+
Aa
-
like
comment

Tài sản Việt – Nhật: Chân thành, tin cậy

Đông Duy - 19/12/2023 09:56

‘Chân thành, tin cậy’ là tài sản quan trọng nhất của quan hệ Việt Nam – Nhật Bản. Đó là điều mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đề cập xuyên suốt trong bốn ngày công tác tại Nhật Bản.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Thượng viện Nhật Bản Otsuji Hidehisa ôm chầm nhau khi gặp
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Thượng viện Nhật Bản Otsuji Hidehisa ôm chầm nhau khi gặp

Có lẽ vì vậy mà bên cạnh các hoạt động tại Hội nghị cấp cao kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN – Nhật Bản, hội đàm với Thủ tướng Kishida Fumio, hội kiến với nhà vua và chính giới, ông đã dành nhiều thời gian tiếp xúc các tổ chức, cá nhân và những người bạn cũ.

Gặp nhiều đời thủ tướng Nhật

Trước khi ra sân bay về Hà Nội vào chiều 18-12, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến thăm gia đình cố thủ tướng Abe Shinzo, gặp bà Abe Akie.

Sinh thời, ông Abe quan tâm đặc biệt cho việc vun đắp quan hệ hữu nghị Việt – Nhật.

Tháng 1-2017, ông Abe từng phát biểu tại Hà Nội rằng: “Dòng sông Hồng hùng vĩ chảy xuyên suốt qua Hà Nội hướng ra Biển Đông tới Biển Hoa Đông rồi nối dòng với vịnh Tokyo. Nhật Bản và Việt Nam là hai nước được gắn kết bởi vùng biển tự do”.

Trước đó, gặp nguyên thủ tướng Suga Yoshihide, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam nhớ lại sự giúp đỡ mà cá nhân ông Suga và Chính phủ Nhật Bản đã dành cho đất nước Việt Nam, giúp người Việt sinh sống và làm việc tại Nhật trong thời kỳ thế giới bị ngăn cách bởi đại dịch COVID-19, viện trợ không hoàn lại 7,4 triệu liều vaccine.

Còn khi tiếp cựu thủ tướng Yasuo Fukuda, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ ấn tượng đối với học thuyết “từ trái tim đến trái tim” do thủ tướng Fukuda Takeo (cha của cựu thủ tướng Fukuda) đưa ra vào năm 1977 đã đặt nền móng cho sự phát triển mạnh mẽ của quan hệ giữa Nhật Bản với ASEAN, trong đó có quan hệ Việt – Nhật.

Những người bạn Nhật của Việt Nam đều vui mừng và kỳ vọng khả năng hợp tác to lớn trong tương lai, đặc biệt là sau khi hai nước tuyên bố nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 11 vừa qua.

Cảm ơn tình cảm quý báu của những người bạn tốt dành cho Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính đúc kết chặng đường 50 năm quan hệ Việt – Nhật bởi những chữ “hơn”: tình cảm sâu sắc hơn; sự chân thành được cảm nhận rõ hơn; tin cậy cao hơn; hiệu quả và thực chất hơn; hợp tác ngày càng mở rộng hơn về phạm vi, quy mô; ngày càng hiểu nhau và yêu quý nhau hơn.

Khi tiếp Chủ tịch Liên minh nghị sĩ hữu nghị Nhật – Việt Nikai Toshihiro và các thành viên chủ chốt của ban lãnh đạo Liên minh nghị sĩ hữu nghị Nhật – Việt, Thủ tướng nhấn mạnh sự chân thành, tin cậy, tình cảm chính là tài sản quan trọng nhất trong quan hệ hai nước.

Đề nghị Nhật cung cấp ODA thế hệ mới

Chân thành, tin cậy để gần nhau hơn và mục đích hướng đến là mang lại lợi ích vật chất, tinh thần nhiều hơn cho nhân dân hai nước, để hai dân tộc phát triển thịnh vượng.

Với ý nghĩa đó, tại các phiên làm việc với chính giới và các nhà đầu tư, nhà tài trợ Nhật Bản, Thủ tướng Phạm Minh Chính thẳng thắn đề nghị các bạn Nhật Bản cung cấp ODA cho Việt Nam “ưu đãi hơn, thủ tục đơn giản hơn, triển khai nhanh hơn”.

Không né tránh đề cập đến một số dự án hợp tác cụ thể còn tồn tại, vướng mắc giữa hai nước, Thủ tướng khẳng định sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp tích cực với các đối tác giải quyết dứt điểm, như việc tái cơ cấu dự án Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn để giảm lỗ, quyết tâm triển khai dự án khí Ô Môn lô B…

Trước đề nghị của chủ tịch Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) Tanaka Akihiko về việc sớm triển khai thủ tục giải ngân khoản vốn vay lần thứ tư cho dự án đường sắt đô thị TP.HCM đoạn Bến Thành – Suối Tiên (Chính phủ Nhật cấp khoản vay lần thứ tư khoảng 7.000 tỉ đồng), Thủ tướng tán thành và hứa sẽ chỉ đạo ngay.

“Với các dự án cũ, tôi sẽ yêu cầu lãnh đạo các bộ ngành phối hợp với JICA giải quyết các vấn đề còn tồn đọng. Chúng ta sẽ rút kinh nghiệm để triển khai các dự án ODA thế hệ mới nhanh và hiệu quả hơn”, ông nhấn mạnh.

Về triển vọng hợp tác kinh tế, trong các cuộc tiếp xúc với lãnh đạo các tập đoàn và đối tác Nhật Bản, Thủ tướng kêu gọi các nhà đầu tư Nhật đầu tư mạnh mẽ hơn nữa vào Việt Nam trong các ngành công nghệ mới, công nghiệp bán dẫn, sản xuất chip, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, công nghệ môi trường, hydrogen…, đặc biệt là chuyển giao công nghệ cho Việt Nam.

“Tôi trông đợi hành động của các bạn”, ông hối thúc các nhà đầu tư.

Mô hình đàn nhạn bay dần thay đổi

Hai nhà nghiên cứu Yessi Vadila và Lili Yan Ing (Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á) nhận định tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN – Nhật Bản hai bên tái khẳng định cam kết của mình đối với một hệ thống thương mại đa phương, tránh các hành động đơn phương gây chia rẽ và củng cố thương mại và đầu tư khu vực vì sự thịnh vượng chung.

“Mối quan hệ giữa ASEAN và Nhật Bản đã vượt ra ngoài mô hình đàn nhạn bay, nêu bật tác động lẫn nhau và hành trình phát triển chung giữa hai bên, nhấn mạnh tương lai gắn kết và tiến bộ liên kết giữa hai bên”, hai nhà nghiên cứu nhận định.

Mô hình đàn nhạn bay thường được dùng trong quá khứ để nói về vai trò dẫn đầu của Nhật Bản. Nhưng nay nó đang dần thay đổi, minh chứng là việc Thủ tướng Kishida Fumio đã nhấn mạnh đến cụm từ “đồng sáng tạo” giữa Nhật Bản và ASEAN, nêu bật sự bình đẳng trong mối quan hệ.

Bên lề Hội nghị cấp cao cộng đồng châu Á phát thải ròng bằng 0 (AZEC) đầu tiên, các công ty Nhật Bản và ASEAN cũng đã đồng ý về một loạt thỏa thuận tập trung vào quá trình khử carbon, cho thấy sự cần thiết phải huy động nguồn lực tư nhân để đạt được phát thải ròng bằng 0 ở châu Á. Bởi lẽ quá trình đó, theo Thủ tướng Kishida Fumio, cần ít nhất 28.000 tỉ USD.

Đông Duy

Bài mới
Đọc nhiều