+
Aa
-
like
comment

Tài liệu CIA hé lộ điều bí mật: 2 tên lửa Trung Quốc khiến Mỹ “giật mình”

12/01/2021 09:36

Thứ từng được Mỹ xem là “vua của biển cả” có thể sẽ sớm phải đối mặt với mối đe dọa thực sự nhằm vào sự tồn tại của chúng.

Cuộc chiến diệt hạm: Tài liệu CIA hé lộ điều bí mật, 2 tên lửa Trung Quốc khiến Mỹ "giật mình"
Ảnh minh họa

Theo một chuyên gia quân sự Trung Quốc, vào tháng 8 năm ngoái, Trung Quốc đã phóng 2 tên lửa đạn đạo nhằm vào một con tàu mục tiêu đang di động tại Biển Đông, ở vị trí cách bãi phóng của chúng hàng nghìn dặm.

Vụ phóng diễn ra sau khi Mỹ triển khai 2 nhóm tác chiến tàu sân bay tới khu vực được 1 tháng và ngay sau ngày máy bay trinh sát U-2 của Mỹ tiến hành giám sát một cuộc tập trận bắn đạn thật của Hải quân Trung Quốc.

Theo Business Insider, nếu thông tin trên là chính xác thì vụ thử nghiệm đó sẽ là màn trình diễn chính thức đầu tiên của các tên lửa đạn đạo chống tàu tầm xa Trung Quốc nhằm vào một mục tiêu di động.

“Chúng tôi làm điều này do họ [Mỹ] đã có những hành động khiêu khích”, Wang Xiangsui, một cựu Đại tá Trung Quốc – đồng thời là Giáo sư Đại học Beihang, Bắc Kinh – cho hay, đề cập tới các đợt triển khai tàu của Washington. Ông Wang gọi cuộc thử nghiệm là “lời cảnh báo gửi tới Mỹ”.

Trong khi đó, không chịu lép vế, Hải quân Nga đã tiến hành vụ phóng thử nghiệm thứ 3 đối với tên lửa hành trình chống tàu siêu vượt âm Zircon tại Biển Trắng hồi tháng 12 năm ngoái.

Được bắn đi từ một khinh hạm, tên lửa Zircon đã đạt tốc độ Mach 8 trước khi đánh trúng một “mục tiêu ven biển” cách đó hơn 200 dặm.

Theo Business Insider, những cuộc thử nghiệm này là dấu hiệu mới nhất cho thấy các tàu sân bay Mỹ – thứ từng được xem là “vua của biển cả” – có thể sẽ sớm phải đối mặt với mối đe dọa thực sự nhằm vào sự tồn tại của chúng.

Mục tiêu ưu tiên cao

Các tàu sân bay Mỹ luôn nằm trong số những mục tiêu lớn nhất đối với các đối thủ của Washington.

Cuộc chiến diệt hạm: Tài liệu CIA hé lộ điều bí mật, 2 tên lửa Trung Quốc khiến Mỹ giật mình - Ảnh 1.
Tàu sân bay USS Carl Vinson cùng các tàu chiến khác của Mỹ trong cuộc tập trận với Hải quân Ấn Độ năm 2012. Ảnh: Hải quân Mỹ

Mặc dù từng công khai chê bai các tàu sân bay là “kẻ áp bức các phong trào giải phóng dân tộc” nhưng Liên Xô cũng phải thừa nhận chúng như một nền tảng vũ khí thống trị, nhất là sau khi họ nhận ra rằng trong các phi đoàn trên tàu sân bay Mỹ có những máy bay mang theo vũ khí hạt nhân.

Một số tài liệu được giải mật của CIA đã hé lộ sự thật là trong những năm 1980, Liên Xô hiếm khi chê bai các tàu sân bay Mỹ trong những cuộc thảo luận nội bộ, họ thậm chí còn ca ngợi chúng là mang lại “tính ổn định chiến đấu cao”.

Theo một tài liệu từ năm 1979, tàu sân bay sẽ là “mục tiêu ưu tiên cao nhất trong các cuộc tấn công chống tàu” nếu chiến tranh nổ ra, tiếp sau sẽ là các tàu đổ bộ tấn công.

Các kế hoạch để đối phó tàu sân bay được chủ yếu xây dựng dựa trên tên lửa hành trình chống tàu phóng từ tàu ngầm, máy bay ném bom và tàu mặt nước [lý tưởng nhất là triển khai đồng thời cả 3 loại phương tiện phóng].

Để đạt được mục tiêu đó, Hải quân Liên Xô đã chú trọng vào công nghệ tên lửa hành trình và khả năng mang tên lửa trên tất cả các tàu chiến của họ, kể cả tàu sân bay.

Phương tiện mang phóng chủ lực của Không quân Liên Xô là các máy bay ném bom Tu-16, Tu-95, Tu-22 và của Hải quân Liên Xô là các tàu tuần dương Kynda, Kresta, Slava, cùng lớp Kirov.

Một loạt các tàu ngầm diesel-điện và hạt nhân của Liên Xô, như lớp Oscar II và Juliett, cũng có khả năng phóng các tên lửa đó từ dưới lòng biển hoặc trên mặt biển.

Tuy nhiên, những phương thức này dường như chưa đủ. Hệ thống phòng không và các phi đoàn trên tàu sân bay Mỹ được Liên Xô cho là mạnh tới mức cần điều 100 máy bay ném bom chỉ để tấn công 1 tàu sân bay, với tổn thất dự kiến lên tới 50%.

Bên cạnh đó, do lo ngại các tên lửa hành trình chống tàu có thể bị bắn hạ hoặc đánh chặn nên Liên Xô cho rằng chúng cần được trang bị đầu đạn hạt nhân.

Cuộc chiến diệt hạm: Tài liệu CIA hé lộ điều bí mật, 2 tên lửa Trung Quốc khiến Mỹ giật mình - Ảnh 2.
Tên lửa đạn đạo DF-26 của Trung Quốc trong lễ duyệt binh năm 2015. Ảnh: Reuters

Trung Quốc cũng đầu tư rất lớn vào năng lực chống tàu sân bay. Bắc Kinh đã mua nhiều loại vũ khí từ Nga, trong đó có tiêm kích đa nhiệm Su-30MKK, tàu ngầm tấn công lớp Kilo, cùng các tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường lớp Sovremenny. Tuy nhiên, tên lửa đang là trọng tâm phát triển chính của Trung Quốc.

Bắc Kinh đã tích lũy được một trong những kho tên lửa lớn nhất và tiên tiến nhất trên thế giới, 95% trong số đó vượt ra ngoài giới hạn của Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung [trong đó nghiêm cấm Nga-Mỹ sở hữu tên lửa có tầm bắn từ 310-3.100 dặm]. Mỹ gần đây đã rút khỏi Hiệp ước, trong khi Trung Quốc chưa từng tham gia vào thỏa thuận này.

Hai tên lửa mà Bắc Kinh bắn thử hồi tháng 8 là các biến thể của tên lửa DF-21 và DF-26, có tầm bắn lần lượt trong khoảng 1.300 – 2.400 dặm.

Bay cao hơn, nhanh hơn và xa hơn tên lửa hành trình Liên Xô, các tên lửa chống tàu của Trung Quốc có thể áp đảo hệ thống phòng thủ tên lửa của tàu sân bay và các tàu hộ tống, buộc tàu sân bay của đối thủ phải giữ khoảng cách xa tới mức khiến các phi đoàn máy bay trên tàu trở nên vô dụng.

Báo cáo gần đây của Bộ Quốc phòng Mỹ thừa nhận, phát triển tên lửa là một lĩnh vực mà Bắc Kinh đã “đạt đến độ ngang bằng, thậm chí vượt mặt Mỹ”.

Các mối đe dọa mới

Tên lửa siêu vượt âm là mối đe dọa nghiêm trọng mới.

Cuộc chiến diệt hạm: Tài liệu CIA hé lộ điều bí mật, 2 tên lửa Trung Quốc khiến Mỹ giật mình - Ảnh 3.
Tên lửa siêu vượt âm Zircon được phóng đi từ khinh hạm Admiral Groshkov hồi tháng 10/2020. Ảnh: AP

Nhờ khả năng bay với tốc độ Mach 5, tên lửa siêu vượt âm khiến các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện nay khó có thể đáp trả hiệu quả. Chúng có thể đổi hướng trong hành trình bay, khiến những hệ thống này gần như không thể đánh chặn.

Trung Quốc có 2 loại vũ khí siêu vượt âm trong biên chế: DF-17 và DF-100. Nga cũng đang phát triển một số vũ khí siêu vượt âm, trong đó Zircon là sản phẩm hứa hẹn nhất. Các quan chức Nga cho biết, họ hy vọng có thể vũ trang tất cả các tàu chiến mới với tên lửa siêu vượt âm.

Gần đây, các quan chức Anh đã bày tỏ lo ngại về mối đe dọa mà vũ khí siêu vượt âm của Nga có thể mang lại cho tàu sân bay của họ.

“Tên lửa siêu vượt âm gần như không thể đánh chặn” – Một nguồn tin hải quân cấp cao của Anh nói với tờ Daily Mirror – “Do chưa có phương thức nào nhằm bảo vệ bản thân trước các loại tên lửa như Zircon nên tàu sân bay sẽ phải tránh xa phạm vi bắn của chúng”. Cũng chính vì thế, các máy bay trên tàu sẽ trở nên vô dụng.

Hiện vẫn chưa thể biết năng lực thực sự của các loại vũ khí chống tàu mới do Nga-Trung Quốc phát triển nhưng theo Business Insider, những cuộc thử nghiệm gần đây đã chứng tỏ một điều: Các tàu sân bay của Hải quân Mỹ có thể sẽ không còn chiếm ưu thế được lâu hơn nữa.

(Theo DNTT)

Bài mới
Đọc nhiều