Sự thật việc NHNN họp khẩn các ngân hàng về vấn đề thanh khoản
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tổ chức các cuộc họp với nhiều ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng vừa qua. Thông tin khiến nhiều người đồn thổi, ngành ngân hàng Việt Nam đang có “biến”, “hệ thống tài chính sắp sụp đổ”. Và sự thật là…
Theo lời của Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, các cuộc họp là để cùng nhau đánh giá, xác định ‘điểm nghẽn’, từ đó, có giải pháp phù hợp trong bối cảnh lạm phát tăng, áp lực đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng, thanh khoản, tín dụng, điều hành lãi suất, tiền tệ.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã cung cấp một số thông tin quan trọng về thanh toán trên thị trường tiền tệ, trong đó, khẳng định, thanh khoản của các tổ chức tín dụng vẫn tốt và dư thừa.
Trong bối cảnh yếu tố tâm lý và các diễn biến bất lợi của tình hình kinh tế, tiền tệ quốc tế đang gây ra những tác động không nhỏ tới thị trường tiền tệ, ngoại hối của Việt Nam, các tuyên bố của Thống đốc Nguyễn Thị Hồng về giải pháp của Ngân hàng Nhà nước là đặc biệt quan trọng. Động thái đáng chú ý của NHNN được coi là nỗ lực nhằm giải quyết khó khăn cho một số ngân hàng trong việc tiếp cận đủ thanh khoản, tiền gửi, trong hệ thống.
Ngày 23/9, Ngân hàng Nhà nước đã tăng một loạt lãi suất điều hành sau thời gian giữ ổn định kể từ tháng 10/2020 đến nay.
Đầu tháng 10, NHNN đã tăng biên độ tỷ giá từ ±3% lên ±5%, giảm bớt áp lực lên việc sử dụng dự trữ ngoại hối, vốn đã giảm 16% tính tới tháng 8 kể từ đỉnh tháng 1/2022. Trong bối cảnh các rủi ro gia tăng, NHNN đã có các động thái chủ động nhằm duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và xoa dịu lạm phát.
Thời gian qua, FED cùng hàng loạt ngân hàng trung ương trên thế giới đã tăng lãi suất, gây áp lực lớn cho Việt Nam. Trên thực tế, áp lực đối với thị trường tiền tệ và ngoại hối không chỉ là áp lực đối với Việt Nam, mà còn là áp lực đối với tất cả các quốc gia trên thế giới. Khi Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, những diễn biến phức tạp của kinh tế thế giới tác động đến kinh tế, tiền tệ của Việt Nam là không tránh khỏi, do đó, cần chủ động tâm thể để ứng phó với những diễn biến ấy.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, dưới sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cũng như các bộ ngành đã chủ động, linh hoạt đưa ra các giải pháp để ứng phó và đã góp phần đạt được ổn định kinh tế vĩ mô cũng như ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối.
Hạ Băng