+
Aa
-
like
comment

Tác động từ địa chấn ngân hàng Silicon Valley sụp đổ

Bảo Trâm - 11/03/2023 15:04

Sự sụp đổ chớp nhoáng của ngân hàng Silicon Valley được coi là cú sốc với ngành tài chính, song giới chuyên gia nhận định vụ việc không nhiều khả năng gây ra “hiệu ứng domino”.

Ngân hàng Silicon Valley đã phải đóng cửa vào ngày 10/3. Ảnh: Reuters.

Cơ quan quản lý Mỹ ngày 10/3 đã thu giữ tài sản của ngân hàng Silicon Valley (SVB), một trong những ngân hàng hàng đầu tại thung lũng Silicon. Đây là ngân hàng lớn nhất phải đóng cửa kể từ sau khủng hoảng tài chính 2008.

Được xếp hạng ngân hàng lớn thứ 16 tại Mỹ, sự sụp đổ của SVB xảy ra chóng vánh khi khách hàng rút tiền hàng loạt do lo ngại từ những động thái của SVB.

Quy mô ngân hàng Silicon Valley

SVB là ngân hàng giao dịch công khai có trụ sở tại Santa Clara, California – trái tim của thung lũng Silicon. Ngân hàng này được bảo hiểm và chịu quản lý của Công ty Bảo hiểm Ký thác Liên bang Mỹ (FDIC). Điều này đồng nghĩa với việc nó sẽ nhận một khoản tiền từ chính phủ trong trường hợp không thể trả tiền cho người gửi.

SVB được coi là đơn vị cho vay hàng đầu đối với các start-up công nghệ. Ngân hàng làm việc với gần một nửa các công ty khởi nghiệp được đầu tư mạo hiểm, phần lớn trong lĩnh vực công nghệ và chăm sóc sức khỏe, theo Washington Post.

Vào cuối tháng 12/2022, SVB có tổng tài sản trị giá 209 tỷ USD, biến đây trở thành ngân hàng nhận bảo hiểm liên bang lớn thứ hai phải đóng cửa trong lịch sử nước Mỹ, sau vụ việc ngân hàng Washington Mutual đóng cửa do khủng hoảng tài chính 2008.

Sụp đổ đột ngột

Cổ phiếu SVB đã giảm 60% vào ngày 9/3, sau khi ngân hàng cho biết phải bán 21 tỷ USD tài sản và dự định bán 2,25 tỷ USD cổ phiếu để huy động vốn.

Theo Hill, thật hiếm khi FDIC lại kiểm soát một ngân hàng lớn như SVB, và càng hiếm hơn khi cơ quan này hành động ngay trong thời điểm thị trường mở cửa. Thông thường, FDIC sẽ thông báo tiếp quản ngân hàng sau khi thị trường chứng khoán đóng cửa vào thứ sáu để hạn chế thiệt hại cho khách hàng.

SVB đang nắm giữ lượng lớn trái phiếu kho bạc và trái phiếu chính phủ khác, trị giá hơn một nửa tài sản của ngân hàng. Khi lãi suất tăng, giá trị trái phiếu sẽ giảm, buộc ngân hàng phải thu hồi khoản lỗ.

Điều này đã gây hoang mang cho giới đầu tư mạo hiểm và các công ty công nghệ, dấy lên làn sóng rút tiền hàng loạt.

Bên ngoài trụ sở của Silicon Valley Bank tại California (Mỹ) hôm 10/3. Ảnh: Reuters

Tác động đến nền kinh tế

Theo CNBC, việc SVB sụp đổ kéo theo cổ phiếu của hàng loạt ngân hàng như First Republic, PacWest và Signature Bank bị đóng băng do độ biến động cao.

Cổ phiếu Ngân hàng Mỹ (BoA), Goldman Sachs hay Morgan Stanley đều chịu ảnh hưởng. S&P 500, Nasdaq và Dow Jones đều giảm hơn 1% khi cổ phiếu nhóm ngân hàng lao dốc.

Các ngân hàng đặc biệt nhạy cảm với động thái tăng lãi suất. Khi lạm phát tiếp tục tăng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã phát đi tín hiệu sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách tài chính để kiểm soát giá cả. Song, lập trường cứng rắn của Fed đã gia tăng lo ngại về suy thoái kinh tế.

Khi ngân hàng do FDIC quản lý gặp sự cố, khách hàng có thể nhận khoản bảo hiểm lên đến 250.000 USD mỗi tài khoản.

Cơ quan này cho biết các khách hàng sẽ nhận khoản tiền gửi được bảo hiểm trước sáng 13/3. Những người còn lại sẽ nhận cổ tức và chứng nhận về số tiền ngân hàng đang nợ, và có thể được thanh toán khi SVB bán tài sản.

Thông báo của FDIC đóng cửa SVB được dán trước cửa ngân hàng. Ảnh: AP.

Không lặp lại lịch sử 2008

Các quan chức và giới phân tích có lý do để lo ngại về sự sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley. Song, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen tự tin các nhà quản lý ngân hàng sẽ có động thái đảm bảo hệ thống tài chính ổn định.

Cecilia Rouse, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng, cho biết khủng hoảng tài chính năm 2008 buộc các ngân hàng có những công cụ và biện pháp bảo vệ trước các tổn thương kinh tế.

“Chúng tôi đã học được nhiều điều từ năm 2008, và có các công cụ tốt hơn để có thể bảo vệ các khoản đầu tư quan trọng của người Mỹ”, bà Rouse nói.

Công ty và nhân viên trong lĩnh vực công nghệ sẽ chịu tác động lớn từ sự kiện này. Song, các chuyên gia ngân hàng nói rằng nó không có nhiều khả năng tạo ra khủng hoảng sâu rộng như “hiệu ứng domino” đã tổn thương ngành ngân hàng như khủng hoảng năm 2008, theo CNN.

“Hệ thống ngân hàng hiện nay được vốn hóa và có tính thanh khoản tốt hơn trước. Các ngân hàng chịu tác động thì quá nhỏ để trở thành đe dọa diện rộng”, Mark Zandi, kinh tế trưởng tại công ty đầu tư Moody, cho biết.

Lần cuối một ngân hàng đóng cửa là khi nào?

Theo FDIC, không có ngân hàng nào phải đóng cửa trong năm 2021 và 2022, trong khi 4 ngân hàng sụp đổ tại Mỹ vào năm 2020.

Đầu tháng 3, ngân hàng Silvergate, đơn vị làm ăn với sàn giao dịch điện tử FTX thông báo sẽ thanh lý tài sản, khi các cơ quan quản lý điều tra các giao dịch của Silvergate với FTX.

Đây đều là những con số khiêm tốn nếu so với cuộc đại suy thoái từ cuối năm 2008. 140 ngân hàng phải đóng cửa trong năm 2009, 157 ngân hàng vào năm 2010, và con số này là 92 vào năm 2011. FDIC tiết lộ đã có 561 ngân hàng đóng cửa kể từ đầu thế kỷ XXI (2001).

Bảo Trâm

Bài mới
Đọc nhiều