+
Aa
-
like
comment

“Sức mạnh của bão số 9 có thể bốc một con thuyền lớn từ dưới biển lên đường”

27/10/2020 18:46

“Cơn bão này có sức mạnh khủng khiếp. Nhà cấp 4, đặc biệt là các nhà mới bị ngập lụt mà ở khu trống gió dễ bị quật đổ, tốc mái”.

"Sức mạnh của bão số 9 có thể bốc một con thuyền lớn từ dưới biển lên đường"

3 yếu tố khiến bão Molave liên tục mạnh lên, di chuyển nhanh

Bão Molave được hình thành từ vùng biển ngoài khơi Philippines với xuất phát điểm là một cơn áp thấp nhiệt đới có sức gió mạnh cấp 7, giật cấp 9. Chỉ sau một ngày quần thảo trên biển, hình thái này mạnh thành bão hôm 25/10.

Sáng 26/10, bão quét qua đất liền Philippines với sức gió mạnh cấp 12, giật cấp 14 và tiến vào Biển Đông. Đến sáng 27/10, vùng tâm bão đã mạnh lên cấp 13, giật cấp 15.

So với các cơn bão khác, Molave có khả năng tăng cấp khá nhanh và còn tiếp tục mạnh lên cho đến khi áp sát đất liền Đà Nẵng – Phú Yên.

Về diễn biến của bão số 9, ông Trần Quang Năng – trưởng phòng dự báo thời tiết Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia nhận định: “Chúng ta đang đối mặt với cơn bão mạnh nhất, lớn nhất kể từ đầu mùa mưa bão năm nay, không loại trừ là cơn mạnh nhất trong mùa mưa bão năm nay. Đến chiều 26/10, chúng tôi xác định bão số 9 có cường độ cấp 12, giật cấp 15”.

Ông Năng nêu 3 đặc điểm từ cơn bão số 9 và nhấn mạnh cần phải đặc biệt lưu ý: Thứ nhất, đây là cơn bão có tốc độ di chuyển rất nhanh. Thứ hai, cơn bão này có cường độ rất mạnh. Thứ ba, phạm vi ảnh hưởng diện rộng trên Biển Đông, hầu khắp Biển Đông sẽ chịu tác động vừa trực tiếp từ cơn bão, vừa kết hợp với không khí lạnh, gây gió mạnh, báo Tuổi trẻ ghi lời ông Năng.

Sức mạnh của bão số 9 có thể bốc một con thuyền lớn từ dưới biển lên đường - Ảnh 1.
Bão số 9 có thể là cơn mạnh nhất trong mùa mưa bão năm nay. Ảnh: Trung tâm khí tượng thủy văn Quốc gia

Nói về lý do khiến Molave có sức mạnh tương đương bão Damrey 2017, trao đổi với VnExpress, tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy – chuyên gia dự báo độc lập nói: Bão số 9 -Molave là cơn bão rất mạnh khi nó nhận được hầu hết điều kiện thuận lợi để phát triển thành cơn Cuồng Phong (Typhoon CAT 1- CAT 2 theo thang đo của Mỹ) như:

– Không gặp chướng ngại vật sau khi vào Biển Đông.

– Nhiệt độ mặt biển đã được hun nóng lên 27-28 độ C khu vực gần bờ sau hơn tuần nắng

– Không khí lạnh áp cao suy giảm ảnh hưởng và tàn dư hơi ẩm của hoàn lưu bão Saudel (số 8).

“Với những thuận lợi này, bão có thể đạt vận tốc gió ở tâm bão 150 km/h khi đi qua khu vực phía Bắc quần đảo Trường Sa”, ông Huy dự báo.

Theo ông Huy, đây là cơn bão “cực kỳ lớn”, vào bờ đúng lúc triều cường thêm một mét nên sẽ tạo ra sóng biển 7-8 m. Với sức mạnh này nó có thể bốc một con thuyền lớn từ dưới biển lên đường. “Cơn bão này có sức mạnh khủng khiếp. Nhà cấp 4, đặc biệt là các nhà mới bị ngâm lụt mà ở khu trống gió dễ bị quật đổ, tốc mái. Vậy nên tuyệt đối không trú bão trong các nhà cấp 4”, ông Huy khuyến cáo.

Ông Hoàng Phúc Lâm, phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, Trung tâm dự báo đã xác định cấp độ rủi ro thiên tai với bão số 9 là cấp 4 trong 5 cấp phòng chống thiên tai, đây là cấp Chính phủ trực tiếp chỉ đạo và sáng 26-10 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp chỉ đạo.

Khu vực nào ảnh hưởng nặng nhất?

Thông tin trên báo Lao động về phạm vi ảnh hưởng của bão số 9, ông Trần Quang Năng cho biết: Từ trưa và chiều nay (27/10), vùng biển ngoài khơi từ Đà Nẵng đến Phú Yên (bao gồm cả huyện đảo Lý Sơn) có gió mạnh cấp 9-11, sau tăng lên cấp 12-13, giật cấp 15, biển động dữ dội; sóng biển cao từ 6-8m.

Vịnh Bắc Bộ và vùng biển từ Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế (bao gồm cả đảo Cồn Cỏ) ảnh hưởng của hoàn lưu phía Bắc cơn bão kết hợp với không khí lạnh nên có gió đông bắc cấp 8-9, giật cấp 11, biển động rất mạnh; sóng biển cao từ 4-6m. Vùng biển từ Khánh Hòa đến Bình Thuận có gió mạnh cấp 7, giật cấp 10; biển động mạnh; sóng biển cao từ 3-5m.

Khu vực ven biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bình Định có khả năng xảy ra nước dâng do bão cao từ 0,5-1,5m. Nguy cơ ngập úng ở các vùng trũng, cửa sông, đầm phá ven biển từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi. Vùng trọng tâm vẫn là cách tỉnh từ Đà Nẵng đến Phú Yên.

Sức mạnh của bão số 9 có thể bốc một con thuyền lớn từ dưới biển lên đường - Ảnh 3.
Người dân chằng chống nhà cửa để ứng phó với bão số 9. Ảnh: VTC News

Về mưa lớn trên đất liền, khả năng ảnh hưởng bão số 9 đối với đất liền thành hai giai đoạn. Giai đoạn 1, bão đổ bộ trực tiếp gây mưa lớn diện rộng cho khu vực từ Thừa Thiên – Huế đến Phú Yên. Mưa bắt đầu từ đêm 27/10 và kéo dài đến đêm 28/10, lượng phổ biến 200-400 mm.

Giai đoạn 2, hoàn lưu bão suy yếu trên đất liền kết hợp với không khí lạnh tăng cường ngày 28/10 khiến trọng tâm mưa dịch chuyển lên phía bắc. Mưa lớn tiếp diễn tại các tỉnh từ phía nam Nghệ An, trải dọc xuống Quảng Bình đến hết ngày 31/10. Tổng lượng mưa trong 4 ngày tại các tỉnh này lên đến 500-700 mm.

Do mưa lớn, các sông từ Nghệ An đến Phú Yên và Gia Lai, Kon Tum sẽ xuất hiện một đợt lũ mới. Mực nước trên nhiều sông có khả năng lên báo động 2 và báo động 3. Nguy cơ ngập lụt diện rộng quay trở lại các tỉnh Trung Bộ.

Ngoài ra, vùng núi các tỉnh từ Nghệ An đến Phú Yên và khu vực Tây Nguyên có nguy cơ rất cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét; cảnh báo các sự cố có thể xảy ra trên các công trình thủy điện, thủy lợi nhỏ xung yếu trong đợt lũ này.

Vị trí tâm bão số 9 vào hồi 15 giờ ngày 27/10: Cách Đà Nẵng khoảng 580km, cách Quảng Nam 520km, cách Quảng Ngãi 470km, cách Phú Yên 390km.

Sức gió mạnh nhất: cấp 14 (150-165km/h), giật cấp 17.

Dự báo: Trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 22km/h.

Tổng hợp

Bài mới
Đọc nhiều