+
Aa
-
like
comment

Sự trăn trở cuối nhiệm kỳ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

21/03/2021 13:49

Chỉ còn một thời gian ngắn nữa, nhiệm kỳ Chính phủ 2016 – 2021 sẽ kết thúc. Đây là nhiệm kỳ rất thành công, đặc biệt là việc xây dựng Chính phủ kiến tạo và phát triển kinh tế.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Ngay từ ngày đầu nhậm chức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trương xây dựng Chính phủ phục vụ doanh nghiệp, phục vụ người dân.

Tại lễ nhậm chức, Thủ tướng nói: “Phải đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, tăng cường kỷ luật, kỷ cương; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo đánh giá; kiên quyết xóa bỏ cơ chế xin cho; thực hiện công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình…”.

Nhìn tổng thể, hầu hết những điều Thủ tướng phát biểu tại buổi lễ đã được ông cùng với tập thể Chính phủ thực hiện tốt.

Song, hình như Thủ tướng vẫn còn có những trăn trở mà gần đây (ngày 18/3), chủ trì Hội nghị trực tuyến tổng kết chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2020 và định hướng giai đoạn 2021 – 2030, Thủ tướng nói: “Phải tiếp tục cải cách hành chính quyết liệt, đồng bộ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả; lấy người dân làm trung tâm, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo về đánh giá chất lượng hoạt động bộ máy nhà nước”.

Cụ thể hơn, Người đứng đầu Chính phủ còn đặt vấn đề “Nhà nước chỉ làm những việc người khác không làm được chứ không phải các bộ ngành ôm hết, bộ máy phình ra. Tôi đề nghị Bộ Nội vụ và các bộ ngành xem lại mô hình tổng cục với nhiều tầng nấc hiện nay”.

Công bằng nhìn nhận, công cuộc cải cách hành chính vừa qua đã có những chuyển biến khá tích cực. Song, mới thấy nổi trội ở một số bộ, ngành và địa phương như các bộ: Công an, Tài nguyên Môi trường, Lao động – Thương binh & Xã hội, Công Thương… và các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng…

Theo báo cáo của Bộ Nội vụ tại Hội nghị trên: “So thời điểm 31/12/2019 với thời điểm 31/12/2017, các bộ, cơ quan ngang bộ (không tính Bộ Quốc phòng và Bộ Công an) đã giảm 12 vụ và tương đương; giảm 10 đơn vị sự nghiệp công lập. Trong giai đoạn 2011-2020, tổ chức bộ máy lực lượng công an đã giảm 6 tổng cục, 1 đơn vị tương đương tổng cục, 55 đơn vị cấp cục, 07 trường công an nhân dân…

Cấp tỉnh giảm 5 tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh; giảm 973 tổ chức cấp phòng; 127 tổ chức cấp chi cục; 1.179 tổ chức cấp phòng thuộc chi cục. Cấp huyện giảm 294 tổ chức cấp cơ quan chuyên môn trực thuộc.

Đến nay, đã cơ bản hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 – 2021. Ở cấp huyện, đã tiến hành sắp xếp đối với 21 đơn vị, giảm 8 huyện. Đối với cấp xã, đã tiến hành sắp xếp đối với 1.047 đơn vị, giảm 557 xã.

Về biên chế công chức (tính đến 31/3/2020), các bộ ngành Trung ương giảm 10.284 người, các địa phương giảm 13.612 người so với số giao năm 2015”.

Tóm lại về tổng thể, với thời gian trên, cả nước mới tinh giản được 24.000 người là rất khiêm tốn so với yêu cầu, nhất là so với đội ngũ công, viên chức hùng hậu hiện nay.

Một điều cần lưu ý là tại các Bộ, ngành và địa phương thực hiện tinh giản quyết liệt nói trên, công việc không những không bị đình trệ mà ngược lại, thuận lợi hơn rất nhiều. Điển hình là thành công của Bộ Công an và tỉnh Quảng Ninh là những minh chứng rõ nét.

Trở lại với trăn trở của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, mặc dù đã có một nhiệm kỳ Chính phủ rất thành công thì có lẽ công cuộc cải cách hành chính một cách quyết liệt hơn nữa chính là điều mà người đứng đầu Chính phủ trăn trở đối với nhiệm kỳ Chính phủ sắp tới.

Bùi Hoàng Tám

Bài mới
Đọc nhiều