+
Aa
-
like
comment

Sự thật về “sự trỗi dậy của tân phát xít” tại Ukraine

Huy Hoàng - 03/03/2022 15:30

Rất nhiều lần Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói với thế giới rằng “chế độ phát xít đang một lần nữa sống dậy” ở Ukraine. Chúng mang trong lòng sự thù hận với nước Nga, quyết tâm bài trừ người Nga. Vì thế, Moskva “bất đắc dĩ” phải hành động, bằng cách “ra đòn trước” để ngăn chặn một viễn cảnh thảm họa.

Tổng thống Putin trong bài diễn văn ngày 24/2.

Thảm họa đó, theo Nga là một chính quyền tân phát xít tại Ukraine với sự tiếp cận vũ khí hạt nhân. Nói cách khác, trước khi dùng tới quân đội, Điện Kremlin đã chuẩn bị cho mình đầy đủ lý luận để giải thích cho cuộc phiêu lưu quân sự của mình.

Thế nhưng, câu hỏi đặt ra giờ đây, là liệu ở Ukraine có thật sự tồn tại một chế độ “tân phát xít”, giống như những gì Tổng thống Putin đã nói hay không? Hay đây chỉ là “cái cớ để xâm lược Ukraine” như lời Phương Tây cáo buộc?

Hôm 25/2 Tổng thống Ukraine Zelensky cũng đã có bài phát biểu gần 10 phút, lên tiếng bác bỏ cáo buộc của ông Putin, rằng: “Bạn được nghe nói rằng chúng tôi là phát xít? Làm thế nào mà một dân tộc có thể là phát xít sau khi đã hy sinh 8 triệu sinh mạng để tiêu diệt chế độ Quốc xã?” Tổng thống Zelenski đã nói bằng tiếng Nga, bằng tiếng mẹ đẻ của ông.

Dù vậy, 8 năm qua, tình hình ở Ukraine đang cho thấy điều ngược lại…

Biểu tượng phát xít xuất hiện trên khắp Ukraine

Kể từ sau cuộc đảo chính, tước quyền Tổng thống của ông Viktor Yanukovych năm 2014, chính quyền mới ở Kiev đã bắt đầu trở nên “khó hiểu”. Chỉ sau 2 tuần, thủ đô chìm trong các cuộc xung đột bạo lực, các lực lượng dân tộc chủ nghĩa đã tuyên truyền hình ảnh phát xít ở nhiều nơi trên đất nước Ukraine.

Nhờ hiệu ứng từ phong trào Euromaidan, các thành phần cực đoan đã bắt đầu đem máy móc tới, kéo đổ nhiều tượng đài thời Liên Xô, trong đó có tượng đài “Chiến sĩ Xô viết” tại thị trấn Stryi (Lyov). Bức tượng dùng để tưởng nhớ đến hàng nghìn chiến sĩ Ukraine đã hi sinh để bảo vệ quê hương khỏi sự xâm chiếm của quân phát xít. Và tiếp theo sau đó là tượng đài của lãnh tụ Lenin tại Quảng trường Tự do (Kiev), cũng đã bị phá bỏ trong tiếng hô vang “Vinh quang Ukraine”.

Người biểu tình theo phong trào Euromaidan.

Kể từ thời điểm đó, trong những năm tiếp theo, khẩu hiệu “Vinh quang Ukraine! Vinh quang Anh hùng” đã trở nên rất phổ biến và thường được sử dụng trong các hoạt động chính trị hiện đại ở Ukraine.

Nó được hô vang trong các cuộc diễu hành và trên tay những người tham gia là bức hình của Stepan Bandera, người sáng lập ra tổ chức mang tên “Quân Đội Nổi Dậy Ukraine” (UPA), một tổ chức đi theo Đức Quốc Xã thời thế chiến II để chống lại Liên Xô. Và thực ra, “Vinh quang Ukraine! Vinh quang Anh hùng!” chính là khẩu hiệu của tổ chức phát xít mang tên UPA.

Kể từ khi khẩu hiệu này xuất hiện trên khắp truyền thông Ukraine thì Kiev không chỉ bị Nga lên án, mà truyền thông nước Anh còn viết bài cáo cuộc khẩu hiệu “Vinh quang Ukraine” là khẩu hiệu mang tính dân tộc chủ nghĩa, cực đoan của phát xít.

Người biểu tình Euromaidan giương ảnh Spetan Bandera.

Dù vậy, các nhà ngoại giao Ukraine đã biện minh rằng lời chào trên chỉ là “biểu hiện yêu nước” và thậm chí còn so sánh nó với những cụm từ như “Vinh quang nước Pháp” hoặc “Vinh quang vương quốc”. Các nhà ngoại giao Ukraine đặt câu hỏi: “Các bạn có gọi những người nói những cụm từ này là những kẻ theo chủ nghĩa dân tộc hay không, và sẽ reo ó phản đối họ không?”

Nhìn chung, chính quyền Kiev khi đó có thái độ rất “dị thường”, một mực không chấp nhận các cáo buộc mầm móng phát xít đang trỗi dậy ở đất nước họ, kể cả khi hình ảnh của Stepan Bandera tràn ngập ở thủ đô Kiev.

Thực tế, chúng ta vẫn nghĩ rằng khi Adolf Hitler ngã xuống, thì Đức Quốc Xã, lẫn chế độ “phát xít” của ông ta đã biến mất khỏi thế giới này. Tuy nhiên, “phát xít” là một hệ tư tưởng chứ không phải là một tượng đài làm bằng đá. Vì thế, nó ngã xuống, nhưng mầm mống của nó vẫn còn tồn tại dai dẳng như ung nhọt. Bản chất của phát xít là tư tưởng “cực đoan”, mà đã là cực đoan thì không khác gì loài cỏ dại. Có nhổ, cũng không thể nhổ sạch. Những người một khi bị tiêm nhiễm loại tư tưởng này sẽ rất khó loại bỏ nó ra khỏi cuộc sống của mình.

Nhưng vì sao các hình ảnh phát xít lại xuất hiện ở Ukraine? Nó đến từ đâu?

Thâm nhập hàng ngũ quân đội chính quy

Tất cả đều bắt nguồn từ Stepan Bandera và UPA.

Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, tổ chức này hoạt động chủ yếu ở miền Tây đất nước Ukraine, đứng cùng hàng ngũ phát xít Đức để chống lại Hồng Quân Liên Xô. Chúng đã hợp tác với Đức quốc xã, góp phần làm gia tăng sự ác liệt của cuộc chiến tranh.

Stepan Bandera (giữa).

Sau khi quân Đức bại trận, tổ chức này vẫn tiếp tục chiến đấu chống lại chính quyền Liên Xô. Các thành viên của tổ chức này không chỉ bài trừ người Do Thái, mà thật ra, còn có người Nga. Chúng ta không để ý đến sự tồn tại của chúng, vì chúng chỉ được xem là tàn dư thời hậu phát xít, quá nhỏ bé để lo sợ. Tuy nhiên, tổ chức này vẫn tồn tại, ẩn nấp trong bóng tối để đi cùng với sự phát triển của thế giới. Nếu Nga kế thừa di sản sau Liên Xô sụp đổ thì những thành viên UPA cũng “kế thừa” tư tưởng của Adolf Hitler.

Và dĩ nhiên, vì tổ chức này hoạt động ở miền tây Ukraine, nên cũng có sự tham gia của đông đảo người Ukraine. Vì vậy, các thành viên của tổ chức UPA vẫn còn tồn tại trên lãnh thổ Ukraine suốt những năm hậu Thế chiến II đến nay. Thậm chí, ít người biết rằng, chúng còn đã trở thành một phần của quân đội chính quy Ukraine.

Tất nhiên họ đã không còn lấy tên UPA để làm đại diện mà chỉ dùng nó là để tưởng niệm. Thay vào đó, những thành phần cực đoan này tập hợp lại và cho ra đời một tổ chức mới mang tên “Tiểu đoàn Azov” và chỉ huy đầu tiên của tiểu đoàn cũng này là người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan, Andriy Biletsky.

Andriy Biletsky, chỉ huy đầu tiên của “Tiểu đoàn Azov”.

Ngày 12/11/2014, Azov đã được hợp nhất vào Vệ binh quốc gia Ukraine. Bất chấp việc Tiểu đoàn Avoz trước khi được hợp nhất đã rất nổi tiếng trước những cáo buộc về hành động tra tấn và tội ác chiến tranh, cũng như truyền bá các hình ảnh tư tưởng của phát xít. Nhìn vào quân lính Avoz, chúng ta sẽ thấy bóng hình phát xít đã quay trở lại. Và đáng chú ý cũng vào năm 2014, một phát ngôn viên của tiểu đoàn Avoz đã tuyên bố, có gần khoảng 10–20% đơn vị Avoz là tân Quốc xã.

Vào năm 2015, phát biểu trong một chương trình truyền hình, Đại sứ Ukraine tại Đức Andriy Melnyk đã từng tuyên bố, những “phần tử phát xít mới” là một phần của quân đội Ukraine. Ông Andriy Melnyk khi đó đang tham gia chương trình truyền hình của MC Günther Jauch, trong một trong những chương trình đối thoại về chính trị nổi tiếng nhất tại Đức. Và khi trả lời cho câu hỏi về sự hiện diện đông đảo của “những kẻ lạ mặt” mang phù hiệu chữ thập của phát xít Đức trong quân đội Ukraine, ông Andriy Melnyk đã trả lời rằng đó chính là Azov: “Đó là các phần tử theo chủ nghĩa phát xít cực hữu và là một phần của lực lượng vũ trang Ukraine”. Tuy nhiên, họ vẫn chịu sự kiểm soát và điều phối của chính quyền Kiev. Kiev cần họ, vì nếu không có họ, lực lượng quân đội Nga đã “tiến xa” hơn nữa vào lãnh thổ Ukraine.

Đại sứ Ukraine tại Đức Andriy Melnyk

Thực chất, mầm mống phát xít ngày trước bây giờ đã được chính quyền Kiev tận dụng như một quân bài để chống lại Nga. Họ mang tư tưởng “bài Nga” nên có động lực rất mạnh, và vì thế cũng rất hữu dụng. Chỉ cần tìm cách châm dầu vào lửa cũng đủ để chiến sự nổ ra. Việc sở hữu “Tiểu đoàn Avoz”, không khác gì đang sở một đội quân hiếu chiến. Và chính vì hiếu chiến nên cũng chính họ là kẻ đã nhẫn tâm gây ra vô số thương vong trên khắp miền đông Donbass Ukraine, như những gì mà Tổng thống Nga Vladimir Putin nói về thực trạng ở Donbass những năm qua.

Ông Putin nói: “Trên thực tế, không một ngày nào trôi qua mà không có các cuộc pháo kích nhắm vào các thị trấn và làng mạc ở Donbass miền đông Ukraine, những nơi vốn không phải tiền đồn quân sự mà chỉ là nhà cửa của thường dân.

… Một nhóm lớn quân đội liên tục sử dụng máy bay không người lái để tấn công; dùng cả thiết bị hạng nặng, tên lửa, pháo và nhiều bệ phóng tên lửa. Việc giết hại dân thường, ngược đãi người dân; không tha kể cả trẻ em, phụ nữ và người già, vẫn tiếp tục không suy giảm. Không có kết thúc trong suốt những năm qua.”

Tiểu đoàn Azov.

Sự thật là chúng ta không thể tránh né được tồn tại của phát xít trong quân đội Ukraine. Việc đó cũng lý giải cho vì sao mà cuộc xung đột ở Donbass lại kéo dài đến 8 năm nay, cũng như các cuộc thảm sát nhắm vào dân thường liên tục được ghi nhận tại đây. Chỉ những phần tử cực đoan mới đủ nhẫn tâm nhắm vào thường dân, những người mà trước đó cũng là một phần máu thịt của Ukraine.

Sự trỗi dậy như “nấm sau mưa” của tân phát xít tại Ukraine

Những tưởng câu chuyện chỉ dừng lại ở đó, nhưng không. Các phần tử phát xít không chỉ có mặt trong quân đội chính quy Ukraine, mà dần dà còn thành công gây ảnh hưởng lên chính quyền Kiev khi đó. Tháng 11/2014, Nga đã đề xuất với Liên Hiệp Quốc một nghị quyết “lên án bất kỳ những ai có những hành vi tôn vinh chủ nghĩa phát xít”. Và chính Ukraine là một trong 3 nước hiếm hoi bỏ phiếu chống lại nghị quyết này; đồng thời Kiev cũng lên tiếng chối bỏ tội ác chiến tranh mà Đức Quốc xã gây ra.

Dù vậy, Liên Hiệp Quốc vẫn thông qua nghị quyết của Nga với 115 phiếu thuận, 3 phiếu chống và 55 phiếu trắng. Tuy nhiên, nó cho thấy một mầm mống nguy hiểm khi các phần tử phát xít đã tiến sâu hơn vào chính quyền Ukraine.

Các phần tử phát xít như Tiểu đoàn Azov+ đã tiến sâu hơn vào chính quyền Ukraine.

Sự chi phối của phát xít đối với xã hội Ukraine thấy rất rõ. Vào tháng 4/2015, Bộ Giáo dục và khoa học Ukraine đã trực tiếp bổ sung sửa đổi sách giáo khoa lịch sử lớp 11. Sách giáo khoa mới của Ukraine sau khi chỉnh sửa đã viết rằng: “Nga là đội quân xâm lược cầm đầu bè lũ tay sai đang xâm lược Tổ quốc Ukraine. Chúng phá hoại đất nước, chúng giết hại thường dân Ukraine. Và quân đội nước này đang phải gồng mình trong cuộc chiến tranh nhân dân chống lại nước Nga xâm lược”.

Quyết tâm dạy dỗ giới trẻ Ukraine để họ ôm lòng thù hận nước Nga, người Nga thấy rất rõ trong các chương trình giáo dục Ukraine. Để giờ đây, những người trẻ tuổi Ukraine, xem quá khứ gắn với nước Nga Sa Hoàng, với Liên Xô và Liên Bang Nga đều là những “quá khứ nhục nhã” cần phải phế bỏ. Họ thẳng tay kéo đổ tượng đài lãnh tụ Liên Xô Vladimir Lenin trong tiếng hò vang, mà đâu biết rằng, đó là một phần lịch sử huy hoàng của Ukraine. Họ còn tin rằng lịch sử của Ukraine phải được lớp trẻ Ukraine ngày nay viết lại, để không còn liên quan gì với nước Nga. Tuy nhiên, họ sẽ viết lại như thế nào khi giờ đây trong lòng họ ngập tràn sự thù hằn với người Nga. Chỉ có một con đường để họ thực hiện hóa nó, đó là bài trừ Nga.

Trong số những bức tượng bị phá bỏ còn có tượng của Nguyên soái Mikhail Kutuzov, một vị tướng nổi tiếng của nước Nga đã đánh bại quân đội Napoleon vào năm 1812. Họ làm như thể những gì liên quan tới nước Nga đều cần phải bị bài trừ.

Tượng Nguyên soái Mikhail Kutuzov bị phá hủy.

Tân Phát Xít Ukraine không phải tự nhiên mà lớn mạnh được như ngày nay. Nó vốn đã có một thời gian dài lột xác và lớn lên dưới sự hậu thuẫn của phương tây, nhưng đáng trách nhất vẫn là do sự nhu nhược của chính quyền Kiev. Nắm tổ chức này trong tay không khác gì nắm một con dao hai lưỡi, không cẩn thận để cho tổ chức này nắm luôn cả quyền chi phối quốc gia.

Để giờ đây khi Nga buộc phải hành động để dập tắt mối nguy với họ, thì người khổ nhất chính là nhân dân Ukraine.

Nhưng thật ra, cuộc chiến giữa Nga và Ukraine vốn đã bắt đầu từ lâu…

“Tuyên chiến” với Moskva

Vào tháng 4/2015, Quốc hội Ukraine đã tuyên chiến Moskva, bằng cách chính thức thông qua một điều luật quốc gia, về việc “lên án và cấm tuyên truyền quảng bá tư tưởng và các biểu tượng của chủ nghĩa Phát xít và Cộng sản”, chính thức đánh đồng chủ nghĩa cộng sản với phát xít. Ở Kiev khi đó, nhiều người trong đó có cả quan chức Ukraine ra sức tuyên truyền với giới trẻ Ukraine “công nhận chế độ Cộng sản 1917-1991 (tức chỉ Liên Xô) là tội phạm khủng bố nhà nước, tương đương với chế độ Phát xít độc tài.”

Việc chính quyền Kiev bôi nhọ hình ảnh Liên Xô, đã tạo một khoảng trống cho chế độ phát xít tự do phát triển. Chúng bóp méo truyền thông, công kích tư tưởng người dân Ukraine và thổi bùng ngọn lửa thù hận với Nga.

Do đó, việc cáo buộc các phần tử cực đoan như lời của Nga là hoàn toàn có cơ sở. Điều này cũng giải thích cho việc vì sao Tổng thống Nga Vladimir Putin lại kêu gọi quân đội Ukraine hãy đứng lên, đừng phục vụ cho những kẻ cực đoan chống lại Ukraine. Ông Putin nói rằng: “Một lần nữa, tôi kêu gọi các quân nhân thuộc các lực lượng vũ trang Ukraine rằng đừng cho phép những người theo chủ nghĩa tân phát xít và những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan Ukraine sử dụng vợ, con cái và người lớn tuổi của bạn làm bia đỡ đạn. Hãy lên nắm quyền, chúng ta sẽ dễ dàng đạt được thỏa thuận hơn”.

Chính vì phát xít ở Ukraine không ngừng lớn mạnh. Từ quân đội cho đến chính quyền. Nên vì thế chiến dịch đặc biệt của ông Putin mới có mục tiêu là “phi quân sự” hóa Ukraine. Ra đòn trước khi các phần tử cực đoan này dùng tư trang quân đội Ukraine để tấn công vào Nga.

Việc làm của Nga ngày hôm nay đúng hay sai, hãy để cho lịch sử phán xét. Chúng ta chỉ có thể chắc chắn rằng Ukraine không phải là một đất nước phát xít kiểu như Đức Quốc xã. Song, không thể phủ nhận “mầm mống phát xít” tồn tại trong lòng Ukraine và đã lớn dần suốt những năm qua. Từ việc ban đầu chỉ là “quân cờ” dùng để chống Nga, chúng dần đi được vào sâu nội bộ chính quyền Ukraine. Và nếu một ngày nào đó, nếu thực sự xuất hiện một “Adolf Hitler của Ukraine”, thì thế giới chắc chắn sẽ được diện kiến một nhà nước phát xít mang tên Ukraine.

Huy Hoàng

Bài mới
Đọc nhiều