+
Aa
-
like
comment

Tài sản tham nhũng càng khó thu hồi thì càng phải quyết tâm

Tùng Anh - 06/09/2019 18:28

Ở một số nước, tài sản không giải trình được nguồn gốc bị coi là bất hợp pháp và bị tịch thu. Còn ở Việt Nam, hiện việc thu hồi những tài sản loại này đang còn gặp nhiều khó khăn. Một số trường hợp kê khai tài sản không đúng, mà chỉ có thể áp kỷ luật đối với người kê khai, không thể đụng được vào khối tài sản không rõ nguồn gốc. Nhưng vì đây là “sự chờ đợi của gười dân” nên Đảng sẽ quyết tâm thực hiện.

Quyết tâm đầy lùi tệ nạn, đưa tham nhũng ra ánh sáng

Tại phiên họp toàn thể lần thứ 13 của Ủy ban Tư pháp, chiều 3/9, đề cập lĩnh vực tham nhũng, kinh tế, Thượng tướng Lê Qúy Vương, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, kể từ đầu năm đến nay, các lực lượng chức năng đã phát hiện 14.228 vụ phạm tội và vi phạm pháp luật về trật tự quản lý kinh tế (ít hơn 11,02% so với cùng kỳ 2018); 281 vụ phạm tội, vi phạm pháp luật về tham nhũng và chức vụ (ít hơn 0,35% so với cùng kỳ 2018).

Đã đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo bảo đảm đúng tiến độ, khắc phục được nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác giám định, định giá tài sản, cung cấp hồ sơ, tài liệu, đánh giá chứng cứ, xác định tội danh, thu hồi tài sản.

Tài sản tham nhũng hiện khó thu hồi vì gặp phải nhiều vướng mắc và chưa có cơ chế xử lý

Theo ông Lê Qúy Vương, công tác phát hiện, điều tra, xử lý tham nhũng ở địa phương có nhiều tiến bộ, từng bước khắc phục dần tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Qua công tác phòng ngừa, đấu tranh cho thấy tội phạm, vi phạm pháp luật về tham nhũng, kinh tế còn diễn ra phức tạp, thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi, sử dụng phần mềm gian lận doanh thu để trốn thuế, kéo dài thời gian thu phí tại các trạm thu phí BOT, như vụ xảy ra tại tuyến cao tốc TPHCM – Trung Lương.

Tiếp tục chương trình làm việc vào chiều 4/9, Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội thẩm tra, cho ý kiến báo cáo của Chính phủ về công tác PCTN năm 2019.

Trình bày báo cáo, Phó Tổng Thanh tra Trần Ngọc Liêm cho hay, trong năm 2019, công tác PCTN tiếp tục được duy trì, đẩy mạnh, “không dừng”, “không nghỉ”, “không chùng xuống” với cách làm bài bản, quyết liệt, đồng bộ, đi vào chiều sâu, hiệu quả hơn; được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân hoan nghênh, đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.

Qua đó, tiếp tục khẳng định quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong công tác PCTN, giữ vững niềm tin của nhân dân. Nổi bật là, đã tăng cường phối hợp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc với quyết tâm cao hơn, quyết liệt hơn.

“Nhiều vụ án được mở rộng điều tra, khởi tố thêm nhiều bị can, làm rõ bản chất chiếm đoạt, tham nhũng, tiếp tục khẳng định quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” trong đấu tranh PCTN”, ông Trần Ngọc Liêm thông tin.

Công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán được đẩy mạnh, xử lý nghiêm minh, kịp thời các tổ chức đảng, đảng viên sai phạm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước, củng cố thêm niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Báo cáo điểm một loạt vụ án tham nhũng lớn đã được phát hiện, khởi tố, điều tra, điển hình như: Vụ án Nguyễn Thành Tài, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hồ Chí Minh và đồng phạm bị khởi tố điều tra về tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, xảy ra tại TP Hồ Chí Minh; vụ án Phan Văn Anh Vũ (Vũ Nhôm) cùng đồng phạm về tội “cố ý làm lộ bí mật Nhà nước; lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ…”.

Hay vụ án Lê Nam Trà cùng đồng phạm “vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng”, xảy ra tại Tổng Công ty viễn thông Mobifone, Bộ Thông tin Truyền thông và Công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn Cầu (AVG).

Vụ án Mai Văn Tinh, Nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (Tisco) thuộc Tổng Công ty thép Việt Nam cùng 4 đồng phạm bị khởi tố, điều tra về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” và tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Tisco.

Cần chú trọng biện pháp kê biên tài sản

Cùng với việc phát hiện, xử lý nghiêm các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế, các cơ quan chức năng đã chú trọng xác minh, áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản của các đối tượng phạm tội tham nhũng ngay từ giai đoạn điều tra, không để tẩu tán, hợp pháp hóa tài sản tham nhũng; khuyến khích người phạm tội tự nguyện giao nộp tài sản tham nhũng, khắc phục hậu quả thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra cho Nhà nước.

Đáng lưu ý về kê khai tài sản, qua việc xác minh tài sản, thu nhập của cơ quan có thẩm quyền, phát hiện 10 trường hợp vi phạm (tăng 4 trường hợp so với cùng kỳ năm trước), đã xử lý kỷ luật 8 trường hợp, gồm: Bộ Công an 2 người, Đà Nẵng 1 người, Khánh Hòa 2 người, Tây Ninh: 2 người, Thanh Hóa: 1 người, đang xem xét xử lý kỷ luật 2 trường hợp. Cũng trong năm 2019, có 21 người đứng đầu đã bị xử lý kỷ luật do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng và 2 người đang được các cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý.

Tuy nhiên, “việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng chưa đạt yêu cầu và còn tình trạng nhầm lẫn giữa việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng với việc xử lý người đứng đầu do trực tiếp thực hiện hành vi tham nhũng”, báo cáo Chính phủ nêu.

Sai phạm trong dự án Tổng công ty Viễn thông MobiFone đang được dư luận đặt biệt quan tâm về thủ hồi tài sản tham nhũng

Điều tra sai phạm trong dự án Tổng công ty Viễn thông MobiFone mua 95% cổ phần của Công ty CP nghe nhìn Toàn Cầu (AVG) cho thấy, nhiều quan chức đã nhận số tiền hối lộ lên tới hàng triệu USD. Tuy nhiên hiện nay công tác khắc phục hậu quả đối với những người nhận hối lộ còn khá ít ỏi. Về việc này, nhiều người nhận định rằng, việc thu hồi tài sản do tham nhũng mà có phải được thực hiện một cách triệt để, nghiêm minh, tránh thất thoát tiền của, tài sản của Nhà nước.

Việc khắc phục hậu quả, thu hồi tài sản cho Nhà nước trong các vụ án tham nhũng là rất ít. Theo ông Hòa, khi một ai đó tham nhũng thì họ đã tẩu tán tài sản như chuyển cho người này người nọ trong gia đình… Còn tài sản của người tham nhũng thì rất ít. Việc này không phải là tình trạng mới có mà diễn ra từ lâu. Đây là hành vi tẩu tán tài sản lấy tiền nhà nước, rất nguy hiểm.

Khác với tội giết người, cướp của, đánh nhau gây thương tích, hành vi tham nhũng thường diễn biến trong thời gian dài. Chính quốc gia có mô hình phòng chống tham nhũng hiệu quả cũng không hy vọng thu hồi 100% tài sản tham nhũng, vì vậy trách nhiệm giải trình và chế tài áp dụng khi không giải trình được các nước đặt ra để sớm khoanh vùng nhận diện và tăng khả năng thu hồi tài sản.

Hiện nay, Trung Quốc ra quy định nêu trên là đặt mục tiêu bằng mọi giá người có hành vi tham nhũng phải trả lại tất cả những gì mà họ đã chiếm đoạt. Việc thu hồi rất triệt để, thu cả đồng hồ, bút đắt tiền, thu theo giá trị thực tế của tài sản. Singapore còn có luật riêng về thu hồi tài sản tham nhũng với căn cứ, điều kiện, trình tự, thẩm quyền rõ ràng.

Việc thu hồi tài sản không giải trình được nguồn gốc hợp pháp dẫu là vấn đề mới và khó với Việt Nam, nhưng đây là “sự chờ đợi của người dân”. Dù các nước đã và đang trải qua khó khăn như chúng ta trong cuộc chiến chống tham nhũng cũng tự tìm ra cho mình cơ chế thu hồi tài sản tham nhũng và đang phát huy hiệu quả trên thực tế. Từ thực tế và kinh nghiệm quốc tế, mong ban soạn thảo tiếp thu đưa vấn đề này ra thảo luận thấu đáo trên nhiều khía cạnh.

Hồng Anh

Bài mới
Đọc nhiều