+
Aa
-
like
comment

Tái nhiễm COVID-19 vẫn còn là bí ẩn, liệu vắc xin có chặn được đại dịch?

19/11/2020 07:13

Tái nhiễm COVID-19 là hiện tượng chưa được hiểu rõ tường tận, một thách thức đối với khoa học hiện nay. Nó có thể quyết định liệu con người có phải sống chung thường trực với căn bệnh trong nhiều năm tới hay không.

Tái nhiễm COVID-19 vẫn còn là bí ẩn, liệu vắc xin có chặn được đại dịch? - Ảnh 2.
Xét nghiệm COVID-19 ở Mỹ – Ảnh: AFP

Theo tiêu chuẩn y khoa, cô Nicole Worthley sống ở bang South Dakota (Mỹ) là một trường hợp hiếm: Bị nhiễm COVID-19 ngày 31-3 rồi hết bệnh, rồi tiếp tục xét nghiệm bị dương tính với virus corona vào tháng 9 vừa qua.

Cả hai lần cô đều bị căn bệnh hành hạ, lần đầu là sốt trong 6 tuần, đi kèm với các di chứng phụ suốt mùa hè trước khi bệnh khởi phát thêm lần nữa.

Theo báo USA Today, Cơ quan Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) định nghĩa “tái nhiễm COVID-19” xảy ra là khi “khoảng cách giữa 2 lần nhiễm lâu hơn 90 ngày”, còn không có thể do bệnh kéo dài âm ỉ. CDC đang điều tra một số trường hợp nghi tái nhiễm ở Mỹ, nhưng chưa khẳng định ca nào.

Worthley nói cô không chắc cái nào tệ hơn: Bị tái nhiễm hay là mang trong cơ thể một con virus có khả năng tiềm ẩn rồi bùng lên bất cứ lúc nào?

Nỗi lo đó hoàn toàn có cơ sở. Cho đến nay khoa học không biết hệ miễn dịch có thể bảo vệ con người khỏi COVID-19 trong bao lâu sau khi khỏi bệnh.

Một số bệnh do virus như sởi, thuỷ đậu… thường chỉ mắc một lần trong đời, khi một người đã nhiễm hoặc tiêm vắcxin các bệnh này, hệ miễn dịch có thể ghi nhớ suốt.

Nhưng với các loại virus khác, ví dụ virus gây bệnh cảm cúm (một số có họ hàng gần với SARS-CoV-2), miễn dịch đôi khi kéo dài không tới 1 năm, thậm chí không quá một mùa.

COVID-19 xuất hiện trên thế giới chưa đầy 1 năm, do đó chưa đủ thời gian để các nhà khoa học biết cơ thể miễn dịch với bệnh trong bao lâu. Đây lại là một vấn đề rất hệ trọng vì nó liên quan đến tính hiệu quả của vắcxin trong việc tạo ra miễn dịch cộng đồng – chìa khoá chấm dứt đại dịch.

Bí ẩn chưa giải đáp

Tính đến cuối năm 2020, thế giới đã ghi nhận khoảng vài chục ca tái nhiễm COVID-19. Một người đàn ông ở Hong Kong vô tình phát hiện tái nhiễm sau chuyến bay hồi hương từ Ý; một người khác, 25 tuổi, ở Nevada (Mỹ) thì bệnh trầm trọng hơn trong lần thứ 2…

Cả hai trường hợp trên, phân tích gen đã chứng minh họ bị tái nhiễm do mỗi lần là một biến chủng có sự khác biệt, chứ không phải bệnh kéo dài.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng nhận được các báo cáo về ca tái nhiễm, tuy không đáng kể so với số lượng người mắc hiện nay.

“Hiểu biết hiện nay của chúng tôi là phần lớn mọi người có phản ứng miễn dịch trong vòng vài tuần kể từ lúc nhiễm virus. Chúng tôi vẫn đang tìm hiểu kháng thể tồn tại được bao lâu. Đến nay chúng tôi có trong tay dữ liệu cho thấy phản ứng miễn dịch kéo dài vài tháng”, một người phát ngôn của WHO cho biết.

Ông Jeffrey Shaman, giáo sư Đại học Columbia, đang nghiên cứu hiện tượng tái nhiễm COVID-19. Ông nói các nhà khoa học còn rất nhiều câu hỏi chưa có lời đáp.

Chẳng hạn họ muốn biết: Tần suất xảy ra tái nhiễm là bao nhiêu, người nhiễm lần 2 có lây không và trong bao lâu, người tái nhiễm bệnh nhẹ hay nặng hơn…

Để vén tấm màn bí mật, các nhà nghiên cứu như giáo sư Shaman đang cố tìm hiểu cơ chế nào đằng sau sự tái nhiễm.

Tái nhiễm COVID-19 vẫn còn là bí ẩn, liệu vắc xin có chặn được đại dịch? - Ảnh 1.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 ở Mỹ – Ảnh: REUTERS

Vắc xin có cứu được nhân loại?

Có một số khả năng có thể xảy ra, theo giáo sư Shaman: Thứ nhất, một số người có thể không tạo được trí nhớ miễn dịch sau lần bệnh đầu, và cần phải phơi nhiễm thêm mới có miễn dịch. Nếu vậy vắc xin cũng sẽ gặp cùng vấn đề, và sẽ không hiệu quả lắm.

Thứ hai, con người có thể tạo ra kháng thể chống virus, nhưng sau đó mất đi. Trong trường hợp này, hiệu quả của vắc xin cũng sẽ không kéo dài lâu.

Kịch bản xấu nhất là trường hợp tương tự bệnh sốt xuất huyết. Với căn bệnh này, một người sẽ bị nặng hơn nếu mắc lần thứ 2, hoặc nhiễm bệnh sau khi được tiêm vắc xin. Nếu vậy vắc xin chỉ càng gây hại thêm. Hiện chưa có bằng chứng COVID-19 có biểu hiện này.

Thỉnh thoảng, một số bệnh bùng phát trên diện rộng (đại dịch) rồi giảm quy mô nhưng không biến mất hoàn toàn, cứ mỗi năm lại xuất hiện.

Dịch cúm Tây Ban Nha 1918 là một ví dụ. Nó tàn phá khủng khiếp (hơn 50 triệu người chết) vì không ai trong dân số có đề kháng. Những năm sau đó nó tiếp tục quay lại nhưng số người chết không còn cao như trước, có lẽ vì khả năng đề kháng của con người đã tăng.

Nếu COVID-19 cũng giống như thế, vắc xin có thể giúp ích rất nhiều bằng cách giúp con người tăng khả năng chịu đựng thông qua sự phơi nhiễm, thậm chí hiệu quả vắc xin không cần cao lắm.

Hiện nay, khoa học vẫn chưa biết người nhiễm COVID-19 có thể lây trong bao lâu nếu triệu chứng không biến mất hoặc tái xuất hiện.

Một nghiên cứu mới đăng trên Tạp chí JAMA Internal Medicine ghi nhận 18% bệnh nhân COVID-19 trong một bệnh viện ở Ý xét nghiệm dương tính trở lại sau khi hồi phục, hoặc đã xét nghiệm âm tính.

Chỉ 1/32 bệnh nhân có dấu hiệu virus tiếp tục sinh sôi trong máu – điều cho thấy người này vẫn còn nhiễm hoặc mới tái nhiễm.

Cho đến khi mọi thứ có câu trả lời, các nhà khoa học khuyên mọi người tiếp tục thận trọng, cụ thể là đeo khẩu trang, rửa tay và tránh đám đông.

“Cách duy nhất để chúng ta hiểu là chờ thêm thời gian”, giáo sư Shaman nói.

Thành Nhân/USA Today

Bài mới
Đọc nhiều