Sư Thích Thanh Toàn gạ tình: Bí ẩn chùa Địa Ngục
7 tiêu bản mà nhà sư Thích Thanh Toàn báo là mộ của các tổ sư phát hiện tại chùa Địa Ngục được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc nhận định là chưa có cơ sở khoa học.
Thời gian vừa qua, vụ việc nhà sư Thích Thanh Toàn (tên tục là Lê Hữu Long, SN 1976, quê quán ở huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) có hành vi “gạ tình” hiện đang là tâm điểm của dư luận.
Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc xác nhận sư Thích Thanh Toàn mới chỉ được bổ nhiệm trụ trì chùa Nga Hoàng (huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc), còn đối với chùa Địa Ngục, sư Toàn chưa được bổ nhiệm trụ trì mà chỉ thường xuyên đi lại.
Người dân làm công quả ở chùa Địa Ngục cho biết, chùa này được sư thầy trụ trì Thích Thanh Toàn tìm ra từ năm 2008. Tuy nhiên, chứng tích hay thông tin chính thức về một ngôi chùa có tên là chùa Địa ngục thì đến nay vẫn chưa ai được biết rõ. Từ đó đến nay, sư thầy chỉ một tháng hai lần vào thỉnh kinh, còn việc trông chùa lo nhang khói chính vẫn là những người làm công quả.
Theo Dân trí, từ năm 2009, Thượng tọa Thích Kiến Nguyệt, Phó Trưởng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Vĩnh Phúc, Trụ trì Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên cho người lên khu vực chùa Đồng Cổ (chùa Địa Ngục) tại khoảnh 4, tiểu khu 75 – Vườn Quốc gia Tam Đảo, thuộc địa giới hành chính xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo – Vĩnh Phúc khảo sát, tìm hiểu. Tuy nhiên, sau đó, do không phát hiện di tích cổ nên Thượng tọa Thích Kiến Nguyệt không cho người tìm hiểu tiếp.
Sau đó, Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc có văn bản báo cáo UBND tỉnh này về việc khu vực chùa Địa Ngục chưa có gì gọi là di tích để khôi phục. Từ đó đến nay, đơn vị này không có văn bản nào về việc cho phép hoạt động tín ngưỡng ở khu vực chùa Địa Ngục.
“Tuy nhiên, nhà sư Thích Thanh Toàn vẫn âm thầm cho người lên xây 2 cái tháp ở chùa Địa Ngục. Chúng tôi đã chỉ đạo Vườn Quốc gia Tam Đảo thường xuyên kiểm tra, nắm bắt tình hình. Năm 2016, Vườn Quốc gia Tam Đảo đã lập biên bản vi phạm hành chính và buộc nhà sư Thích Thanh Toàn phải khôi phục lại hiện trạng của khu vực này. Từ đó đến nay, sau khi nhà sư Thích Thanh Toàn khôi phục xong thì không hoạt động gì ở khu vực này nữa” – thông tin trên Dân trí.
Theo nhận định của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc qua các di vật xuất lộ trên bề mặt của nền chùa Địa Ngục và chùa Đồng, bước đầu nhận định niên đại của các ngôi chùa này từ thời Trần. Chùa được dựng bằng gỗ và lợp ngói (Chùa Đồng có quy mô nhỏ hơn so với chùa Địa Ngục). Niên đại của ngôi chùa này kéo dài từ thế kỷ XIII- XVIII (nghĩa là niên đại cùng thời với các ngôi chùa khác trong khu vực Tây Thiên).
Cũng theo nhận định của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc, tuy chưa đào thám sát và khai quật khảo cổ nhưng 7 tiêu bản được coi là mộ của các vị Tổ sư tại khu vực chùa Địa Ngục mà nhà sư Thích Thanh Toàn đã thông báo là chưa có cơ sở khoa học vì kiểu dáng của các tiêu bản (mộ?) đó là rất đơn giản và sơ sài, được chôn cất ở những địa điểm không phù hợp (đặc biệt là M3 M4 M5 M6 M7, trong đó M3 M4 thì phát hiện ngay trong khuôn viên chùa, còn M5 M6 M7 thì về địa thế lại không hợp lý, ngay phía trước là vực sâu).
Ngày 25/9, khu vực gọi là chùa Địa Ngục được xác định chưa phải là cơ sở thờ tự Phật giáo. Đại đức Thích Thanh Toàn bị yêu cầu không được tiến hành bất kỳ hoạt động tín ngưỡng tâm linh, xây dựng công trình gì tại đây.
Ngày 5/10 vừa qua, sư Thích Thanh Toàn gửi tới Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Vĩnh Phúc tờ trình xin xả giới và hoàn tục và xin được giữ lại những tài sản như trang trại, đất đai, xe cộ do mình mang tên chủ sở hữu. Số tài sản này ước tính lên tới 200 – 300 tỷ đồng.
Trước đó, Đại đức Thích Thanh Toàn đã nhiều lần vi phạm các Nội quy Ban Tăng sự và quy định về trật tự xây dựng, quy định bảo vệ rừng. Đại diện chính quyền địa phương nơi có chùa Nga Hoàng cũng nhận xét về những biểu hiện không bình thường của sư Toàn và chỉ ra việc Đại đức này đã vi phạm các quy định về quản lý xây dựng trên địa bàn và các cơ quan quản lý đã nhiều lần nhắc nhở, xử phạt hành chính.
Qúy An