+
Aa
-
like
comment

Sự thật về xuyên tâm liên trong phòng và điều trị Covid-19

29/07/2021 15:28

Liên quan đến sản phẩm xuyên tâm liên dùng để phòng và điều trị Covid-19, PGS.TS Nguyễn Thị Bay, chuyên gia y học cổ truyền cho biết, hiệu quả của xuyên tâm liên cũng chỉ dừng lại ở một mức độ nhất định. Hiện nay sử dụng xuyên tâm liên nên dùng chung với một bài thuốc, nếu sử dụng mỗi xuyên tâm liên thì hiệu quả điều trị Covid-19 không nhiều.

Chiều tối 28-7, đoàn công tác do đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM đã đến kiểm tra, thăm hỏi người dân đang điều trị Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến thu dung và điều trị Covid-19 số 4 (khu tái định cư Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh) và khu cách ly tập trung tại Trường Tiểu học Tân Túc (huyện Bình Chánh).

Sự thật về xuyên tâm liên trong phòng và điều trị Covid-19 ảnh 1
Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM làm việc với huyện Bình Chánh về công tác phòng chống dịch tối 28-7.

Cùng trực tiếp đến thăm các F0 đang điều trị còn có PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế và PGS.TS Lê Tiến Dũng, chuyên gia hô hấp; PGS.TS Nguyễn Thị Bay, chuyên gia về y học cổ truyền. Tại đây, các chuyên gia đã nêu các vấn đề cần quan tâm, như cơ chế lây truyền của virus SARS-CoV-2, các biện pháp dự phòng, xử lý khi bị virus xâm nhập…

Biện pháp phòng ngừa

PGS.TS Lê Tiến Dũng nêu ra các khuyến cáo phòng ngừa cụ thể. Đó là việc người dân cần tạo không gian thông thoáng trong nhà, trong các văn phòng và giữ khoảng cách trên 2m, không tiếp xúc quá 2 phút và đặc biệt phải tuân thủ 5K theo quy định của Bộ Y tế, tiến hành khử khuẩn trên các bề mặt. Đặc biệt đối với những người đang thực hiện cách ly tại nhà phải chú ý thường xuyên khử khuẩn trên các bề mặt tiếp xúc, các vật dụng xung quanh…

Chuyên gia hô hấp thông tin thêm, khi virus SARS-CoV-2 xâm nhập vào cơ thể sẽ gây ra 3 cơ chế lây nhiễm và tạo ra một loạt các triệu chứng. Trong đó cơ chế tác động vào các tế bào máu, từ đó cơ thể phóng kích ra các Cytokine nhằm gia tăng đề kháng bảo vệ cơ thể. Tuy nhiên, khi cơ thể phản ứng tạo ra nhiều Cytokine gây ra “cơn bão Cycokine” (một phản ứng miễn dịch quá mức đối với các kích thích đối với cơ thể từ bên ngoài), lúc này tấn công một loạt các cơ quan trong cơ thể, trong đó tấn công phổi, thận, tim và não và từ đó gây ra một loạt các triệu chứng.

Ngoài ra, khi virus xâm nhập vào, cơ thể phản ứng lại bằng cách kích hoạt các đại thực bào để “ăn” các virus xâm nhập vào cơ thể. Tuy nhiên, khi virus xâm nhập vào cơ thể quá nhiều, các đại thực bào to lên và di chuyển vào trong các mạch máu gây tắc nghẽn và rối loạn đông máu…

Sự thật về xuyên tâm liên trong phòng và điều trị Covid-19 ảnh 2
Sự thật về xuyên tâm liên trong phòng và điều trị Covid-19 ảnh 3
Trước đó, Bí thư Thành ủy TPHCM đã đi thăm hỏi động viên người dân mắc Covid-19 đang điều trị tại Bệnh viên dã chiến số 4 (huyện Bình Chánh).  

Hiện nay có đến 80% người mắc SARS-CoV-2 không có triệu chứng, 20% bệnh nhân chuyển biến nặng (trong đó có 5% có các biến chứng rất nặng, nguy kịch, bao gồm suy hô hấp cấp, nhiễm trùng máu…). Hiện nay với biến thể Delta này có diễn biến rất nhanh, chuyển giai đoạn bệnh cũng rất nhanh. Cụ thể kể từ lúc nhiễm virus, chỉ cần 48 tiếng sau là có triệu chứng chứ không còn 3-5 ngày như các biến chủng cũ. Do đó hiện nay, cứ 3 ngày lấy mẫu xét nghiệm một lần là vậy để sớm phát hiện F0. Tuy nhiên, PGS.TS Lê Tiến Dũng đề xuất 48 tiếng nên xét nghiệm một lần đối với mức độ siêu lây của biến chủng Delta này.

Sự thật về xuyên tâm liên trong phòng và điều trị Covid-19 ảnh 4
PGS.TS Lê Tiến Dũng, chuyên gia hô hấp nêu các biện pháp phòng ngừa Covid-19.

Theo chuyên gia hô hấp, hiện nay Bộ Y tế phân thành 5 nhóm nhiễm bệnh là phù hợp, đó là nhóm không có triệu chứng; nhóm có triệu chứng nhẹ (đau họng, sổ mũi, ho, sốt nhẹ); nhóm có biểu hiện viêm phổi nhưng chưa có biểu hiện suy hô hấp; nhóm có triệu chứng nặng suy hô hấp khó thở; nhóm rất nặng nguy kịch với một loạt biến chứng. Về việc quản lý nhóm bệnh nhân không có triệu chứng và triệu chứng nhẹ, cần phải nắm được khi nào người bệnh chuyển biến nặng để có phản ứng kịp thời cứu người bệnh, giảm tối đa nguy cơ tử vong…

Thức ăn – bài thuốc hữu ích

PGS.TS Lê Tiến Dũng khuyến cáo người dân cần chú ý ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, giữ tinh thần luôn lạc quan, duy trì tập thể dục, ăn uống nhiều vitamin, uống nhiều nước để hỗ trợ tăng cường sức đề kháng. Ngoài ra, trong trường hợp người bệnh ho nhiều thì mới sử dụng thuốc ho và chú ý phải theo chỉ định của bác sĩ. Chuyên gia hô hấp cũng khuyến cáo người dân không nên làm dụng thuốc kháng sinh, bởi kháng sinh không thể diệt được virus chủng biến thể Delta, đặc biệt là người mắc Covid-19 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ.

Sự thật về xuyên tâm liên trong phòng và điều trị Covid-19 ảnh 5
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên kiểm tra các loại thuốc được sử dụng cho người mắc Covid-19 tại bệnh viện dã chiến ở huyện Bình Chánh.  

Về đông y, PGS.TS Nguyễn Thị Bay, chuyên gia về y học cổ truyền cho biết, việc điều trị bằng đông y có một số khó khăn đó là cá nhân hóa tùy vào từng cơ địa của mỗi người mà có bài thuốc khác nhau, không giống như thuốc tây y. Chính vì vậy, giai đoạn hiện nay dùng đông y điều trị là tương đối khó khăn, tuy nhiên không có nghĩa là không có phương pháp điều trị. Có thể áp dụng các bài thuốc đông y để điều trị bài bản từ giai đoạn nhẹ và vừa.

Liên quan đến thảo dược xuyên tâm liên dùng để phòng và điều trị Covid-19, PGS.TS Nguyễn Thị Bay cho biết, hiệu quả của xuyên tâm liên cũng chỉ dừng lại ở một mức độ nhất định. Theo chuyên gia y học cổ truyền, xuyên tâm liên có tác dụng thanh nhiệt giải độc. “Hiện nay nếu sử dụng xuyên tâm liên thì nên sử dụng chung với một bài thuốc, nếu sử dụng mỗi xuyên tâm liên thì hiệu quả sẽ không được bao nhiêu”, PGS.TS Nguyễn Thị Bay khuyến cáo.

Sự thật về xuyên tâm liên trong phòng và điều trị Covid-19 ảnh 6
PGS.TS Nguyễn Thị Bay nói về tác dụng của xuyên tâm liên và hướng dẫn người dân cách ăn uống tăng sức đề kháng.  

Trong thực tế hiện nay chưa có thuốc điều trị Covid-19 do đó đông y có thể can thiệp và kết hợp đông tây y để điều trị. PGS.TS Nguyễn Thị Bay cho biết, hiện nay ở các khu cách ly, bệnh viện dã chiến đã nấu và đóng chai nước uống (gừng, sả, mật ong…) để cung cấp cho người dân, hỗ trợ miễn dịch, tăng sức đề kháng. Tuy nhiên cũng cần chú ý mỗi ngày phát cho mỗi người 1 chai nước dạng này là đủ, đừng thay nước lọc.

Hiện nay có thể dùng các bài thuốc đông y để phòng bệnh, hỗ trợ hệ thống miễn dịch và tăng sức đề kháng của mọi người. Đó là mọi người dùng thức ăn để làm thuốc hay thuốc làm thức ăn. “Thức ăn có nhiều thứ và khá đơn giản. Đó là bạc hà, kinh giới, tía tô, nhiếp cá, củ cải trắng, hẹ… Những món này có thể nấu canh, làm rau sống để ăn hoặc dùng bài thuốc trị ho. Những loại này có nhiều tinh dầu có tính kháng sinh, giúp hỗ trợ chống viêm khá tốt”- PGS.TS Nguyễn Thị Bay cho biết và nói thêm, trong gia đình mọi người nên có thêm rừng, nghệ, tỏi, đây là những gia vị cần ăn mỗi ngày để hỗ trợ thêm hệ thống miễn dịch. Ngoài ra, người dân cần bình tĩnh, thư giãn và thường xuyên tập luyện thở, thở chậm và sâu…

“Khoảng cách 2m là an toàn chỉ đúng với biến thể cũ”

Theo PGS.TS Lê Tiến Dũng, dịch Covid-19 được ghi nhận ca đầu tiên tại TP Vũ Hán (Trung Quốc) từ tháng 12-2019 và sau đó lan ra toàn cầu. Đến nay virus SARS-CoV-2 đã đột biến 3 lần (từ các biến thể Alpha đến Beta, nay là Delta) và càng nguy hiểm hơn với tốc độ lây lan nhan hơn các biến thể đầu.

Hiện nay TPHCM đang đối phó với virus biến thể Delta. Đây là biến thể có mức độ nguy hiểm, lây lan rất nhanh. PGS.TS Lê Tiến Dũng chỉ ra cơ chế lây lan của virus SARS-CoV-2, chủ yếu lây truyền qua đường hô hấp, từ đó có những biện pháp phòng ngừa. Cụ thể lây truyền qua các giọt bắn nước bọt khi con người ho, hắt hơi và chỉ nguy hiểm trong vòng bán kính 2m. Ngoài ra khi các giọt bắn này rơi xuống các bề mặt tiếp xúc, virus có thể tồn tại trong thời gian từ 6 đến 36 tiếng tuỳ theo bề mặt tiếp xúc, chẳng hạn virus sẽ tồn tại tới 36 tiếng trên bề mặt gỗ.

Đến biến thể Delta này, virus không chỉ lây qua giọt bắn nước bọt mà còn lây qua đường không khí bởi kích thước virus rất nhỏ so với các biến thể trước. Vì vậy tốc độ lây nhiễm rất nhanh và phạm vi ảnh hưởng rất lớn không chỉ giới hạn 2m nữa. “Do đó, nói cách xa 2m là an toàn chỉ đúng với các biến thể cũ, còn đối với biến thể Delta lần này có thể lây nhiễm ở khoảng cách xa hơn, đặc biệt là ở phòng kín”, PGS.TS Lê Tiến Dũng khuyến cáo.

KIỀU PHONG

Bài mới
Đọc nhiều