Sức chống đỡ của Việt Nam trước làn sóng sa thải, cắt giảm nhân sự toàn cầu
Đã gần ba năm kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, tuy nỗi sợ virus SARS-CoV-2 có thể đã thuyên giảm, nhiều thách thức khác vẫn đang lớn dần lên, trong đó có làn sóng sa thải, cắt giảm nhân sự hoặc đóng băng tuyển dụng.
Liên tiếp những tuyên bố sa thải
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp Việt Nam buộc phải cắt giảm hàng nghìn lao động thay vì tuyển người vào những tháng cuối năm. Nguyên nhân là do đơn hàng giảm, thiếu nguyên phụ liệu sản xuất. Thế những đây là tình cảnh chung của toàn thế giới trong giai đoạn kinh tế nhạy cảm khi suy thoái đang cận kề cùng sự tăng trưởng khá yếu, chứ không riêng gì Việt Nam.
Theo một nghiên cứu của Conference Board, 41% người Mỹ được hỏi tin rằng họ đang ở trong một cuộc suy thoái và 33% nói rằng suy thoái sẽ xảy ra trong 6 tháng tới. Phần lớn niềm tin này dựa trên việc các công ty Mỹ đang cố gắng cắt giảm chi tiêu và thực hành tiết kiệm. 36% người nói rằng công ty của họ đang hạn chế tuyển dụng cho những vị trí quan trọng và 22% nói rằng việc tuyển dụng đã bị đóng băng hoàn toàn. 19% khác nói rằng công ty của họ đã thực hiện các bước để tái cấu trúc và 13% nói rằng công ty đang tiến hành cắt giảm nhân sự.
Một báo cáo gần đây cho thấy tỷ lệ cắt giảm việc làm của các công ty có trụ sở tại Mỹ trong tháng 10/2022 đã tăng 13%, tương đương với 33.848 người bị mất việc – mức cao nhất kể từ tháng 2/2021.
Điển hình nhất, công ty môi giới bất động sản trực tuyến nổi tiếng Redfin, có trụ sở tại Seattle, sẽ sa thải 862 nhân viên trên toàn nước Mỹ và đóng cửa dịch vụ RedfinNow của mình. 218 nhân viên buộc phải thay đổi phòng ban. Việc sa thải này sẽ cắt giảm khoảng 13% lực lượng lao động của công ty. Trước đó vào tháng 6, Redfin đã có một đợt sa thải lớn khác, lên tới gần 500 nhân viên. Số lượng nhân viên của Redfin đã tới giảm 27% kể từ tháng 4, và con số đó sẽ tăng lên 29% nếu tất cả nhân viên bị thuyên chuyển công tác quyết định nghỉ việc. Động thái của Redfin là động thái chung trong ngành bất động sản tại Mỹ trong thời điểm hiện tại, khi ngày càng có ít người mua nhà hơn, và giá nhà đất cũng bắt đầu giảm.
Làn sóng sa thải nhân viên không chỉ dừng lại ở bất động sản mà các lĩnh vực như công nghệ và tiền điện tử cũng đang chịu ảnh hưởng nặng nề. Công ty công nghệ Mỹ cắt giảm mạnh tay nhất hiện nay là Twitter. Nền tảng mạng xã hội này vừa “xóa sổ” một nửa lực lượng lao động, tương đương 3.700 người ở tất cả các bộ phận. Nguyên nhân được đưa ra là Twitter đang gặp khó khăn về tài chính khi doanh thu quảng cáo sụt giảm.
Bên cạnh Twitter, Meta Platforms, công ty mẹ của Facebook đang lên kế hoạch sa thải nhân viên trên quy mô lớn trong vài ngày tới với số lượng dự kiến lên đến hàng nghìn người. Đây là lần cắt giảm nhân sự đầu tiên trong lịch sử 18 năm của công ty.
Không chỉ các công ty tại Phố Wall, mà ngay tại Trung Quốc, “gã khổng lồ thương mại điện tử” Alibaba đã cho thôi việc 13.616 nhân viên trong thời điểm lạm phát gia tăng, chi phí nguyên vật liệu và căng thẳng chính trị leo thang. Ngoài ra, còn rất nhiều công ty lớn khác như công ty công nghệ vận tải Uber, nhà bán lẻ trực tuyến Wayfair, công ty điện toán đám mây Oracle, sàn giao dịch tiền điện tử Coinbase, ứng dung tìm việc LinkedIn, công ty môi giới Robinhood… cũng lên kế hoạch tạm ngưng tuyển dụng hoặc cắt giảm số nhân công đang có để có thể đương đầu với một nền kinh tế đang ngày càng nhiều dấu hiệu bất ổn.
Sự thanh lọc mạnh mẽ theo hướng phát triển bền vững và lành mạnh hơn
Khó khăn của nền kinh tế toàn cầu đã tạo đà buộc các doanh nghiệp có một sự thanh lọc lớn về vấn đề liên quan đến nhân sự, những nhân sự phù hợp sẽ được giữ lại và không phù hợp sẽ phải cắt giảm bởi vì đây là thời điểm rất nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn.
Theo các chuyên gia kinh tế, các doanh nghiệp thời gian này nên tập trung vào chuẩn hóa hoạt động đào tạo, công tác này sẽ giúp doanh nghiệp xây dựng một đội ngũ tinh thông chuyên môn, dày dạn kinh nghiệm, chuẩn hóa hành vi, ứng xử, phù hợp với các quy định pháp luật – một cách củng cố nguồn lực cho tương lai.
Song song đó, doanh nghiệp cần tiến hành sàng lọc, tinh giảm hệ thống, tuyển dụng nhân sự có chọn lọc. Đồng thời, doanh nghiệp cũng nên xây dựng chiến lược lâu dài, sẵn sàng đối phó các kịch bản xấu trong bối cảnh thị trường còn nhiều diễn biến khó lường; hoàn thiện hệ sinh thái ngành, ứng dụng công nghệ trong công tác bán hàng và quản trị doanh nghiệp.
Nỗ lực của Chính phủ để giữ vững nền kinh tế
Trong bối cảnh ảm đạm của nền kinh tế toàn cầu, các công ty Việt Nam cũng không tránh khỏi những khó khăn khi nhu cầu suy giảm chuỗi cung ứng đứt gãy – đặc biệt từ tác động của chính sách “Zero Covid” kéo dài của Trung Quốc. Dù vậy, thống kê tình hình lao động Quý III/2022 của Tổng Cục Thống kê cho thấy, số lao động có việc làm tăng so với cùng kỳ năm ngoái đã tăng 3,5 triệu; trong khi số người thiếu đặc biệt giảm 993,6 nghìn người (tức 2,54%) so với cùng kỳ năm trước.
Điều đó cho thấy, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang chống chọi khá hiệu quả trước những biến động kinh tế – chính trị trên toàn thế giới. Điều này được minh chứng khi các tổ chức quốc tế hàng đầu như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) đều đánh giá cao nỗ lực kiềm chế lạm phát của Chính phủ. Các tổ chức cũng dự báo tăng trưởng Quý IV của Việt Nam sẽ chậm lại nhưng chủ yếu từ các nguyên nhân khách quan như tình hình Nga – Ukraine, tốc độ phục hồi của các nền kinh tế…
Nhìn chung, thị trường lao động Việt Nam vẫn được đánh giá là dồi dào và giàu tiềm năng. Những nỗ lực vượt khó, thích ứng với hoàn cảnh của Chính phủ sẽ là chìa khóa để nền kinh tế hoàn thành các mục tiêu kinh tế – xã hội của năm 2022, tạo thế và lực, tạo đà và niềm tin cho quá trình phát triển năm 2023 và hoàn thành các mục tiêu kế hoạch của giai đoạn 2021-2025.
Diệu Hương