Sự tung hứng có chủ đích của FireEye và Reuters quanh cáo buộc Việt Nam đứng sau hậu thuẫn cho nhóm tin tặc APT 32
Mới đây, hãng an ninh mạng FireEye của Hoa Kỳ và hãng tin Reuters ráo riết đưa tin cáo buộc Chính phủ Việt Nam hậu thuẫn cho hãng tin tặc APT 32 để thực hiện hành vi ăn cắp dữ liệu mạng. Không chỉ vậy, FireEye và Reuters còn nhân lợi dụng sự kiện Covid – 19, vu cáo Việt Nam đã tiến hành tấn công lấy dữ liệu của các chuyên gia Trung Quốc, chính quyền Vũ Hàn nên mới có thể có những giải pháp ứng phó nhanh với bệnh dịch.
Những cáo buộc vô căn cứ được đưa ra đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Chính phủ Việt Nam. Vì rõ ràng, hành động “ăn cắp” thông tin, dữ liệu trên mạng là điều không quốc gia nào chấp nhận.
Vậy, vì sao FireEye và Reuters lại đưa ra các cáo buộc tiêu cực như vậy với Chính phủ Việt Nam?
Trong một bài báo được hãng tin Reuters đăng tải, hãng tin này đã trích dẫn các thông tin được FireEye đưa ra và cáo buộc Việt Nam đang sử dụng nhóm tin tặc nổi tiếng với cái tên APT 32 để tấn công mạng, lan truyền virut nhằm lấy cắp dữ liệu của các Chính phủ, doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế. Đây là sự tung hứng không hề đơn thuần hay sự sắp đặt có chủ ý?
Lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid – 19, FireEye và Reuters cho rằng APT 32 và Chính phủ Việt Nam đã cố gắng tấn công, lấy cắp thông tin về tình hình dịch bệnh của các chuyên gia thuộc Bộ quản lý khẩn cấp Trung Quốc và chính quyền Vũ Hán nên mới có thể nhanh chóng ứng phó, kiểm soát dịch bệnh.
Ngoài ra, FireEye và Reuters còn cáo buộc Chính phủ Việt Nam đang tăng cường hoạt động tình báo, lấy cắp dữ liệu trên không gian mạng. Họ cho rằng nạn nhân của APT 32 và Chính phủ Việt Nam không chỉ là Trung Quốc mà còn là rất nhiều các doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam, các tổ chức khu vực và quốc tế cùng các nhà “bất đồng chính kiến” của Việt Nam v.v…
Những thông tin trên được Reuters đưa ra liệu có khách quan hay không?
Xin trả lời là không. Những thông tin này được đưa ra rõ ràng không phải xuất phát từ mục đích đẩy mạnh việc bảo vệ an ninh mạng trên toàn cầu. Ẩn sau đó là những sự tính toán hết sức cẩn thận.
Trước hết, thông tin mà Reuters đưa ra đã phủ nhận những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Họ cho rằng việc Việt Nam nhanh chóng đưa ra các giải pháp như phong toả biên giới với Trung Quốc, thực hiện cách ly xã hội, v.v… và khống chế số ca nhiễm virut đến thời điểm hiện tại dưới 300 ca là kết quả của việc lấy cắp dữ liệu liên quan đến bệnh dịch của Trung Quốc.
Thật nực cười, nếu APT 32 là của Việt Nam, nếu Chính phủ Việt Nam có thể sử dụng tin tặc để thực hiện các hoạt động tình báo trên không gian mạng thì các quốc gia khác tại sao lại không thể thực hiện?
Có vẻ Reuters và FireEye đã đánh giá quá cao khả năng công nghệ của Việt Nam và coi thường trình độ tin học của các cường quốc như Mỹ, Anh, Đức, Ý, Nhật và chính Trung Quốc ?
Có lẽ, họ đang cố gắng giải thích cho một sự thực quá bất ngờ là Việt Nam, dù là một quốc gia nghèo, ngân sách hạn hẹp nhưng có thể khống chế dịch bệnh trong khi đó các quốc gia “thượng đẳng” và giàu có lại bị ngã gục vì Covid-19.
Và thay vì công nhận những mặt tích cực, ưu việt trong xã hội Việt Nam thì họ lại cố gắng tìm ra một cách giải thích mang tính hạ bệ uy tín của Chính quyền Việt Nam, biến Việt Nam từ một điểm sáng trở thành một quốc gia xấu xa, gian xảo.
Thứ hai, vì sao FireEye lại liên tục tấn công Chính phủ Việt Nam?
Bản chất của FireEye là một hãng bảo mật mạng. Và dĩ nhiên, điều mà họ hướng đến là việc bán được hàng. Trong khi đó, APT 32 là một nhóm tin học nguy hiểm, đầy bí ẩn. Chính vì vậy, việc đưa ra thông tin mang tính truy nguyên gốc gác của APT32 là một cách PR, quảng cáo không gì hiệu quả hơn.
Đặc biệt, FireEye thời gian qua luôn tìm cách xâm nhập vào thị trường Trung Quốc nhưng chưa thành công. Trong khi đó, gần đây Việt Nam và Trung Quốc đang có những căng thẳng liên quan đến vấn đề tranh chấp chủ quyền trên biển Đông. Chính vì vậy nên việc vu khống Việt Nam đứng sau APT32 và các cuộc tấn công vào hệ thống thông tin của Trung Quốc cũng là một cách để lấy lòng Trung Quốc.
Thực tế, các hành động coi thường Việt Nam để “lấy lòng” Trung Quốc chẳng phải là điều gì mới lạ. Gần đây, hành động Facebook đưa ra thông tin sai lệch, xác định chủ quyền hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa thuộc Trung Quốc cũng là một ví dụ tương tự.
Thứ ba, về chính bản thân của Trung Quốc.
Thực tế trong những năm qua, Trung Quốc bị cáo buộc liên quan đến hàng loạt hành động tình báo, lấy cắp dữ liệu trên không gian mạng. Nói như vậy để thấy bản thân Trung Quốc là một tay “siêu cao thủ” trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Cùng với đó, Trung Quốc cũng nổi tiếng với việc kiểm soát và bảo mật thông tin. Vì vậy, nếu APT 32 và Việt Nam tấn công lấy cắp dữ liệu của Trung Quốc nhưng quốc gia này không phát hiện mà mãi đến gần đây FireEye mới phát hiện và công bố thì quá khó tin.
Nhìn vào thực tại, mọi người không khỏi nghi ngờ một sự bắt tay giữa Trung Quốc, FireEye và Reuters đã diễn ra.
Nếu thành công, Trung Quốc sẽ có cơ hội để lấy lại hình ảnh của mình trong cuộc chiến chống Covid. Cho đến thời điểm hiện tại, chỉ có Việt Nam mới có thể bước đầu khống chế dịch bệnh. Và hiển nhiên, điều này làm cho uy tín của Việt Nam được nâng cao.
Do đó, họ đưa ra các cáo buộc để phủ nhận khả năng lãnh đạo của Việt Nam, cho rằng nếu không có thông tin của Trung Quốc thì Việt Nam sẽ không thể thành công – một cách PR trá hình vô cùng tinh vi.
Đồng thời, những tranh chấp chủ quyền trên biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc đang leo thang căng thẳng. Đây chính là một cơ hội tốt để hạ bệ uy tín của Việt Nam, tạo lợi thế cho Trung Quốc trong cuộc chiến trên biển Đông.
Những thông tin vu cáo Việt Nam đứng sau APT32 và thực hiện các hành vi lấy cắp dữ liệu thể hiện sự mưu mô, gian xảo của những kẻ giật dây phía sau. Họ đang biến Việt Nam trở thành một “kẻ cắp” và làm xấu đi các mối quan hệ của Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Chính phủ Việt Nam lên án mạnh mẽ các hành động phạm pháp trên không gian mạng và sẵn sàng hợp tác với cộng đồng quốc tế để ngăn chặn tình trạng đe doạ an ninh mạng. Vậy nhưng lưỡi không xương trăm đường lắt léo, không ít thế lực bên ngoài vẫn luôn tìm cách tấn công, hạ bệ uy tín, hình ảnh của Việt Nam; sẵn sàng sử dụng Việt Nam như “đá kê chân” để đạt được mục đích. Thế mới thấy, chỉ khi nào bạn thực sự mạnh thì bạn mới nhận được sự tôn trọng và không ai dám gây hấn với bạn. Vậy nên mỗi người Việt Nam chân chính cần cố gắng, nỗ lực hơn gấp nhiều lần để giữ vững niềm tự hào về hai tiếng “Việt Nam”.
Bảo An
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả