+
Aa
-
like
comment

Sức nặng “nghìn cân” trong lời cam kết của tân Thủ tướng Phạm Minh Chính

Hải Yến - 13/04/2021 08:27

Sau khi thực hiện nghi thức tuyên thệ nhậm chức, phát biểu trước Quốc hội và đồng bào, cử tri cả nước, tân Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định: “Đây là vinh dự đối với cá nhân tôi, đồng thời cũng là trách nhiệm rất nặng nề mà Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao phó”.

Giới quan sát nhìn thấy, trách nhiệm của Thủ tướng Phạm Minh Chính không phải chỉ kế thừa và phát huy những thành tựu, kết quả đạt được qua các thời kỳ, mà quan trọng hơn là tiếp tục sự đổi mới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới.

Bài toán tinh giản biên chế đầy đánh đố

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhậm chức và chuyển giao công việc trong thời khắc bộ máy Chính phủ đang trong giai đoạn phải hoàn tất nhiều công tác trọng điểm. Báo cáo số 453/BC-CP của Chính phủ cho thấy, về phân định chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, đến nay có 7 vấn đề còn tồn đọng từ nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIII và phát sinh 13 vấn đề trong nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIV do các luật chuyên ngành.

Gạch đầu dòng đầu tiên ai cũng nhìn thấy, năm 2021 là năm cuối cùng thực hiện chủ trương tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo tinh thần Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị. Tuy nhiên, quý I – 2021, nhiều tỉnh thành chưa thể giải quyết bài toán tinh giản biên chế, thậm chí, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Phú Thọ Ngô Đức Thịnh quả quyết: “Không thể giải quyết xong trong năm 2021”.

Ngày 20-01-2021, khi nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIV sắp kết thúc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã đưa ra thông số: “Một trong những tồn tại lớn hiện nay, đó là sau sắp xếp huyện, xã, vẫn còn dôi dư 9.534 cán bộ, công chức và 6.913 người hoạt động không chuyên trách không biết đi đâu, về đâu”. Báo động tại tỉnh Phú Thọ, sau sáp nhập, số cán bộ, công chức cấp xã dôi dư 856 người, và nếu thực hiện đưa Công an chính quy về xã và thực hiện theo Nghị định 34/2019/NĐ-CP số dôi dư sẽ lên đến hơn 1.000 người. Điều đó cho thấy, những tồn động này không phải là nhỏ, và thật khó nhằn khi cả nhiệm kỳ qua trở thành “lực cản” cho bộ máy chính quyền địa phương vận hành trơn tru, thông suốt.

Tinh giản biên chế và sắp xếp lại bộ máy Chính phủ là một trong những thách thức không nhỏ dành cho người điều hành. Tuy nhiên, trước những nốt nhạc đô, thăng đầy đánh đố và khó xử lý này, nhiều cán bộ tin, kỳ vọng Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ giải quyết gãy gọn, đi vào nề nếp, khuôn khổ – với kinh nghiệm là người tiên phong đưa tỉnh Quảng Ninh trong tinh giản biên chế, luân chuyển cán bộ, đa nghệ trong chiến lược kích cầu, tìm điểm mạnh yếu từng khu vực, đưa kinh tế vùng miền cất cánh theo những tiềm năng, thế mạnh khác biệt.

Đơn đặt hàng từ  TP.HCM chỉ 7 ngày trước khi Thủ tướng nhậm chức

Một tuần trước khi Thủ tướng Phạm Minh Chính tuyên thệ nhậm chức, tại phiên tổng kết nhiệm kỳ 2016 – 2021 của Chủ tịch nước, Chính phủ, trước Quốc hội bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM đã có đánh giá đầy bức xúc: “Chính phủ nhiệm kỳ qua có sự cải cách nhưng cải cách lưng chừng, các cải cách về thể chế hiện nay vẫn chưa tạo được cho thành phố lớn  như TP.HCM có khung chính sách đủ để tự chủ, để có thể phát huy hết tiềm lực của mình”, khiến cho TP.HCM vẫn loay hoay trong thời gian vừa qua.

Cụm từ “TP.HCM vẫn loay hoay trong thời gian vừa qua” được bà Bích Châu đưa ra trước Quốc hội không chỉ là tiếng nói từ người lãnh đạo của một trung tâm kinh tế lớn của cả nước, mà còn là tiếng nói của cử tri miền Nam nói chung, khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói riêng. Những vấn đề cấp bách về giải quyết thách thức hạn mặn, biến đổi khí hậu và hạ tầng giao thông đã và đang trở thành “nốt trầm” kéo dài khá dài trong suốt nhiều năm liền.

Lời khẩn thiết kêu gọi đầu tư cho TP.HCM, được cất cao trước Quốc hội không chỉ là ý kiến, tiếng nói của cử tri, mà sẽ còn là thách thức và là áp lực không nhỏ dành cho bộ máy Chính phủ nhiệm kỳ mới, phải giải quyết những tồn động âm ỉ kéo dài từ nhiều năm qua.

Làm sao để TP.HCM phát triển đúng với tầm chiến lược, đầu tàu kinh tế – trung tâm tài chính lớn nhất cả nước, đặc biệt để “TP.HCM phải là hòn ngọc chiếu sáng Viễn Đông” như ước vọng từ năm 2016 của nguyên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, thì cần rất nhiều sự đột phá mới, trong nhiệm kỳ mới.

Những nhiệm vụ trọng tâm Thủ tướng Phạm Minh Chính lên khung trong ngày đầu tuyên thệ

Trong 5 nhiệm vụ trọng tâm Thủ tướng Phạm Minh Chính đề ra, ngoài công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực, thì hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế là mục tiêu hàng đầu.

Chiến lược phát triển kinh tế của đất nước trong giai đoạn mới cũng được Thủ tướng đề ra, rất rõ ràng: “Huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển đất nước; đẩy mạnh phát triển hạ tầng chiến lược có trọng tâm, trọng điểm; coi trọng chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số dựa trên nền tảng phát triển khoa học và công nghệ”.

Bản lề của sự đổi mới – chiếc xương sống để tháo gỡ những ách tắt cũng đã hình thành: “Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các cấp, các ngành, các địa phương, doanh nghiệp và người dân; tạo môi trường, điều kiện thuận lợi hơn nữa để sản xuất kinh doanh phát triển; coi trọng phát triển nguồn lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài, có cơ chế khuyến khích và bảo vệ người đổi mới sáng tạo”.

Mọi thông điệp cũng chỉ là bước đầu, nhưng với những kết quả, kinh nghiệm Thủ tướng đã làm được trong suốt quá trình cống hiến cho đất nước, nhiều hi vọng và niềm tin rằng ông sẽ đưa những quyết sách trên trở thành hiện thực, thỏa lòng mong ước cán bộ, công chức và nhân dân cả nước.

Hải Yến

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều