Tại chùa Kỳ Quang 2: Có một cây cải đắng, quên mình đang đắng…
Thiền sư Thích Nhất Hạnh có câu nói rất hay: “Cũng như một người làm vườn biết cách dùng phân bón để cho ra những bông hoa tươi đẹp, người tu tập biết tận dụng nỗi đau khổ để tạo ra hạnh phúc”. Như cây cúc đắng quên lòng mình đang đắng, trổ hoa vàng dọc suối để ong bay, một con người đã nếm trải nhiều vị đắng của cuộc đời nhưng biết quên đi để trổ hoa làm đẹp cho đời, đạo hạnh đó của người tu sĩ không gì có thể nghĩ bàn.
Như nước biển chỉ có một vị: đó là vị mặn, người tu theo chánh pháp cũng chỉ có một vị: đó là vị giải thoát. Và người tu chân chánh như Hòa thượng Thiện Chiếu, đến từng này tuổi rồi, thì kiếp nạn nào đến mà Hòa thượng không rộng lòng đón nhận?
Đời, chỉ sợ những kẻ mượn đạo tạo đời, chứ người tu chân chánh như Hòa thượng Thiện Chiếu, cả đời tu hành và lo cho các trẻ mồ côi để báo ơn Tam bảo, báo ơn cha mẹ nhiều đời, nhiều kiếp, thì kiếp nạn nào rồi cũng sẽ trôi qua.
Thấy cách Hòa thượng Thiện Chiếu, vị Sư cả đang ôm lấy hàng trăm đứa trẻ mồ côi vào lòng ở chùa Kỳ Quang 2, càng thấm câu: cuộc đời sắc sắc, không không. Rồi tất cả sẽ trở về với cát bụi, nhưng hương thơm của người đức hạnh sẽ ngược chiều gió mà bay đi. Bởi, nhân gian nhìn thấy giá trị của người tu hành thể hiện qua đạo hạnh, đạo tâm và sự cho đi, cống hiến cho đời, cho đạo pháp, chứ không phải chỉ qua “chiếc áo và cái ghế của thầy tu”.
Cũng nói thêm, từ sự việc tro cốt chấn động tại chùa Kỳ Quang 2, phần nào lột tả cho thấy được sự yếu kém của truyền thông Phật giáo. Khi bị báo chí “đánh” từ vụ chùa Ba Vàng, dâng sao giải hạn, Tam Đảo, đến vụ ông tiến sĩ Dương Ngọc Dũng tấn công Phật giáo và hôm nay là tro cốt gửi ở chùa, hầu như truyền thông Phật giáo phát ngôn yếu ớt, chỉ đi sau dọn rác, và không bảo vệ được cho tu sĩ, hình ảnh Tăng đoàn. Trong khi hệ thống thông tin truyền thông của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, từ truyền hình, báo giấy, đến online, trải dài từ Trung Ương, đến cấp cơ sở ở tỉnh thành.
Thậm chí, ngay cả chuyện một ông tự xưng là Ủy viên UBMTTQ Q.12, TP.HCM đòi “chôn sống” Hòa thượng Thiện Chiếu, chuyện quá đáng như vậy, nhưng Ban Thông tin Truyền thông Giáo Hội Phật giáo vẫn im lặng. Là do Phật giáo thể hiện lòng từ bi, là buộc phải HIỀN, hay là còn có lý do nào khác? Thật sự không hiểu nỗi!
Đạo Phật, từng là quốc giáo của dân tộc. Vì lý do gì, ngày hôm nay trở thành tấm bia để mọi giới nhắm vào, rồi ai giễu cợt cũng được.
Bản thân tôi, khi đọc tin thấy đạo tin lành hả hê khi Hòa thượng Thiện Chiếu bị cách chức trụ trì, tôi rất đau lòng. Và tôi cũng thấy, nhiều Phật tử cùng chung nỗi đau với tôi xót thương cho vị Sư già đang sinh hoạt trong lòng của Giáo hội.
Xin hỏi, trong quý vị tu sĩ, có ai thấy đau lòng hay không?
Ngàn Dặm Không Mây