+
Aa
-
like
comment

Sự trùng hợp kỳ lạ giữa Trump và Reagan trong cuộc chiến với ‘đế chế tà ác’

23/09/2019 12:12

Bất chấp những chỉ trích liên tục ở trong nước và quốc tế, chính quyền Trump vẫn đưa ra được những quyết định đúng đắn khi phải hành động với Trung Quốc. Tuy nhiên rất ít chuyên gia và những người được gọi là chuyên gia thấu hiểu thật sự chiến lược của ông Trump và làm thế nào nước Mỹ có thể thực thi nó.

Harry J. Kazianis, Giám đốc nghiên cứu quốc phòng tại Trung tâm vì lợi ích quốc gia đã có một bài bình luận đăng tại tờ Fox News ngày 9/9 để chứng minh cho nhận định trên của mình.

Theo ông Kazianis, có thể tóm tắt chiến lược đối với Trung Quốc của Tổng thống Trump trong một từ “ngăn chặn”. Lịch sử đã chứng kiến sự sụp đổ của Liên Xô và bây giờ Trung Quốc cũng đang phải lo lắng cho vận mệnh của mình.

Chuyên gia nhận định, Trung Quốc rõ ràng không phải là vùng đất của Gorbachev và cũng không phải quốc gia có quân sự lớn mạnh còn kinh tế và công nghệ thì suy yếu và lạc hậu. Trung Quốc là một đối thủ xảo quyệt hơn Liên Xô.

Tổng thống Hoa Kỳ Ronald Reagan (phải) và Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev ký hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) trong Nhà Trắng ngày 8 tháng 12 năm 1987. (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Hoa Kỳ Ronald Reagan (phải) và Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev ký hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) trong Nhà Trắng ngày 8 tháng 12 năm 1987. (Ảnh: Reuters)

Ông Kazianis bình luận, Trung Quốc là một kẻ chuyên áp bức người nhà và bắt nạt người ngoài. Bắc Kinh hiện đang ở đỉnh cao về sức mạnh kinh tế với GDP lên tới 12 nghìn tỷ USD và ngân sách quân sự lên tới 250 tỷ USD, sở hữu cả hai sức mạnh quan trọng trong khi Liên Xô chỉ có một.

Bắc Kinh đe doạ sinh kế của nền kinh tế Mỹ thông qua chính sách của chủ nghĩa trọng thương, đồng thời xây dựng hệ thống vũ khí được thiết kế với sức mạnh có thể phá huỷ các tàu sân bay, cơ sở hạ tầng và không gian mạng của Mỹ và cả hơn thế nữa.

Ông Trump đang đóng vai giống như một vị tổng thống Mỹ trong quá khứ, một vị tổng thống được dân Mỹ yêu quý và dẫn dắt dân tộc chống lại “đế chế tà ác”, đó chính là Ronald Reagan. Ông Kazianis đã đưa ra những so sánh về cách mà Reagan hành xử với Soviet và Trump với Trung Quốc.

Đầu tiên là cách hai vị tổng thống giải quyết vấn đề khi phải thừa kế lại những thử thách khổng lồ trước mặt.

Cũng như Reagan, ông Trump thừa kế một quân đội Hoa Kỳ đang trở nên yếu kém, suy sụp và cần phải xây dựng lại do những chính sách của người tiền nhiệm đã khiến nó mất khả năng chống lại kẻ thù. Cả ông Trump và Reagan đã thông qua những khoản chi lớn và đầu tư trọng yếu cho quốc phòng để đảm bảo sự thống trị của quân đội và có thể đối đầu với các đối thủ lớn. Và giống như Reagan, Tổng thống Trump đảm bảo rằng nếu có một cuộc xung đột xảy ra, Mỹ sẽ có các công cụ để chiến đấu và chiến thắng.

Tiếp theo, cách mà hai vị tổng thống truyền thông điệp tới người dân và thế giới về những mối nguy hiểm từ các đe doạ trong thời kỳ cũng như những chiến lược hành động của họ khiến những kẻ thù của nước Mỹ không dễ dàng phản bác lại. Đối với Reagan, cách gọi nước Nga Xô Viết là “đế chế tà ác” năm 1983 là một cụm từ đơn giản và hiệu quả để gọi tên Moscow lúc bấy giờ. Chính cách dùng từ đơn giản đó về nước Nga đã khiến cho Mỹ trở thành bên theo lẽ phải của lịch sử.

Ông Trump chưa gán mác cho Trung Quốc là “đế chế tà ác”. Tuy nhiên, việc ông dùng Twitter để liên tục truyền đi thông điệp về tình trạng đàm phán thương mại, hết khen lại chê chủ tịch Trung Quốc, thể hiện quan điểm của ông với Bắc Kinh rất giống cách mà Reagan sử dụng ngôn ngữ để truyền đạt thông tin khiến cho đối thủ phải phản ứng lại và không thể chối bỏ. Trừ khi chủ tịch Tập Cận Bình có thể lên Twitter để phản bác lại Trump – nhưng ông không thể bởi Twitter bị cấm ở Trung Quốc – Trung Quốc không có một phương cách hiệu quả nào để phản bác lại.

Ở một khía cạnh khác, cả Reagan và Trump đều nhận ra rằng nền tảng cốt lõi của bất kỳ quốc gia nào cũng nằm ở sức mạnh kinh tế. Cả hai đều làm tất cả những gì có thể để đảm bảo rằng nền tảng tài chính của Mỹ phải mạnh mẽ và có sức sống hơn bao giờ hết. Hai vị tổng thống đều thông qua các chính sách giảm thuế để tăng trưởng kinh tế và tăng thu nhập cho người dân, đảo ngược lại các quy định của người tiền nhiệm vốn đang kiềm chế doanh nghiệp trong nước và chất gánh nặng lên người dân của mình. Trong khi cả hai cùng đối mặt với thách thức về món nợ ngày càng lớn của Mỹ, thì Liên Xô đã bị phá sản trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh còn Trung Quốc đang phải đối mặt với món nợ quốc gia khổng lồ lên tới 350% GDP. Trong khi đó, những khoản nợ mờ ám và những công cụ tài chính sai lầm mà Bắc Kinh thực thi khó mà có thể đo lường được.

Harry J. Kazianis bình luận, có một điểm khác biệt giữa Reagan và Trump – và đây là điều mà ông Trump đang làm một cách chính đáng. Đó là nước Nga Xô Viết không bị ràng buộc sâu vào nền kinh tế toàn cầu như Trung Quốc. Và Bắc Kinh đang đánh cắp hàng ngàn tỷ USD tài sản trí tuệ của Hoa Kỳ, đóng cửa thị trường và cung cấp những tài sản bất hợp pháp cho các ngành công nghiệp trong nước để kiếm lợi hàng trăm tỷ USD. Như vậy, Tổng thống Trump đang phải đối mặt với một kẻ lừa đảo kinh tế nguy hiểm mà Reagan không gặp phải.

Thổng thống Mỹ Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
Thổng thống Mỹ Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Kazianis cho rằng, chính quyền Trump đã thực hiện tốt nhiệm vụ là tạo ra một sân chơi bình đẳng. Hàng trăm tỷ USD thuế sẽ đánh lên hàng hoá Trung Quốc nếu Bắc Kinh không tuân thủ các nghĩa vụ của mình theo luật pháp quốc tế và không ngừng lại việc lợi dụng người tiêu dùng và thị trường mở của Mỹ. Ông Trump quyết tâm đảm bảo rằng sẽ không còn nhà máy hay lực lượng lao động cổ cồn xanh dịch chuyển sang Trung Quốc, vì điều đó đồng nghĩa với việc chuyển dịch sự giàu có của Mỹ sang cho kẻ thù chính trị hàng đầu của mình.

Theo chuyên gia Kazianis, điều quan trọng hơn hết là cả hai đều biết và kỳ vọng vào sự hy sinh của người Mỹ để giành chiến thắng cuối cùng trong cuộc chiến như vậy. Điều tốt đẹp là hai vị tổng thống hiểu rằng, những mối đe doạ như vậy nếu không được kiểm soát thì sẽ càng ngày càng trở nên nguy hiểm. Trong trường hợp của Trung Quốc, không có gì có thể tồi tệ hơn việc một quốc gia lưu manh lại trở nên mạnh hơn cả Mỹ về kinh tế và quân sự một ngày nào đó.

Tàu chiến của Mỹ được điều ngày càng nhiều hơn sang Châu Á để đối đầu với Trung Quốc
Tàu chiến của Mỹ được điều ngày càng nhiều hơn sang Châu Á để đối đầu với Trung Quốc

Hơn nữa, Trung Quốc là một quốc gia nổi tiếng đàn áp người dân của mình, vi phạm vấn đề nhân quyền – lan truyền cả đặc tính xấu này cho những quốc gia khác. Do đó, Kazianis khẳng định, Mỹ cần phải tiếp tục để đảm bảo một Trung Quốc như thế sẽ không trở thành một quốc gia thống trị toàn cầu trong thế kỷ 21.

Thiên Cầm biên dịch (Harry J. Kazianis | Fox News)

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều