+
Aa
-
like
comment

Sự thật về người phụ nữ ”2 lần mang thai không phải do quan hệ vợ chồng”

17/11/2021 11:00

Kể từ khi có thai, Thương khẳng định với mọi người rằng, việc chị ta mang thai là do Chúa gửi đến chứ không phải do quan hệ vợ chồng, và tự nhận mình có khả năng chữa bệnh.

Theo điều tra của Công an tỉnh Lâm Đồng, suốt một thời gian dài, từ một giáo dân bình thường, Têrêsa Nguyễn Thị Thương (1975, trú P. 1, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) đã dựng lên các nhóm: “Bầu khấn”, “Chúa Cha” và hiện tại là nhóm: “Trừ quỷ Bảo Lộc”.

Nguyễn Thị Thương tổ chức hoạt động chữa bệnh mang màu sắc mê tín dị đoan, phản khoa học, mặc cho sự phản ứng của cộng đồng, sự nhắc nhở, răn đe của Tòa Giám mục Đà Lạt và sự thuyết phục của chính quyền. Vậy Thương là ai, những ai tiếp tay cho Thương có các hành động đi ngược lại giáo lý của giáo hội.

Khoảng cuối năm 2012, Nguyễn Thị Thương cùng chồng là Trần Vũ Lê Thanh Quảng (1974) đến giáo xứ Đa Gu Ri (Bình Thuận) nhờ Linh mục quản xứ Nguyễn Đức Quang đặt tay có thai. Kể từ khi có thai, Thương khẳng định với mọi người rằng, việc chị ta mang thai là do Chúa gửi đến chứ không phải do quan hệ vợ chồng, Thương gọi đó là “thai Thánh”. Cũng từ đây chị ta tự nhận được ơn hiệp thông với Chúa cha nên có khả năng chữa bệnh, trừ quỷ…

Thương còn khoe rằng, Chúa cha đã chọn Thương làm thư ký, giúp việc cho linh mục Nguyễn Chu Truyền (nguyên quản hạt, quản xứ Bảo Lộc), là người được Chúa cha chọn làm Giám mục thời kỳ cuối cùng, người trừ quỷ vương. Đáng nói, vợ chồng Thương – Quảng có 4 người con, trong đó có 2 người con họ thừa nhận là do linh mục Nguyễn Chu Truyền đặt tay để được có thai (gọi là thai thánh). Chính ông Quảng cũng xác nhận, việc vợ ông có con không phải là kết quả của quan hệ vợ chồng.

Trước đó, từ tháng 7-2012, Thương cùng khoảng 40 giáo dân đều là những người hiếm muộn con thành lập nhóm “Bầu khẩn” sinh hoạt tại nhà riêng của Thương tại P. 1 (TP Bảo Lộc) và Thương gọi nơi này là “Nhà Chúa cha”.

Vào chiều thứ 3 hàng tuần, nhóm này đi các giáo xứ thuộc hạt Bảo Lộc để xin lễ cầu nguyện được có con. Năm 2013, Thương xin linh mục Nguyễn Hữu Duyên (quản hạt, quản xứ Bảo Lộc) cho nhóm “Bầu khấn” được sinh hoạt tại giáo xứ Bảo Lộc nhưng linh mục Duyên không công nhận, không cho sinh hoạt tại nhà thờ Bảo Lộc.

Đến tháng 8-2015, ngay khi được Tòa giám mục (TGM) Đà Lạt bổ nhiệm giữ chức vụ quản hạt Bảo Lộc thay linh mục Duyên, linh mục Nguyễn Chu Truyền đã nhận Thương làm con thiêng liêng và đổi tên thành Nguyễn Chu Thiên Thương.

Cảnh chữa bệnh ma mị cuả Nguyễn Thị Thương và nhóm “Trừ quỷ Bảo Lộc”.

Được linh mục quản xứ đỡ đầu, tháng 1-2016, Thương đứng ra thành lập nhóm “Chúa cha” với khoảng 30 giáo dân trong và ngoài tỉnh tham gia. Thời gian đầu linh mục Truyền tham gia sinh hoạt cùng nhóm tại nhà riêng của Thương vào mỗi buổi chiều hàng ngày nhưng từ tháng 2-2017, vị linh mục này đã cho nhóm “Chúa cha” đến sinh hoạt tại nhà thờ Bảo Lộc vào chiều thứ 3 hàng tuần. Tại những buổi sinh hoạt này, Thương tổ chức đọc kinh và cầu nguyện chữa bệnh, trừ quỷ.

U mê hơn nữa, ngày 28-2-2017, Thương trực tiếp đến TGM Đà Lạt gửi cho Giám mục Vũ Huy Chương 1 bức thư trình bày việc chị ta có khả năng hiệp thông với Chúa và Chúa cha lựa chọn linh mục Nguyễn Chu Truyền là nhà tiên tri, là thánh sống, còn Thương là thư ký của Chúa cha trong thời cuối cùng, Chúa cha muốn Thương làm con gái của linh mục Truyền. Sau đó, vào các ngày 10 và 12-3-2017, Thương cùng số đối tượng tham gia nhóm “Chúa cha” đến gặp Giám mục Chương tại Ki Tô Viện Lộc Thanh (TP Bảo Lộc) để xin được công nhận nhóm này nhưng đã không được Giám mục Chương chấp nhận.

Với linh mục Nguyễn Chu Truyền, tự nhận mình có khả năng chữa bệnh bằng nhân điện, tin theo lời “Chúa cha” từ miệng Thương mà vị này đã giúp sức đắc lực vào việc chữa bệnh ma mị, phản khoa học của Thương.

Với những việc làm trái với đạo lý, sai với giáo lý, tháng 8-2017, TGM Đà Lạt ra quyết định cách chức quản hạt, quản xứ Bảo Lộc, điều chuyển linh mục Nguyễn Chu Truyền về làm quản xứ Thánh Mẫu – Đà Lạt và ra thông báo đến các linh mục quản xứ trong giáo phận cấm nhóm “Chúa cha” sinh hoạt tại nhà thờ.

Cảnh chữa bệnh ma mị cuả Nguyễn Thị Thương và nhóm “Trừ quỷ Bảo Lộc”.

Ngày 31-5-2020, sau khi khánh thành “Nhà Chúa cha” tại nhà riêng của Thương và Quảng, nhóm này sử dụng nơi đây làm địa điểm chính để hoạt động tôn giáo trái phép và chữa bệnh trừ quỷ với tên gọi nhóm “Trừ quỷ Bảo Lộc”.

Ngày 6-6-2020, TGM Đà Lạt ra thông cáo nhận định và quyết định liên quan đến hoạt động của nhóm “Trừ quỷ Bảo Lộc”. Thông cáo này chỉ ra, dù được nhắc nhở, cấm trừ quỷ nhưng Thương và nhóm “Trừ quỷ Bảo Lộc” vẫn tiếp tục tổ chức trừ quỷ và còn đưa lên mạng những clip trừ quỷ để quảng bá, lôi kéo.

Ngay sau khi thông cáo ngày 6-6-2020 của TGM Đà Lạt có hiệu lực, nhóm “Trừ quỷ Bảo Lộc” liên tục đăng tải nhiều video clip lên Youtube phản đối quyết định của TGM Đà Lạt, biện minh cho những việc làm sai trái của nhóm, phê phán giáo hội, công kích Bản quyền mà trực tiếp là Giám mục Nguyễn Văn Mạnh và Ban tư vấn hội đồng linh mục giáo phận Đà Lạt.

Ngày 7-10-2020, TGM Đà Lạt tiếp tục có thông cáo lần 2 về việc áp dụng vạ cấm chế đối với Nguyễn Thị Thương và nhóm “Trừ quỷ Bảo Lộc”. Theo đó, Thương bị cấm tham dự vào Thánh lễ và các nghi lễ vì đã tự xưng là “lời Chúa cha”, lún sâu trong sai lầm giáo lý đức tin. TGM Đà Lạt cũng gửi thư định hướng cho Thương nhưng nhóm này không chấp hành.

Đối với linh mục Nguyễn Chu Truyền, ngày 25-9-2020, TGM Đà Lạt đã ra quyết định giải nhiệm chức vụ quản xứ Thánh Mẫu (TP Đà Lạt), buộc linh mục Truyền về tu tại Đan viện Châu Sơn – Đơn Dương, không được điều hành công tác mục vụ, làm lễ, không được tiếp khách, hạn chế đi lại… nhưng vị này không chấp hành.

Không chấp nhận việc làm xa rời giáo lý, đi ngược lại các giáo huấn của Giáo hội, ngày 6-12-2020, TGM Đà Lạt ra thông cáo gửi các linh mục giáo phận Đà Lạt quyết định áp dụng vạ huyền chức “treo chén” đối với linh mục Nguyễn Chu Truyền.

Nghĩa là, ông Truyền không được thực hiện chức năng linh mục vì đã không tuân phục Giám mục giáo phận, tự ý rời Đan viện Châu Sơn đến ở “nhà Chúa cha”; tham gia nhóm “Trừ quỷ Bảo Lộc” mà không xin phép Giám mục, sai lạc về giáo lý, đức tin, tự tách mình ra khỏi Hội thánh và linh mục đoàn giáo phận Đà Lạt.

(Còn nữa)

Khai Tâm

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều