+
Aa
-
like
comment

Sửa dự báo thiên tai từ “chính xác” thành “đủ độ tin cậy”, không phải để giảm trách nhiệm

09/09/2019 16:19

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường khẳng định tại Phiên họp thứ 37 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), sáng nay, 9-9 khi lý giải về việc sửa đổi quy định thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai từ “chính xác” thành “đủ độ tin cậy”.

Theo đó, sáng nay UBTVQH thảo luận, cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều.

Dự báo sai có phải chịu trách nhiệm?

Liên quan tới công tác dự báo, cảnh báo thiên tai ở Điều 24, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải so sánh quy định thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai trước đây là phải “chính xác”, bây giờ sửa lại là “đủ độ tin cậy”. Bà cho rằng, hiện nay công nghệ phát triển hơn thì việc dự báo đáng ra cần chính xác hơn, tuy nhiên ban soạn thảo lại thay đổi từ ngữ như thế, có vẻ cấp độ chính xác kém hơn.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường

“Các đồng chí cần giải thích lý do vì sao như vậy? Trong thời gian vừa qua công tác dự báo của chúng ta đạt kết quả như thế nào? Vì theo cử tri phản ánh, nhiều khi để đảm bảo độ an toàn thì bão cấp này lại dự báo mạnh hơn một chút để công tác chuẩn bị đảm bảo tốt hơn. Nhưng nhiều khi vì dự báo quá mức nên công tác chuẩn bị hơi quá trong khi bão không vào cũng gây ảnh hưởng về vật chất”, bà thẳng thắn.

Trưởng Ban Dân nguyện cũng đề nghị Bộ trưởng Bộ NN&PTNT quan tâm vấn đề này, liệu nếu dự báo sai nhưng do nguyên nhân chủ quan thì có phải chịu trách nhiệm gì trong công tác dự báo hay không? “Ví dụ dự bão mưa nhưng nắng rất to, hay dự báo bão vùng này nhưng lệch sang vùng rất khác thì có phải chịu trách nhiệm hay không?”, bà lấy ví dụ.

Giải trình thêm tại phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, trước đây dùng từ “chính xác” là không chính xác, do đó đã làm mất lòng tin của nhân dân. Bây giờ dùng từ “đủ độ tin cậy” tức là thể hiện Bộ đã tận dụng các phương tiện máy móc, tiến bộ của khoa học công nghệ để cố gắng hết sức đưa ra dự báo…, chứ không phải muốn giảm tông đi để giảm trách nhiệm.

Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng

“Mấy năm nay trình độ dự báo ở Việt Nam đã được nâng lên rất nhiều, trong khi diễn biến mưa bão rất khó lường. Như vừa rồi, làm gì có cơn áp thấp nào từ Biển Đông vào đất liền, được nuôi dưỡng, lớn lên rồi chạy vòng ra Biển Đông đi tiếp lên phía Bắc. Trước đây chúng ta quyết tâm quá nên dùng từ “chính xác”. Nên chỗ này chúng ta phải điều chỉnh lại cho phù hợp với thực tiễn”, Bộ trưởng lý giải.

Quy định rõ chính sách cho lực lượng xung kích phòng chống thiên tai

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN) Nguyễn Xuân Cường, Điều 1 của dự thảo sửa đổi Luật Phòng, chống thiên tai bổ sung chính sách ưu tiên đối với một số hoạt động phòng, chống thiên tai nhằm huy động được các nguồn lực cho phòng chống thiên tai: ưu tiên  hoạt động khoa học công nghệ trong phòng chống thiên tai; đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực cho người làm công tác phòng chống thiên tai; cung cấp phương tiện, trang thiết bị và có chính sách cho lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cấp xã.

Đồng thời sửa đổi, bổ sung việc xác định lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cấp xã với nòng cốt là lực lượng dân quân tự vệ và các tổ chức, đoàn thể khác tại địa phương.

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải

Thẩm tra sơ bộ báo cáo này, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) Phan Xuân Dũng cho biết, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT cơ bản nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật. Tuy nhiên, do mỗi năm ở Việt Nam có tới trên 400 người bị thiệt mạng do thiên tai, thiệt hại vật chất chiếm tới 1,5% GDP, hạ tầng kỹ thuật bị phá hủy nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến sinh kế, cuộc sống người dân nên Thường trực Ủy ban nhấn mạnh việc sửa đổi, bổ sung dự án Luật lần này còn nhằm mục tiêu nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế, giảm thiểu rủi ro thiên tai; bảo đảm tính chủ động trong phòng chống thiên tai…

Ủy ban KH,CN&MT đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu và rà soát để quy định thống nhất về vị trí, vai trò phòng chống thiên tai của lực lượng dân quân tự vệ trong Dự thảo Luật và quy định của Luật Quốc phòng; chế độ, chính sách cho lượng lượng này được lấy từ nguồn nào để bảo đảm tính khả thi khi huy động/điều động và bảo đảm tính đồng bộ với quy định của hệ thống pháp luật hiện hành.

Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, thiên tai ở trên trời nhưng tác động dưới mặt đất, đây là Luật mà UBTVQH thảo luận lần đầu nhưng đã được bố trí thời gian thảo luận cả buổi sáng do việc xảy ra thiên tai là việc của dân, toàn dẫn đến chết người hay thiệt hại tài sản.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, chính sách ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực cho người làm công tác phòng chống thiên tai; có chính sách cho lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cấp xã là vấn đề mới, cần quy định cụ thể.

“Những người làm công tác phòng chống thiên tai thì rất đa dạng, trong đó lực lượng dân quân tự vệ là nòng cốt. Thành ra nếu thực hiện đào tạo, bồi dưỡng thì cho lực lượng nào, rồi chính sách cho lực lượng xung kích là chính sách gì? Ở đây nói chung chung quá. Ví dụ người tham gia phòng chống thiên tai, cứu nạn cứu hộ hy sinh có thể được công nhận liệt sỹ, bị thương được công nhận thương binh thì rõ rồi, nhưng ngoài ra có phụ cấp gì không? Luật cần quy định chặt chẽ hơn”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Cần thiết thành lập Quỹ phòng chống thiên tai

Dự thảo Luật cũng sửa đổi Điều 10 về Quỹ phòng, chống thiên tai: Bổ sung Quỹ phòng, chống thiên tai ở Trung ương để tiếp nhận nguồn hỗ trợ nhân đạo, phi Chính phủ từ quốc tế (không bao gồm nguồn vốn viện trợ), đóng góp tự nguyện ngoài ngân sách nhà nước kịp thời, đúng quy định. Quỹ phòng chống thiên tai ở Trung ương được sử dụng khi có  tình huống thiên tai khẩn cấp hoặc cần hỗ trợ ngay cho các địa phương chịu ảnh hưởng thiên tai nghiêm trọng, theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Thường trực Ủy ban KH,CN&MT tán thành việc cần có Quỹ phòng chống thiên tai ở Trung ương để có thêm nguồn lực ngoài Ngân sách Nhà nước, đặc biệt là nguồn lực quốc tế cho công tác phòng chống thiên tai ở Việt Nam. Tuy nhiên, đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ nguồn thu của Quỹ; cơ chế sử dụng Quỹ Phòng, chống thiên tai ở Trung ương để không trùng lặp, chồng chéo với nguồn tài trợ, hỗ trợ theo Luật Ngân sách Nhà nước; việc điều chuyển giữa quỹ Trung ương và quỹ địa phương để bảo đảm quyền lợi của các Quỹ phòng chống thiên tai địa phương.

Toàn cảnh phiên họp

Thảo luận tại phiên họp, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu quan điểm, Chính phủ đề xuất thành lập thêm quỹ ở cấp Trung ương thì cần phải nêu lý do. Vì theo báo cáo tổng kết, quỹ này đã được thành lập ở 60/63 tỉnh thành, nhưng về tình hình thu chi thì hiện có 8/48 địa phương chưa sử dụng đúng quỹ cho công tác phòng chống thiên tai.

“Tức có địa phương thu, có địa phương không thu; có địa phương thu mà chưa chi. Đối với 8 địa phương mà chưa chi thì đề nghị làm rõ lý do vì sao chưa chi”, bà nói. Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp đề nghị cân nhắc kỹ khi thành lập quỹ điều phối, cần tổng kết những vướng mắc, cái gì do luật thì mới sửa luật, bởi có những nội dung vướng mắc là do không thực hiện chứ không phải do luật.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đồng tình với việc thành lập Quỹ, nhất là để đón nhận những ủng hộ từ các tổ chức quốc tế. “Đặt ra quỹ ở Trung ương thì thêm tổ chức mới, nhưng Bộ trưởng cam kết không thêm biên chế, tôi thấy cũng cần thiết. Tuy nhiên phải nghiên cứu báo cáo giám sát để phù hợp với thực tế. Đặc biệt có cơ chế điều hoà, sử dụng như thế nào. Những nơi thu quỹ nhưng không có thiên tai xảy ra thì phải điều hoà về quỹ ra sao”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Kết lại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Chính phủ và Cơ quan soạn thảo hoàn chỉnh hồ sơ dự án luật trên tinh thần tiếp thu ý kiến của Cơ quan thẩm tra và các ý kiến của các đại biểu tại phiên họp. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Uỷ ban KH,CN&MT thẩm tra chính thức, nếu đảm bảo yêu cầu sẽ trình ra Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8.

Quỳnh Vinh/CAND

Bài mới
Đọc nhiều