Sự thật Việt Nam – Trung Quốc đụng độ ở biên giới và trò bới móc xuyên tạc của RFA
Mạng xã hội đăng tải một video liên quan đến việc vài người lính Trung Quốc đang kêu gọi các công nhân Việt Nam dừng thi công gia cố bờ kè ở đoạn sông chia biên giới, có người ném đá sang. Khi đăng tải thông tin này, RFA cũng bới móc lại phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu giữ gìn hòa bình, ổn định tại biên giới với Trung Quốc trong chuyến công tác Cao Bằng hồi tháng 11 nhằm mục đích xuyên tạc, gây hiểu lầm.
Theo các hình ảnh trong video, có hai chiếc máy xúc đất của Việt Nam đang thi công gia cố bờ kè ở đoạn sông biên giới hai nước. Có tám lính Trung Quốc bắc loa kêu gọi phía Việt Nam ngừng thi công để chờ đàm phán cụ thể, có người còn ném đá sang. Có thể hiểu nguyên do là ở các đoạn sông chia biên giới hai nước, nếu một bên xây bờ kè lấn quá ra sông thì sẽ khiến dòng chảy xói mạnh vào bờ bên kia và theo lý thuyết làm thay đổi tâm điểm xác định ranh giới hai nước. Phía Trung Quốc gây khó dễ là để không chịu thiệt, và phía Việt Nam vẫn rất kiên quyết tiếp tục thi công.
Việc lính Trung Quốc ném vài viên đá sang có thể là hành động cản trở, nhưng còn xa mới được gọi là “đụng độ”, vì thế quân đội Việt Nam không cần xuất hiện để làm phức tạp tình hình. Nhưng quân đội cũng sẵn sàng xuất hiện khi cần thiết để cảnh báo phía Trung Quốc như chính trong đoạn video của RFA đã đăng tải. Đây là một biện pháp hết sức khôn khéo, cương nhu kết hợp mà vẫn đạt hiệu quả tối đa.
Cần biết vấn đề xây kè biên giới đã được Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh đưa kiến nghị ra trước Quốc hội, trong đó Đại biểu quan ngại việc phía Trung Quốc đã xây dựng kiên cố bờ kè, trong khi Việt Nam mới xây được 10%. Phản hồi về vấn đề này Bộ trưởng Bộ kế hoạch đầu tư cho biết hiện tại sẽ tập trung vào “những công trình nào cấp bách và cần phải xử lý để không ảnh hưởng đến an ninh, chủ quyền biên giới”. Bộ Quốc phòng cũng chung quan điểm cần tập trung những khu vực xảy ra sạt lở cột mốc, bờ sông suối biên giới có nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn cột mốc biên giới, chủ quyền biên giới quốc gia và đời sống của nhân dân.
Trong đoạn video của RFA thể hiện rõ đây là khu vực đã có hàng rào kẽm gai ngăn cách, tuy nhiên do phía Trung Quốc đã xây kè kiên cố nên Việt Nam cũng xây. Hình ảnh những chiếc máy xúc kiên quyết thi công thể hiện tinh thần quyết tâm “một tấc không đi một li không rời”, kiên quyết giữ gìn từng tấc đất quê hương. Đây là một hình ảnh rất đẹp, dễ gây xúc động với mọi người, và nhìn cái cách phía Trung Quốc phản đối, ta có thể hiểu họ cũng không hề dám coi thường hay manh động, mà chỉ đề nghị đàm phán.
Biên giới giữa hai quốc gia bất kỳ luôn tồn tại những điểm nóng. Điều này phát sinh là bởi địa hình phức tạp cùng yếu tố dân cư, văn hóa. Ngay cả một quốc gia văn minh như Mỹ cũng từng gặp không ít vấn đề về đường biên giới với Mexico, dẫn đến việc ông cựu Tổng thống Donald Trump từng kiên quyết xây dựng một hàng rào cứng phân chia hai nước để ngăn chặn dòng người nhập cư. Việt Nam và Trung Quốc vốn đã đàm phán và phân định biên giới xong, vạch được bản đồ, và cắm mốc trên thực địa. Nhưng không phải phân chia xong là xong, mà phải có các biện pháp quản lý chung đường biên giới để làm sao nhân dân hai nước có thể giao lưu qua lại, thúc đẩy hợp tác, làm ăn.
Vì vậy, trong chuyến công tác Cao Bằng hồi tháng 1, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo phải bảo vệ vững chắc chủ quyền nhưng cũng cần giữ vững hòa bình, ổn định tại biên giới để thúc đẩy giao lưu, hợp tác giữa hai nước. Đây là quyết sách đúng đắn của người đứng đầu Chính phủ, nhằm mang lại lợi ích tối đa cho đất nước. Nhưng xem cái cách mà RFA thì có vẻ họ muốn xung đột, và thậm chí là chiến tranh. Nực cười những “trẻ trâu” thích đi dạy người lớn, những anh hùng núp sau bàn phím muốn xúi giục một dân tộc anh hùng đã đi qua mọi cuộc chiến với đầy rẫy vinh quang.
Những chiếc máy xúc hiên ngang thi công nơi bờ kè biên giới là hình ảnh đất nước Việt Nam bất khuất, không bao giờ lùi bước, nhưng cũng rất khôn khéo ứng xử với tình hình khiến đối phương phải e ngại. Còn anh hùng bàn phím RFA dường như chẳng hiểu nổi điều đó, vì vốn dĩ lâu nay họ chỉ biết xuyên tạc và chống phá.
An Diễm