+
Aa
-
like
comment

Sự trỗi dậy của Việt Nam trong tương lai gần

Lan Hoa - 20/08/2023 09:29

Mới đây, BNN Netwwork – mạng lưới truyền thông trực tuyến hàng đầu của Mỹ đã đăng tải bài viết, trong đó nhận định, kinh tế Việt Nam được nhận định sẽ bứt tốc và khẳng định được vị thế của mình trên toàn cầu trong thời gian sắp tới.

Trong 7 tháng vừa qua, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp; tăng trưởng toàn cầu thấp, một số quốc gia, đối tác lớn tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng lãi suất, gia tăng hàng rào bảo hộ; xuất hiện rủi ro, thách thức mới về an ninh lương thực toàn cầu; nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, hạn hán kéo dài, bão lũ, thiên tai đã làm ảnh hưởng nặng nề đến nhiều quốc gia. Mặc dù vậy, tình hình kinh tế của Việt Nam vẫn tiếp tục diễn biến theo xu hướng tích cực, nhiều lĩnh vực đạt kết quả tốt hơn so với cùng kỳ năm ngoái, cơ bản đạt được các mục tiêu tổng quát đề ra, tạo đà cho quý III và cả năm 2023.

Đến nay, kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. 7 tháng đầu 2023, CPI bình quân tăng 3,12%; đầu tư nước ngoài tăng 4,5%; khách quốc tế đến Việt Nam tăng 6,9 lần; cán cân thương mại ước tính xuất siêu 15,23 tỷ USD… Nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia, bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát tốt. An ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm, xuất khẩu gạo 7 tháng đạt 4,84 triệu tấn với kim ngạch 2,6 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu gạo với trữ lượng và giá trị cao nhất thế giới.

Từ những kết quả tích cực trên, hôm 10/8, Ngân hàng Thế giới (WB) đã dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng tốc trong nửa cuối năm nay và những năm tiếp theo nhờ đầu tư công hiệu quả. Theo đó, mức tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ đạt 4,7% vào năm 2023, sau đó tăng dần lên 5,5% vào năm 2024 và 6,0% vào năm 2025.

Trước đó, trong đợt tham vấn định kỳ tình hình kinh tế Việt Nam vào tháng 6, trưởng đoàn công tác Điều khoản 4 của IMF, ông Paulo Medas cũng nhận định, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ phục hồi vào nửa cuối năm 2023, đạt khoảng 4,7% cho cả năm nhờ xuất khẩu phục hồi và các chính sách trong nước nới lỏng. Lạm phát dự kiến sẽ được kiểm soát dưới mức mục tiêu 4,5% của Ngân hàng Nhà nước. Trong trung hạn, Việt Nam có thể quay trở lại đạt được tốc độ tăng trưởng cao khi các cải cách cơ cấu được thực thi.

Còn theo ông Marco Förster, Trưởng Bộ phận tư vấn ASEAN tại hãng tư vấn Dezan Shira & Associates cho rằng, các nền kinh tế luôn theo chu kỳ, giai đoạn tăng trưởng chậm là không thể tránh khỏi. Trước những khó khăn hiện nay, Việt Nam được dự đoán sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh trong trung hạn nhờ vị thế mới nổi là trung tâm sản xuất hàng đầu ở Đông Nam Á, dân số có trình độ học vấn cao và vốn đầu tư tăng lên nhanh.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2023 như đã đề ra, Chính phủ và các bộ, ban ngành của Việt Nam cần tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp khích thích tăng trưởng kinh tế, các chính sách tài khóa để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh.

Đặc biệt, có 2 giải pháp chính sẽ giúp kinh tế phục hồi cần phải triển khai đồng bộ. Giải pháp thứ nhất đó là kích cầu tiêu dùng. Tổng cầu tiêu dùng chiếm tỷ trọng lớn nhất, trên 70% trong cơ cấu GDP. Trong đó tiêu dùng của dân cư khoảng 90% tổng cầu tiêu dùng. Vì vậy chính sách kích cầu nhằm đẩy mạnh chi tiêu của người dân sẽ là giải pháp nhanh nhất, hiệu quả nhất để thúc đẩy tăng trưởng và tháo gỡ khó khăn về đầu ra cho doanh nghiệp. Ngoài ra, để người tiêu dùng “dốc hầu bao” cho chi tiêu, giá hàng hóa và dịch vụ phải ổn định, đặc biệt, các đợt khuyến mại giảm giá sẽ có hiệu quả rất lớn trong thúc đẩy tiêu dùng. Doanh nghiệp và các đơn vị kinh doanh cần giữ chữ tín, không lợi dụng vào mùa cao điểm để tăng giá.

Giải pháp thứ hai đó là kích cầu xuất khẩu. Kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất và nhập khẩu ngày càng cao. Vì vậy, để thu được lợi nhuận tối đa, giảm nhập siêu dịch vụ vận tải, Chính phủ cần ban hành chính sách ưu đãi, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, vốn để phát triển đội tàu vận tải biển, đặc biệt là đội tàu vận tải biển container để Việt Nam chủ động vận chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu đáp ứng nhu cầu của đất nước, loại trừ rủi ro khi thuê các hãng vận tải quốc tế; đồng thời tham gia phân khúc vận tải đường dài, vươn ra các châu lục, xử lý vấn đề nhập siêu dịch vụ vận tải, phù hợp với xu hướng vận tải biển quốc tế.

Lan Hoa

Bài mới
Đọc nhiều