Sức ảnh hưởng của Trung Quốc suy giảm tại Châu Á
Trong suốt nhiều năm, Trung Quốc luôn là đầu tàu tăng trưởng của Châu Á, nó giúp quốc gia này có tiếng nói và vị thế to lớn trong khu vực. Nhưng tình hình giờ đã khác, sức ảnh hưởng của Trung Quốc đang dần bị thay thế bởi những những thế lực mới.
Hồi tháng 4, tờ Nikkei Asia đưa tin quỹ phòng hộ Citadel đến từ Mỹ của tỉ phú Ken Griffin đã mở lại văn phòng tại Tokyo hồi cuối tháng 3. Văn phòng này đã không hoạt động kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Bên cạnh đó, Quỹ phòng hộ Point72 của tỉ phú Steve Cohen cũng thông báo dự kiến mở rộng quy mô nhân sự ở nước này trong năm 2023.
Hay như tỷ phú Warrent Buffet cũng khẳng định sẽ mở rộng công việc làm ăn của mình hơn nữa với các tập đoàn hàng đầu tại đất nước mặt trời mọc.
Nhật Bản hiện đang thay thế Trung Quốc trở thành một điểm sáng về thu hút đầu tư ngoài khu vực. Bởi trái ngược với chỉ số CPI đã giảm về mức 0% hồi tháng 6 của Trung Quốc. Nhật sau nhiều năm giảm phát, chỉ số CPI tại Nhật đã chạm mốc 3.3% vào tháng 6. Nó cho thấy kinh tế Nhật sắp vượt khỏi tình trạng trì trệ kéo dài hàng thập kỷ và sẽ trở lại quỹ đạo tăng trưởng trong thời gian tới.
Cùng với Nhật Bản, Ấn Độ là nền kinh tế tiếp theo đang thế chỗ cho Trung Quốc.
Nhà phân tích của ngân hàng ANZ nhận định, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ sẽ vượt xa Trung Quốc và quốc gia Nam Á này sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới cuối thập niên 2020.
Kinh tế Ấn Độ đã thành công đứng ngoài vòng xung đột Đông Tây, nhận đầu tư trực tiếp từ Mỹ nhưng lại mua được dầu giá rẻ của Nga. Những chính sách đối ngoại cân bằng đã giúp quốc gia này trở thành điểm đến của dòng vốn đầu tư, nó giúp Ấn Độ cải thiện được thu nhập cho người dân, từ đó nâng cao sức tiêu dùng.
Ngoài ra, Ấn Độ đã vượt Trung Quốc để trở thành nước đông dân nhất thế giới và tỉ lệ đô thị hóa của Ấn Độ dự kiến tăng lên mức 40% vào năm 2030 (từ 35% của hiện tại), dẫn đến tăng nhu cầu với vật liệu xây dựng và năng lượng.
Theo dự báo, nhu cầu hàng hóa nói chung của Ấn Độ sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới và bù đắp được phần nào khoảng trống mà Trung Quốc để lại.
Có thể thấy sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư khỏi Trung Quốc và thay thế đối tác nhập khẩu của các nước Mỹ – Âu đã và đang mang lại cơ hội lớn cho những nền kinh tế Châu á khác.
Và trái ngược với một Ấn Độ đang vươn mình, một Nhật Bản đang trở lại, thì tại Trung Quốc, tình hình vô cùng ảm đạm.
Theo dữ liệu công bố ngày 31-7 của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS), chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của tháng 7 đạt 49,3. Tuy tăng nhẹ so với các tháng trước đó, nhưng PMI dưới 50 vẫn cho thấy hoạt động sản xuất bị thu hẹp.
“Một số doanh nghiệp báo cáo rằng môi trường bên ngoài phức tạp, đơn hàng nước ngoài giảm và nhu cầu kém là những khó khăn lớn hiện nay” – ông Zhao Qinghe, quan chức cấp cao của NBS, nhận định.
Dường như việc xung đột thương mại với phương tây đã mang lại nhiều tổn thương cho nền kinh tế số hai thế giới, dòng vốn các nước Mỹ – Âu rút đi đã khiến kinh tế Trung Quốc mất đi nhiều việc làm. Cùng với đó là thị trường xuất khẩu cũng thu hẹp. Theo như dữ liệu từ Bộ Thương mại Mỹ, nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc của Mỹ từ tháng 1 đến tháng 5/2023 đã giảm khoảng 25% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 169 tỷ USD. Trong khi đó, nhập khẩu hàng hóa từ Mexico của Mỹ tăng lên 195 tỷ USD, và Canada tăng lên 176 tỷ USD. Trung Quốc đã không còn là nước xuất khẩu hàng hóa lớn nhất sang Mỹ trong 5 tháng đầu năm 2023 – lần đầu tiên trong 15 năm qua – vào tay Mexico và Canada.
Trung Quốc giờ đây còn đang thiếu đi một lĩnh vực đầu tàu cụ thể. Xuất khẩu suy giảm, đầu tư nước ngoài thì đi theo xu hướng “friendshoring”, đa dạng hóa, Trung Quốc + 1, bất động sản thì phục hồi chậm chạp, chi tiêu chính phủ bị cắt giảm vì nợ, tình trạng thất nghiệp do chiến dịch phong tỏa covid vẫn chưa được giải quyết,…
Động lực kinh tế cả trong lẫn ngoài đều bị ảnh hưởng đang tác động rất lớn đến triển vọng phục hồi của quốc gia này.
Trong khi đó, không chỉ Nhật Bản, Ấn Độ, mà ASEAN – nhóm các nước có nền kinh tế mới nổi cũng đóng góp vào mức tăng trưởng cho khu vực Châu Á. Việt Nam và Indonesia đang là hai nước có nhiều thành tích nổi bật nhất. Là điểm đến ưa thích của các nhà đầu tư nước ngoài, dân số đông và trẻ, tốc độ phát triển nhanh, … ASEAN sẽ là một khu vực quan trọng trong bức tranh kinh tế chung khu vực Châu Á.
Sự vươn lên của những nền kinh tế khác trong khu vực, trước mắt sẽ là một động lực quan trọng trong bối cảnh Trung Quốc đang chịu áp lực từ giảm phát.
Còn về lâu dài, sức ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực sẽ được chia sẻ, nó giúp mỗi nước có tiếng nói hơn trong nhiều vấn đề quốc tế, hỗ trợ rất lớn cho hoạt động ngoại giao đa phương của Việt Nam.
Huy Hoàng