần nhưng hoa hồng cũng phải có”.
Nguyễn Hoàng Giang