+
Aa
-
like
comment

Sức ép bủa vây kinh tế Trung Quốc: Cơ hội nào cho Việt Nam?

Huy Hoàng - 01/08/2022 15:32

Căng thẳng địa chính trị ngày một gia tăng tại Trung Quốc, đi kèm với các chính sách chống dịch hà khắc tại nước này đã làm cho GDP quốc gia tỷ dân tiếp đà giảm tốc trong quý 2. Nền kinh tế phủ bóng đen khiến nhu cầu tiêu thụ trong nước sụt giảm, từ đó kéo theo nhu cầu nhập khẩu suy yếu tại Trung Quốc. Điều này đang đặt ra thách thức lớn cho nhiều nền kinh tế khác như Việt Nam.

Rau quả Việt Nam là mặt hàng tiêu thụ nhiều tại Trung Quốc.

Nền kinh tế tỷ dân ngày càng rủi ro

Theo như số liệu GDP Trung Quốc vừa qua đã cho thấy trong quý 2, nền kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng 0,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Không đạt dự báo tăng trưởng 1% mà giới phân tích đưa ra trước đó mà còn thấp hơn nhiều so với mức tăng 4,8% đạt được trong quý 1. Theo như các nhà phân tích thì đây chính là hệ quả của chính sách chống dịch cực đoan do Bắc Kinh ban hành. Tuy nhiên, mọi chuyện sẽ còn tồi tệ hơn thế khi hôm 28/7 vừa qua, Bộ Chính trị Trung Quốc khẳng định nước này vẫn sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách “Zero Covid”.

Thực ra Trung Quốc thực hiện chính sách như vậy là một điều dễ hiểu khi mà căng thẳng với Mỹ đã leo thang rất gần tới xung đột quân sự. Việc phong tỏa chính là một bài kiểm tra thể lực với nền kinh tế tỷ dân. Để từ đó giới chức Trung Quốc có thể chuẩn bị trước các phương án để đảm bảo an ninh kinh tế trong nước.

Việc đóng cửa là một bước đi có tính toán, có chuẩn bị trước của chính phủ Trung Quốc, nhằm phòng khi có xung đột nổ ra, họ sẽ ngăn được nguy cơ các thế bên ngoài tác động làm suy yếu nền kinh tế trong nước. Mặc dù việc thi hành chính sách zero covid làm nền kinh tế Trung Quốc khó tăng trưởng mạnh nhưng nó vẫn là tốt hơn việc không chuẩn bị cho một rủi ro lớn hơn có thể xảy ra.

Truyền thông Trung Quốc kêu gọi người dân bền chí với Zero COVID

Tuy nhiên cũng chính vì vậy mà việc đầu tư vào quốc gia này ngày một trở nên rủi ro hơn. Hồi tháng 04 vừa rồi, đã ghi nhận một dòng vốn lớn tháo chạy khỏi Trung Quốc khi nhà đầu tư dần trở nên mất lòng tin. Không chỉ vì nguyên nhân chống dịch cực đoan mà còn là do Trung Quốc có động thái ngả về Nga hơn mức bình thường.

Một số nhà đầu tư ngoại đã nhận thấy việc phân bổ tài sản vào Trung Quốc có vẻ không ổn. Do hai khối đông tây ngày càng căng thẳng. Dòng tiền tháo chạy khỏi chứng khoán, trái phiếu của Trung Quốc đã tăng tốc sau khi Nga tấn công Ukraine. Và giờ đây, một khi căng thăng ở bán đảo Đài Loan nổ ra, thì dòng tiền sẽ càng tiếp tục cân nhắc khi muốn đầu tư vào thị trường này. Dòng tiền rút ra sẽ càng làm trầm trọng thêm nền kinh tế vốn đã giảm tốc ở Trung Quốc, bởi khi đó việc đầu tư, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân sẽ ngày một ít đi. Người dân cũng ít chi tiêu hơn, nhu cầu đối với các loại hàng hóa nhập khẩu cũng giảm theo.

Một vấn đề khác nữa là cuộc khủng hoảng bất động sản tại Trung Quốc hồi năm 2021 đã và đang để di chấn rất nặng nề. Lĩnh vực bất động sản là một trong những trụ cột chính của kinh tế Trung Quốc. Bất động sản và các ngành công nghiệp phụ trợ liên quan ước tính đóng góp khoảng 1/4 vào GDP của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Do đó, khi lĩnh vực này giảm tốc sẽ kéo theo sự sụp đổ có hệ thống. Từ các ngân hàng nhỏ cho đến các ngân hàng lớn, các ngành phụ trợ liên quan đều đang bước vào một chu kỳ làm ăn khó khăn hơn. Công ăn việc làm ít hơn nên việc chi tiêu của người dân càng thêm tằn tiện. Người mua nhà ở Trung Quốc giờ đây đã không còn dễ dãi như xưa, khách hàng khó khăn hơn cũng đồng nghĩa doanh nghiệp sẽ khó bán hàng hơn.

Các tòa chung cư chưa hoàn thiện trong một dự án của Evergrande tại tỉnh Vũ Hán.

Nhìn chung, nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với rất nhiều sức ép. Từ trong ra ngoài, từ kinh tế cho đến chính trị. Nếu tới đây Mỹ Trung tiếp tục căng thẳng, việc xuất nhập khẩu vào thị trường này sẽ gặp khó. Do Trung Quốc sẽ cói thể ban hành những chính sách khắt khe hơn nữa, đặc biệt là với những quốc gia có mối quan hệ thân thiết với Hoa Kỳ.

Cơ hội nào có Việt Nam?

Giữ mối quan hệ nồng ấm với Trung Quốc là điều nên làm lúc này. Mặc dù, trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa hai đối tác thương mại hàng đầu, việc giữ chặt được cả hai là điều không dễ dàng. Song nếu chúng ta vượt qua được thách thức này, Việt Nam sẽ có thể đưa các mặt hàng nông sản, hàng hóa của mình đi sâu hơn nữa vào thị trường Trung Quốc. Từ đó giữ được kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng trong bối cảnh suy thoái và xung đột leo thang.

Song song với thách thức, thì cơ hội cho Việt Nam cũng là rất lớn khi dòng vốn ngoại đang rút ròng khỏi thị trường Trung Quốc. Các doanh nghiệp FDI vẫn tiếp đà xu hướng tìm đến Việt Nam, các thị trường tài chính như chứng khoán vẫn đón nhận dòng vốn ngoại tăng trưởng.

Tóm lại, dù căng thẳng Mỹ – Trung có bùng phát, thì vẫn luôn có cơ hội cho các nước đứng ngoài như Việt Nam nắm bắt, chỉ cần theo dõi sát sao tình hình thế giới và linh hoạt trong cách ngoại điều hành, đối nội, đối ngoại.

Huy Hoàng

Bài mới
Đọc nhiều