+
Aa
-
like
comment

Tác động hướng lái trong xây dựng Luật Đất đai

Bảo An - 20/04/2020 14:29

Liên quan đến việc xây dựng Luật đất đai, ngày 14/4/2020, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tiến hành họp phiên toàn thể lần thứ 27 bằng hình thức trực tuyến. Theo đó, Chính phủ đề xuất rút khỏi chương trình năm 2020 dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai. Ngay sau đó, nhiều thông tin trái chiều đã được đưa ra, thậm chí, không ít người đã lợi dụng vấn đề này để tiến hành tuyên truyền xuyên tạc nhằm thực hiện mục đích chống phá.

Hình ảnh Luật Đất đai đang được các đối tượng hướng lái thay đổi

Luật đất đai là một trong những đạo luật quan trọng vì nó điều chỉnh các quan hệ xã hội liên quan trực tiếp đến đất đai – tư liệu sản xuất đặc biệt, quan trọng bậc nhất và có tác động liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Chính vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các quy định trong luật đất đai có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Với vị trí, vai trò đặc biệt của đất đai, việc sửa đổi, bổ sung, đưa ra các quy định liên quan cần phải tính toán, xem xét thận trọng, kỹ lưỡng. Nếu không, những hệ quả tiêu cực mà nó kéo theo sẽ vô cùng lớn.

Ngay sau khi thông chính Chính phủ đề xuất rút Luật Đất đai ra khỏi chương trình xây dựng luật năm 2020, hàng loạt bài viết có nội dung mang tính chỉ trích, gây tâm lý hoài nghi, tác động hướng lái dư luận đã được đưa ra. Trên RFA – tờ báo nước ngoài có cái nhìn tiêu cực về Việt Nam – đã xây dựng và đăng tải bài viết “Lý do trì hoãn sửa đổi luật đất đai thiếu thuyết phục!” và đi kèm với đó là hình ảnh về Lê Đình Kình – đối tượng đứng đầu trong Tổ Đồng thuận tại Đồng Tâm.

Thực tế, trong thời gian vừa qua, các đối tượng cơ hội chính trị đưa ra không ít bài viết tiêu cực liên quan đến Luật Đất đai. Với việc dẫn chứng các vụ việc như Thủ Thiêm, vườn rau Lộc Hưng, vụ thu hồi đất tại Tiên Lãng (Hải Phòng) và gần đây nhất là vụ việc tại Đồng Tâm (Mỹ Đức, Hà Nội), các đối tượng bắt đầu thêm mắm, thêm muối, tiến hành xuyên tạc, đổ lỗi cho thể chế và đưa ra yêu sách đòi sửa đổi, thay thế các quy định trong Luật Đất đai. Cái đích lớn nhất mà các đối tượng hướng đến là đòi đa dạng hoá, tư nhân hoá sở hữu về đất đai.

Đánh giá một cách khách quan, việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai là vấn đề cần thực hiện. Thực tế, qua quá trình áp dụng, Luật Đất đai đã bộc lộ không ít điểm hạn chế. Mặt khác, chúng ta cũng cần tính toán, thay đổi chính sách về đất đai để phù hợp với tình hình phát triển. Tuy nhiên, như đã nói từ ban đầu, việc thay thế, sửa đổi luật đất đai cần có sự đầu tư, thực hiện một cách cẩn trọng để đưa ra một đạo luật phù hợp với tình hình thực tế cũng như “sức sống” trong tương lai.

Quay lại với việc các đối tượng chống đối, phản động liên tục xuyên tạc Luật Đất đai hiện hành, đưa ra yêu sách phải thay đổi các quy định. Vậy, câu hỏi được đặt ra là vì sao các đối tượng này lại quan tâm lớn như vậy đến việc sửa đổi Luật Đất đai?

Nói thẳng, tác động hướng lái trong công tác xây dựng pháp luật là một trong những con đường đang được các thế lực thù địch sử dụng để tạo ra sự tự chuyển hoá, thay đổi thể chế chính trị tại nước ta. Với tư cách là một tư liệu sản xuất đặc biệt, việc tác động thay đổi các chính sách liên quan đến đất đai được các thế lực thù địch triệt để sử dụng.

Các quan hệ xã hội mà Luật Đất đai điều chỉnh gồm: chế độ sở hữu đất đai, quyền hạn và trách nhiệm của Nhà nước đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai và thống nhất quản lý về đất đai, chế độ quản lý và sử dụng đất đai, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất đối với đất đai thuộc lãnh thổ của nước ta.

Ở Việt Nam, đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất theo quy định. Điều này phù hợp và thống nhất với bản chất của đất đai là lãnh thổ, là tài nguyên và tài sản chung của quốc gia. Tuy nhiên, với lý do đất đai thuộc sở hữu toàn dân là chung chung, không thực tế; vì đất đai thuộc sở hữu toàn dân và do Nhà nước đại diện chủ sở hữu nên đã dẫn đến các tiêu cực trong quản lý sử dụng đất, tạo ra các mâu thuẫn trong xã hội như tại Thủ Thiêm, Lộc Hưng, Đồng Tâm v.v…, các đối tượng luôn rêu rao phải đa dạng hoá, tư nhân hoá việc sở hữu đất đai. Thậm chí, các đối tượng còn đưa ra lập luận vì Việt Nam đang hội nhập quốc tế nên phải công nhận quyền sở hữu đất đai của người nước ngoài tại Việt Nam.

Cùng với đó, các đối tượng liên tục đưa ra những lập luận đầy ác ý rằng đất đai thuộc sở hữu của toàn dân và do Nhà nước đại diện chủ sở hữu nên nhà nước thích làm gì thì làm, thậm chí là “cướp” đất của dân. Các đối tượng gieo rắc tư tưởng khi đất đai thuộc sở hữu tư nhân thì người dân mới chính là chủ của đất đai, mới có thể phát triển kinh tế.

Đây là những luận điệu vô cùng nguy hiểm, rất dễ khiến người dân có những tư tưởng, nhận thức sai lệch về đất đai.

Thực tế, sở hữu tư nhân về đất đai là một điểm đặc trưng trong nhà nước tư bản. Nếu chúng ta công nhận quyền sở hữu tư nhân về đất đai sẽ dẫn đến tình trạng một bộ phận người thâu tóm đất đai, tạo ra sự phân hoá sâu sắc, đi ngược lại định hướng xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, nếu chúng ta công nhận quyền sở hữu đất đai của người nước ngoài sẽ dẫn đến các nguy cơ lớn liên quan đến vấn đề an ninh quốc phòng.

Việc sửa đổi, hoàn thiện các quy định về Luật Đất đai là cần thiết. Tuy nhiên, chúng ta cần thận trọng. Đặc biệt, khi xây dựng các quy định về quyền sở hữu đất, cần tính toán tỉ mỉ, nếu không chúng ta sẽ đánh mất rất nhiều thành quả nỗ lực trước đó.

Bảo An

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Bài mới
Đọc nhiều