Tài sản bất minh và những “ngọn đèn pha soi sáng”
Kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn luôn là một giải pháp quan trọng trong tổng thể các biện pháp phòng, chống tham nhũng. Nhất là hiện nay, khi diễn ra đại hội đảng các cấp thì việc kê khai, kiểm soát tài sản của nhân sự cấp ủy, đặc biệt là cấp Trung ương luôn là vấn đề dư luận rất quan tâm.
Trong bài viết quan trọng mới đây về công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Không để lọt vào Ban chấp hành Trung ương khóa XIII những người kê khai tài sản không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản khác mà không giải trình rõ được nguồn gốc…”.
Lương hơn chục triệu đồng, sao nhiều tiền, nhiều nhà đất thế?
Nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về vấn đề tài sản của cán bộ không chỉ là căn cứ quan trọng để lựa chọn nhân sự đại hội, mà còn là sự khẳng định dứt khoát loại bỏ những người không đủ tư cách, đạo đức, nhất là người tham ô, tham nhũng vào trong bộ máy; qua đó, chọn lựa được đội ngũ cán bộ vừa có đức, vừa có tài, trong đó đức là gốc.
Yêu cầu của người đứng đầu Đảng, Nhà nước là vấn đề cụ thể nhưng có tính định hướng cao về chiến lược cán bộ nói chung, nhân sự đại hội nói riêng. Bởi vì, qua kiểm chứng, để thấy được tư cách cán bộ là người có trung thực không; tài sản, thu nhập ấy có minh bạch, chính đáng, có nguồn gốc rõ ràng hay không; có tham ô, tham nhũng, có lợi dụng chức quyền để trục lợi hay không?… Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Ðoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng chính là mong muốn của mỗi người dân. Bởi vì, trong thực tế, “nhiều người sau khi được bổ nhiệm làm cán bộ, với quyền cao, chức trọng, thay vì tu dưỡng đạo đức, ra sức phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân thì lại chỉ chăm chăm vun vén bổng lộc, tài sản cho cá nhân, gia đình và người thân”-ông Nguyễn Túc nêu.
Có thể thấy rằng, trong những năm qua, đặc biệt là nhiệm kỳ Đại hội XII, Đảng ta rất chú trọng công tác kiểm tra, kiểm soát tài sản, thu nhập của đội ngũ cán bộ, góp phần ngăn chặn, phòng ngừa hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn vì động cơ vụ lợi. Nghị quyết số 04-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã chỉ rõ: “Thực hiện nghiêm việc kê khai tài sản, thu nhập theo quy định; xây dựng và hoàn thiện cơ chế giải trình và giám sát việc tăng, giảm tài sản của cán bộ, đảng viên. Cơ quan đề xuất đề bạt, bổ nhiệm cán bộ phải tiến hành thẩm định, xác minh, đánh giá tính trung thực của việc kê khai tài sản, thu nhập và công khai theo quy định”. Ngày 23-5-2017, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 85-QĐ/TW về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, thể hiện tinh thần nêu gương và yêu cầu nêu gương đối với cán bộ cấp cao trong công tác kê khai và kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản. Thể chế hóa quan điểm của Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều quy định pháp luật, bảo đảm thực hiện có hiệu quả việc kê khai, kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ trong hệ thống công vụ…
Từ các chủ trương, quy định đó, việc kê khai, kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức quyền trong những năm qua đã chuyển biến nhất định, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tuy nhiên, việc kê khai, kiểm soát tài sản, thu nhập vẫn tồn tại không ít hạn chế, bất cập. Báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng (2006-2016) nhận định: “Việc kê khai tài sản, thu nhập còn nặng về hình thức; hầu hết các bản kê khai chưa được kiểm tra, xác minh, kiểm chứng; chưa giúp cho các cơ quan chức năng kiểm soát được những biến động về tài sản của người có chức vụ, quyền hạn”. Hằng năm, việc kê khai được làm rất nghiêm túc, đầy đủ. Số lượng người kê khai luôn đạt hơn 99%; kê khai đúng thời kỳ, đúng thời hạn nộp. Tuy nhiên, tính hiệu quả của việc kê khai, để phát hiện những bất thường, thậm chí tài sản tham nhũng để xử lý, thu hồi vẫn còn rất thấp.
Trong khi đó, thực tế có nhiều cán bộ quyền cao, chức trọng, giàu nhanh chóng với khối tài sản lớn, sở hữu nhiều biệt phủ, siêu xe, vật dụng xa xỉ… Chỉ tính từ đầu nhiệm kỳ khoá XII đến nay, đã có gần 100 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý bị kỷ luật, thậm chí bị xử lý hình sự, trong đó có những cán bộ liên quan đến tham ô, tham nhũng với số tiền lên đến hàng triệu USD. Ông Nguyễn Túc nêu câu hỏi: “Cán bộ lãnh đạo, quản lý, hưởng lương theo quy định của Nhà nước chỉ có hơn chục triệu đồng, mà sao gia đình, con cái, người thân nhiều tiền, nhiều đất đai đến thế? Rồi, vợ, chồng, con cái cũng chỉ làm công nhân, viên chức mà lại sở hữu xe sang, biệt thự, thậm chí như dư luận từng phản ánh có trường hợp sở hữu cả resort? Có trường hợp cán bộ để vợ, con lợi dụng làm ăn, lập dự án, kiếm tiền thiếu minh bạch”.
Sở dĩ việc kê khai, kiểm soát tài sản, thu nhập theo quy định còn nặng về hình thức là do nhiều nguyên nhân. Trong đó, các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập chưa đủ mạnh để kiểm soát; việc xác định đối tượng kê khai, trình tự, thủ tục giải trình, xác minh tài sản, thu nhập và thẩm quyền của cơ quan chức năng có trách nhiệm phát hiện, xử lý vi phạm… còn bất cập; chưa có cơ chế hữu hiệu trong việc công khai bản kê khai tài sản nhằm phát huy sự giám sát của xã hội đối với tài sản của người có chức vụ, quyền hạn… Thực trạng đó cần phải có giải pháp đồng bộ, đột phá để tạo chuyển biến trong công tác này ngay khi diễn ra đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng.
Dựa vào dân – “ngọn đèn pha soi sáng”
Trước hết, có thể khẳng định, tài sản do tham nhũng đem lại gắn liền với cán bộ có chức, có quyền và do bị tha hóa. Theo V.I.Lenin thì, nguyên nhân của quan liêu, tham nhũng bắt nguồn từ tư tưởng thích chức quyền, ham địa vị, ham lợi, ham giàu sang phú quý, “ăn trên ngồi trốc”… của một tầng lớp gồm những người trong ngành hành chính có chức, có quyền được hưởng một địa vị đặc quyền so với nhân dân. Ngay từ những ngày đầu thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã cảnh báo và lên án mạnh mẽ những biểu hiện của sự tha hóa quyền lực trong không ít cán bộ, đảng viên có chức, có quyền. Trong ba kẻ thù “nội xâm” là tham ô, lãng phí và quan liêu, Người coi tham ô là kẻ thù nguy hiểm nhất, bởi đó là hành động xấu xa nhất, tội lỗi, đê tiện nhất trong xã hội. Nó nguy hiểm đến mức mà Người từng xếp căn bệnh này ngang hàng với tội phản quốc.
Cũng đề cập về vấn đề này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018 đã khẳng định: “Quyền lực luôn có nguy cơ bị “tha hóa”, tham nhũng là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực, cho nên, phải thiết lập cho được một cơ chế kiểm soát việc thực thi quyền lực đối với người có chức vụ, quyền hạn theo nguyên tắc, mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế; quyền hạn phải được ràng buộc với trách nhiệm, quyền hạn đến đâu, trách nhiệm đến đó, quyền hạn càng cao, trách nhiệm càng lớn. Do vậy, phải tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát để bảo đảm quyền lực được vận hành công khai, minh bạch, đúng đắn, không bị “tha hóa”.
Việc kê khai, kiểm soát tài sản, thu nhập của những cán bộ có chức, có quyền chính là giải pháp để ngăn ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh, chống lại sự “tha hóa quyền lực”. Một trong những kênh quan trọng hàng đầu để kiểm soát quyền lực nói chung và tài sản của cán bộ, công chức nói riêng là từ nhân dân. Thực tế vừa qua, chính người dân, có thể trực tiếp hoặc thông qua báo chí, công luận, thậm chí mạng xã hội, đã góp phần vạch trần những khối tài sản lớn, bất minh của một số cán bộ, giúp cơ quan chức năng đưa ra ánh sáng và xử lý người vi phạm. Sinh thời, Bác Hồ luôn đề cao vai trò của quần chúng trong đấu tranh chống “thứ giặc ở trong lòng”. Người chỉ rõ: “Làm cho quần chúng khinh ghét tệ tham ô, lãng phí, quan liêu; biến hàng trăm, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp”.
Để phát huy vai trò của nhân dân trong công tác giám sát việc kê khai, kiểm soát tài sản của cán bộ, điều tiên quyết là cần có cơ chế hữu hiệu, khả thi để người dân tiếp cận được với thông tin về tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức. Mặc dù chúng ta đã có chủ trương về công khai bản kê khai tài sản của công chức nhưng khi thực hiện vẫn chưa rộng rãi, thông tin kê khai về cơ bản vẫn chỉ “khép kín”. Theo TS Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ) thì có hai nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này: Một là, về mặt kỹ thuật, với một số lượng bản kê khai tài sản quá lớn như hiện nay thì việc công khai tại nơi cứ trú là điều không hề đơn giản. Công khai ở đâu? Hình thức như thế nào? Ai là người thực hiện? Chi phí sẽ là bao nhiêu để công khai hơn một triệu bản kê khai?… Thứ hai, quan trọng hơn, là sự lo ngại về việc bảo đảm an toàn cho người có tài sản cả về tinh thần và vật chất. Việc bất kỳ một người nào đó biết được tài sản của công chức sẽ có thể dẫn đến nguy cơ sử dụng thông tin đó với dụng ý xấu hay vào việc bất minh.
Những khó khăn này rất cần được các cơ quan chức năng nghiên cứu để có cách giải quyết, vừa bảo đảm sự tiếp cận của người dân với thông tin về tài sản của công chức, cán bộ lãnh đạo, quản lý, vừa bảo đảm an toàn cho người kê khai.
Để khắc phục tình trạng kê khai tài sản còn mang nặng tính hình thức và kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả hơn thu nhập, tài sản của cán bộ, công chức cần phải có cơ quan đủ thẩm quyền, một đầu mối thống nhất để hoạt động. Đó phải là cơ quan hoặc đơn vị chuyên trách, có trách nhiệm và năng lực tiếp nhận, rà soát, xác minh thông tin tài sản của cán bộ, công chức.
Giải pháp rất cần thiết để tăng tính tự giác, trung thực của người kê khai tài sản là xử lý nghiêm minh nếu phát hiện vi phạm. Một trong những nội dung đáng chú ý trong dự thảo Nghị định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ quyền hạn, đó là khi sự thiếu trung thực bị phát hiện, hình thức xử phạt sẽ rất nặng. Đối với cán bộ, công chức có thể bị buộc thôi việc; cán bộ lãnh đạo, quản lý có thể bị bãi nhiệm, miễn nhiệm, cách chức.
Nói về việc kê khai và kiểm soát thu nhập, tài sản của cán bộ lãnh đạo, quản lý trong bộ máy, chúng ta cũng không được “đánh đồng” và “vơ đũa cả nắm” với những thu nhập, tài sản chính đáng, tường minh. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng nói rằng, vấn đề kê khai tài sản cán bộ là vấn đề rất khó, nhạy cảm bởi nó liên quan đến quyền đời tư, quyền bí mật cá nhân. Vì vậy, phải được tiến hành thận trọng, đúng quy định, nhất là trong bối cảnh đang diễn ra đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng. “Chìa khóa” để giải quyết hiệu quả vấn đề này là phải dựa vào tai mắt và sức mạnh của nhân dân. Ông Nguyễn Túc khi đề cập đến kinh nghiệm này, đã khẳng định: “Để có thể phát hiện những người giàu nhanh, bất thường, nhiều nhà, nhiều đất thì không chỉ dựa vào bộ máy Đảng, Nhà nước mà quan trọng nhất là phải dựa vào dân. Bác Hồ đã từng nói: Có khó khăn gì, cứ về hỏi dân”.
TRẦN HOÀNG TIẾN/QDND