+
Aa
-
like
comment

Sức hút thương hiệu Việt Nam và chuyện tự tin ‘dám chơi’ với thế giới

21/09/2020 06:08

Việt Nam được xem là điểm đến hấp dẫn để đầu tư. Chúng ta đang tự giới thiệu là người “muốn chơi” với thế giới bằng một cách minh bạch, có luật lệ…

TS Võ Trí Thành Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ trả lời phỏng vấn của Tuần Việt Nam.

Những giá trị thương hiệu tỉ đô, triệu đô

Bối cảnh thế giới đang có rất nhiều thay đổi, thậm chí là có những thay đổi chiến lược do xảy ra đại dịch Covid-19. Cá nhân ông đánh giá như thế nào về vị thế hiện tại của Việt Nam trên trường quốc tế?

Trước Covid-19, Việt Nam đã có những chuyển mình rất ý nghĩa. Kinh tế có sự thay đổi đáng kể về tốc độ, từ nước nghèo sang nước có thu nhập trung bình. Việt Nam là một trong nước khá thành công trong xóa đói giảm nghèo và thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ.

Sức hút thương hiệu Việt Nam và chuyện tự tin ‘dám chơi’ với thế giới
TS Võ Trí Thành. Ảnh: Phạm Hải

Thứ hai là sự xuất hiện càng ngày càng lớn hơn của các tầng lớp trung lưu. Từ một nước nông nghiệp và hiện nay vẫn mạnh về nông nghiệp, cấu trúc kinh tế của Việt Nam đang dịch chuyển nhiều sang dịch vụ và công nghiệp dịch vụ.

Thứ ba là từ nền kinh tế nhỏ, khép kín trở thành một trong những nước phát triển trên nhiều lĩnh vực và cởi mở nhất thế giới.

Bên cạnh đó, vai trò của nền kinh tế tư nhân ngày càng lớn mạnh không chỉ về số lượng. Đặc biệt trong 5-7 năm lại đây, những doanh nghiệp tư nhân lớn bắt đầu chuyển hướng nhiều hơn vào sản xuất công nghiệp, công nghiệp sáng tạo, bắt đầu có thương hiệu thậm chí có giá thương hiệu tỉ đô, triệu đô.

Đấy là những điều với hơn 30 năm cải cách Việt Nam có rất rõ.

Về mặt thể chế, đây là con đường hết sức khó khăn bởi nền kinh tế Việt Nam trước đây là nền kinh tế chỉ huy, quan liêu. Bây giờ về cơ bản là nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường. Tất nhiên Việt Nam vẫn là nền kinh tế đang phát triển, quá trình chuyển đổi còn rất nhiều thứ phải làm.

Cách ứng xử Việt Nam

Về hội nhập, Việt Nam từ kinh tế khép kín sang hội nhập. Chúng ta đang tự giới thiệu, thể hiện là người “muốn chơi” với thế giới bằng một cách đàng hoàng minh bạch, có luật chơi, thông qua việc ký kết hàng loạt hiệp định thương mại tự do chất lượng cao như TTP, CPTTP, EVFTA…  Gắn với đó là việc Việt Nam có quan hệ hợp tác, đối tác không chỉ là chặt chẽ mà ở tầm khác, tức là đối tác gần như với tất cả nước lớn, đối tác chiến lược, đối tác toàn diện…

Tất nhiên thách thức rất lớn như khoảng cách trình độ, thể chế, nguồn lực, năng lực

Đại dịch Covid-19 có 2 tác động lớn: Tác động tiêu cực đến nền kinh tế thế giới trong đó có Việt Nam, có thể làm chậm lại tiến trình phát triển, đến những thay đổi của Việt Nam.  Thứ hai là tác động vào tất cả xu thế như địa chính trị, lối sống, tiêu dùng, công nghệ, chuỗi giá trị, cách thức hội nhập…

Ở khía cạnh thứ nhất, tự mình phải xoay sở để vượt khó, không chỉ vượt khó trong chống dịch, trong hỗ trợ doanh nghiệp mà trong bối cảnh thách thức này, ta phải tính đến bài toán tái cấu trúc kinh tế, tiếp tục cải cách để bắt nhịp với những đòi hỏi mới, ứng xử với khó khăn.

Nhìn vào ứng xử của Việt Nam cả trong nước cả quốc tế hiện nay, cá nhân tôi đánh giá Việt Nam khó khăn còn nhiều nhưng cái nhìn của thế giới đối với Việt Nam là tích cực hơn, coi trọng hơn. Rõ ràng là Việt Nam cũng chịu tác động vô cùng tiêu cực của đại dịch song cách vượt khó thể hiện qua tốc độ tăng trưởng mặc dù sụt giảm nhưng vẫn là khá tốt so với khu vực cũng như thế giới, kể cả về mặt chống dịch, tăng trưởng kinh tế, hay hạn chế những tác động tiêu cực về xã hội.

Hấp lực để chọn lựa, đầu tư

Thứ hai là hình ảnh Việt Nam trong thương mại, đầu tư. Thế giới đang chuyển dịch, nhất là chuỗi giá trị. Và Việt Nam được xem như một điểm đến hấp dẫn để người ta có thể nhìn nhận, lựa chọn trong làm ăn, đầu tư. Đây không chỉ là doanh nghiệp mà còn mang tầm chiến lược và lựa chọn chiến lược. Ví dụ câu chuyện Nhật Bản hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển dịch trong đó khoảng một nửa doanh nghiệp chọn điểm đến Việt Nam.

Sức hút thương hiệu Việt Nam và chuyện tự tin ‘dám chơi’ với thế giới
Nhiều tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới đã chọn Việt Nam làm điểm đến

Với Hàn Quốc, trong chính sách hướng Nam những năm gần đây, Việt Nam cũng là một cái đích, một điểm lựa chọn chiến lược. Kể cả trong cọ xát thương mại giữa các nước lớn, thì sức hút Việt Nam với các nhà đầu tư cũng được thừa nhận.

Điểm thứ 3 nữa cũng được đánh giá cao tức là cách xử trí hợp lý và linh hoạt trong hợp tác quốc tế. Khi Việt Nam là Chủ tịch ASEAN, lúc đó chưa có Covid-19, nhưng với một thế giới đang dịch chuyển thì chủ đề ASEAN năm nay – “đoàn kết và thích ứng” lại rất phù hợp.

Và chúng ta chuyển dịch rất nhanh cả về cam kết và hành động thực tế như là hợp tác chống dịch, chuyển đổi số, hạn chế đứt gãy của các nguồn cung, chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vượt khó.

Dù có những hạn chế nhất định, nhưng rõ ràng là trong khó khăn mà mình làm được mức ấy là có thể nói là rất cố gắng. Thế giới không chỉ đánh giá cao nỗ lực mà đánh giá cao cả hiệu lực, hiệu quả của cách tổ chức, cách làm Việt Nam.

Bản sắc cạnh tranh Việt Nam

Simon Anholt là người đầu tiên đưa ra khái niệm “thương hiệu quốc gia” và coi đây là bản sắc cạnh tranh mỗi nước. Theo ông, đâu là những bản sắc mang tính cạnh tranh cao của Việt Nam trong bối cảnh hiện nay?

Khi nói thương hiệu thì có một số ý quan trọng. Thứ nhất là nhận biết, cảm nhận. Cao hơn là sự hiểu biết,  niềm tin, rồi hành động mà tốt hơn nữa là sự lan tỏa. Việt Nam từ đầu năm 2000 đã có hẳn chương trình xây dựng thương hiệu quốc gia. Lúc đầu là gắn với doanh nghiệp lớn, và gần đây là nâng cấp dành cho cả doanh nghiệp vừa và nhỏ, địa phương.

Sức hút thương hiệu Việt Nam và chuyện tự tin ‘dám chơi’ với thế giới
Việt Nam đang hội nhập rất mạnh mẽ, dám chơi và ngày càng tự tin hơn trong cuộc chơi ấy

Việt Nam được coi là nước có nhiều tiềm năng phát triển. Bên cạnh những nỗ lực về cải cách, kết nối, ổn định còn là văn hóa và truyền thống Việt Nam.

Thứ hai là nỗ lực dần xóa bỏ ấn tượng trước đây của thế giới về Việt Nam như một nước nghèo và nước của chiến tranh.

Thứ ba là câu chuyện hội nhập. Chúng ta hội nhập rất mạnh mẽ, dám chơi và ngày càng tự tin hơn trong cuộc chơi ấy. Trở lại thời điểm Việt Nam ký hiệp định thương mại với với Hoa Kỳ (BTA). Thời gian mất cả năm với nhiều nguyên nhân. Nhưng có cả lý do là sự lo ngại lúc bấy giờ ta “khó chơi, khó theo kịp” với nền kinh tế phát triển của Mỹ. Đâu đó khoảng năm 2000, thương mại hai chiều chỉ khoảng 1 tỷ USD.

Giờ đây, Hoa Kỳ trở thành thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam, thương mại song phương đạt hơn 70 tỷ USD. Điều này cho thấy chúng ta tự tin hơn rất nhiều, chính tự tin ấy đẩy chúng ta mở cửa hội nhập mạnh mẽ. Việt Nam sẽ còn hấp dẫn nữa nếu tiếp tục trên con đường nỗ lực cải cách và hội nhập ấy.

Sức hút thương hiệu Việt Nam và chuyện tự tin ‘dám chơi’ với thế giới
TS Võ Trí Thành: Thương hiệu Việt Nam sẽ ngày càng ngấm dần, tỏa sáng hơn khi đất nước nỗ lực cải cách và đổi mới. Ảnh: Phạm Hải

Để thương hiệu Việt Nam tỏa sáng

Việt Nam nên tiếp cận vấn đề xây dựng thương hiệu quốc gia như thế nào trong tầm nhìn chiến lược năm 2045 mà Tổng bí thư, Chủ tịch nước  đưa ra, là xây dựng Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao?

Cái quan trọng nhất của xây dựng thương hiệu là tạo ra được lòng tin, cảm nhận, hiểu biết, đánh giá tích cực và qua đó có hành động kết nối. Đích đến vẫn là tiến trình đổi mới ngày càng hiện đại.

Chúng ta đã bàn nhiều các khía cạnh của quá trình này rồi và ta phải tiếp tục khai thác. Nói cao xa là hợp tác quốc tế trong mở cửa hội nhập của Việt Nam để cuối cùng kết quả là sự phát triển đất nước.

Và đóng góp của mình với cộng đồng quốc tế, với thế giới cũng chính là quá trình xây dựng hình ảnh thương hiệu Việt Nam. Điều này bắt đầu từ năm 1945 như Bác Hồ nói là “sánh vai với các cường quốc năm châu”.

Phải nhớ rằng Bác nói lúc đất nước phải diệt giặc dốt, giặc đói còn bây giờ, dù thách thức hay điểm yếu, sự không hài lòng còn nhiều, nhưng vị thế Việt Nam đã khác, con người Việt Nam khát vọng hơn, hiểu mình hơn, hiểu giá trị cần làm với mình và với thế giới hơn.

Thương hiệu Việt Nam sẽ ngày càng ngấm dần, tỏa sáng hơn khi đất nước nỗ lực cải cách và đổi mới có kết quả, hiệu lực, hiệu quả.

Thái An/VNN

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều