+
Aa
-
like
comment

Sự thật về đôi tay biến dạng và sự xuyên tạc kinh khủng của truyền thông bẩn

09/09/2019 22:16

Mấy hôm nay, trên Facebook lan truyền tấm ảnh một nhà báo đại lục giơ cao đôi tay dị dạng, như một bằng chứng không thể chối cãi về tội ác dùng nhục hình tra tấn của công an Trung Quốc. Người đàn ông trong ảnh là ai? Và chân tướng vụ việc thế nào vậy?

Thật ra, vụ án oan này đã được làm rõ từ tháng 3-2013, nhưng từ đó tới nay, tấm hình năm xưa thỉnh thoảng vẫn được lôi ra để đả kích bộ máy tư pháp khắc nghiệt và thiên lệch của Trung Quốc. Tốt hơn hết, ta hãy cùng ôn lại nó từ đầu…

truyenthongban
Ông Thường Lâm Phong với đôi tay biến dạng và ảnh chụp từ năm 2013.

1- NHÂN VẬT VÀ SỰ KIỆN

Nhân vật trong ảnh là Thường Lâm Phong 常林鋒 (Chang Linfeng), nguyên Phó tổng biên tập Báo điện tử Trung quốc (China Electronics News).

Vụ việc xảy ra khoảng 5:00 sáng ngày 16-5-2007, là lúc trong khuôn viên tòa nhà Đại học Tài chính Bắc Kinh bị bốc cháy đùng đùng. Đội cứu hỏa có mặt lúc 5:14′. Bốn phút sau, đám cháy được khống chế. Khi nhân viên cứu hỏa kiểm tra các căn hộ trong tòa nhà thì phát hiện có một xác chết trong góc cầu thang tầng 1, liền báo công an.

Thi thể được xác nhận tên Mã Yến, 42 tuổi, nữ giảng viên Đại học Tài chính Trung ương, sống ở tầng 3 tòa nhà. Nhiều bộ phận của thi thể đã bị carbon hóa, nhưng vẫn đủ điều kiện tiến hành khám nghiệm tìm hiểu nguyên nhân tử vong.

Theo báo cáo xét nghiệm, không tìm thấy ethanol hay carbon monoxide trong máu, nên có thể kết luận nguyên nhân tử vong không phải do ngạt thở bởi đám cháy. Ngoài ra, nạn nhân còn bị gãy xương móng (khúc xương hình móng ngựa phía trước cổ, ở giữa cằm và sụn giáp – tiếng Latin gọi “hyoid bone”), nhưng không tìm thấy vật thể lạ nào trong khí quản. Điều bất thường nữa là vị trí tìm thấy thi thể: không ai lại chui vô góc cầu thang khi nhà đang cháy cả.

Từ những nghi vấn trên, vụ cháy được cho là có kẻ cố ý gây nên, nhằm tiêu hủy bằng chứng giết người.

Có ba nạn nhân khác được cứu trong đám cháy, một trong số đó là chồng người chết – Thường Lâm Phong, 43 tuổi, Phó tổng biên tập Báo điện tử Trung quốc.

Phong khai, mình về nhà lúc khuya (23 giờ 30) ngày 15-5. Rạng sáng hôm sau, khi ngọn lửa bốc cao, Phong tỉnh dậy và lay gọi vợ. Cả hai chạy từ tầng 3 xuống tầng 2 tòa nhà. Nhưng thấy ngọn lửa hoành hành dữ dội, không thể chạy xuống được, Phong chạy ngược trở lên căn hộ người bạn ở tầng 5. Trong lúc kinh hoàng chạy tháo thân, anh và vợ thất lạc nhau hồi nào không hay.

Lời khai của Thường Lâm Phong được coi là đáng ngờ. Bởi qua điều tra, công an nắm được các thông tin bất lợi cho Phong. Thường Lâm Phong và Mã Yến kết hôn năm 1988. Hai người sinh một con trai, nhưng đứa bé mắc bệnh tự kỷ bẩm sinh, phải gửi điều trị ở Thanh Đảo. Bệnh tình đứa con khiến hai vợ chồng thường xuyên hục hặc. Đã vậy, Phong lại có tình nhân trẻ ở Thanh Đảo. Nói gọn lại, công an có đủ căn cứ để quy cho Thường Lâm Phong là nghi phạm số một của vụ cháy. Nên ngày 29-6-2007, có lệnh bắt giữ Phong.

2- QUÁ TRÌNH XÉT XỬ

Tháng 5-2010, Tòa án Trung cấp Bắc Kinh xử sơ thẩm. Trước tòa, Thường Lâm Phong khai: Lúc khuya 15-5-2007, vợ chồng họ xảy ra cự cãi. Một người bạn của Mã Yến ở Thâm Quyến tới Bắc Kinh để chữa bệnh cho con, muốn nhờ họ cho tá túc vài bữa. Nghe vợ thuật lại, Phong chỉ ậm ừ, không ra đồng ý cũng không ra phản đối, nên Yến đã lớn tiếng chất vấn, Phong nổi nóng cự lại, hai người gây lộn rồi đánh nhau. Phong lỡ tay làm vợ chết. Đêm đó, gió lộng ào ào, khiến Phong nảy ra ý đồ phi tang xác chết bằng cách đốt nhà. Anh ta mang xác vợ xuống tầng 1, nhét vô góc cầu thang rồi châm lửa. Không may, Phong không kịp thoát ra ngoài, phải chạy lên tầng 5 tránh lửa…

Tội trạng giết người và cố ý phóng hỏa đã rành rành, nên tòa sơ thẩm tuyên án tử hình. Nhưng sau đó Phong kháng cáo và phản cung, anh trưng ra bằng chứng cho thấy mình bị công an bức cung, vụ án phải được tái thẩm.

Ngày 23-3-2011, Tòa án Nhân dân cấp cao Bắc Kinh xử phiên tái thẩm, vẫn giữ nguyên cáo trạng như tòa sơ thẩm. Án lệnh tử hình sẽ được thực thi hai năm sau đó.

56899630_2304479372967411_326128364412731392_n

3- NHỮNG MÂU THUẪN TRONG LỜI KHAI CỦA BỊ CAN

Trong hai năm tạm hoãn tử hình, luật sư của bị can là Triệu Vận Hằng 趙運恒 ráo riết truy tìm chứng cứ thân chủ mình vô tội.

Hằng lập luận: nếu cố ý đốt nhà, Phong đã không thể bị bỏng nặng đến nỗi tòa phải tạm gác án tử hai năm, chờ khi bị can hồi phục mới thi hành án. Đã vậy, lời khai của Phong lại bất nhất, nhiều chỗ mâu thuẫn nhau, qua đó cho thấy anh đã bị cả mớm cung, tráo cung lẫn bức cung.

Ngày 26-9-2007, Thường Lâm Phong bị biệt giam, có 6 công an hình sự luân phiên thẩm vấn anh. Nếu trước đó Phong luôn khăng khăng mình vô tội, thì chỉ hai ngày sau khi biệt giam, lời khai của anh bắt đầu chuyển sang khuynh hướng nhận tội, khiến nảy sinh nhiều tình tiết mâu thuẫn.

Cụ thể là trong biên bản thẩm cung lập ngày 28-9-2007, Phong khai mình bóp cổ vợ bằng cả hai tay, nhưng sau đó lại khai bóp cổ vợ bằng tay phải là cánh tay thuận, còn tay trái để ghì tay vợ. Về vị trí đặt thi thể Mã Yến, các lời khai của Phong đều khác nhau. Về cái bật lửa dùng phóng hỏa, khi thì Phong khai đã ném vô đống lửa, lúc lại nói đã giấu nó trong căn hộ riêng; và không ai tìm thấy bật lửa đó.

Về vụ cháy, Phong khai lúc 3:00 sáng, mình châm lửa cả bốn góc, “ngọn lửa bốc cao tới bàn mạt-chược” (góc cầu thang lầu 1 được người trong tòa nhà dùng làm chỗ chơi mạt-chược). Sau đó, anh trở về căn hộ riêng, chờ tới hai tiếng sau, khi có tiếng tri hô mới tông cửa chạy ra. Luật sư Triệu Vận Hằng sau đó đích thân điều tra, tìm ra bốn người chơi mạt-chược đêm hôm 15-5. Những nhân chứng này cho biết họ đã chơi đến hơn 3:00 sáng 16-5-2007. Trong bọn có hai người nghiện thuốc lá, nên có thể do những mẫu tàn thuốc của hai người này mà gây nên đám cháy. Với khả năng đó, tòa không thể khẳng định chính Thường Lâm Phong là người trực tiếp châm lửa đốt nhà.

Ngay từ đầu vụ án, rõ ràng phía công an đã xác định sẵn tội danh cho Phong, nên cố ý bỏ qua những tình tiết mâu thuẫn trong lời khai của nghi phạm. Ở phiên tòa tái thẩm, Thường Lâm Phong cũng cho biết công an đã nhân lúc tâm thần anh hỗn loạn để mớm cung. Họ dụ dỗ: Nếu “thành thật khai báo”, Phong sẽ được đưa đi bệnh viện, điều trị những vết bỏng nặng đang hành hạ anh từng giờ.

Ngay cả cái chết của Mã Yến, tuy không có dấu hiệu tự tử, nhưng điều đó không có nghĩa chị bị sát hại, vì vẫn còn khả năng chị té ngã lộn cổ xuống góc cầu thang, trong lúc hoảng loạn tìm đường trốn thoát ngọn lửa.

56825551_2304479339634081_2988427197900914688_n

4- LẬT LẠI BẢN ÁN

Trước những lập luận và chứng cứ do luật sư đưa ra, ngày 15-4-2011, Tòa án tối cao thành phố Bắc Kinh tuyên bố hủy bỏ các bản án trước đó vì không đủ chứng cứ buộc tội. Vụ án được lật lại để điều tra làm rõ.

Vụ án Thường Lâm Phong đã được tái thẩm, nên không thể đưa ra xử lại cùng một vụ án (theo quy định của Luật Tố tụng Hình sự Trung quốc), ngày 20-3-2013, Tòa tối cao Bắc Kinh phải đưa ra phán quyết trực tiếp: Do không đủ chứng cớ buộc tội Thường Lâm Phong, tội danh không thể thành lập, tòa tuyên bố Phong vô tội.

Thân chủ được tha bổng, nhưng Triệu Vận Hằng vẫn không lấy làm hài lòng. Theo ông, Thường Lâm Phong đã bị giam giữ gần 6 năm (hơn 2.000 ngày). Kể từ khi thụ lý cho đến khi có phán quyết trực tiếp của Tòa án Tối cao, tổng cộng thời gian xét xử là 640 ngày, vượt gấp 3 lần thời hạn quy định của Luật Tố tụng Hình sự.

Những vết bỏng nghiêm trọng của Thường Lâm Phong đã không được điều trị bình thường, khiến giờ đây anh không còn cả khả năng tự chăm sóc bản thân. Nhưng không ai phải chịu trách nhiệm về những tổn thất thể chất và tinh thần của Phong. Đã vậy, nguyên nhân vụ cháy tòa nhà chúng cư Đại học Tài chính Bắc Kinh mãi vẫn không được làm rõ nguyên nhân, khiến tội danh của Phong còn treo lơ lửng…

56842731_2304479426300739_6329588935857012736_n

5- TẤM ẢNH ĐÔI TAY BIẾN DẠNG VÀ QUYỀN TỰ DO NGÔN LUẬN

Đến đây, sự thực về đôi tay biến dạng khủng khiếp của Thường Lâm Phong vậy là đã rõ. Ảnh này được chụp lúc Phong ra tòa lần đầu tiên. Đôi tay anh bị vặn vẹo thành như hai củ rễ cây là bởi tai nạn hỏa hoạn, không phải do công an Trung Quốc tra tấn. Người ta có thể kết án công an Trung quốc tàn độc, không cho Phong được chạy chữa kịp thời, nhưng không thể quàng cho họ tội danh tra tấn bẻ vặn tay Phong.

Sau nhiều lần phẫu thuật, đôi tay của Thường Lâm Phong giờ đây khôi phục phần nào, đã có thể thực hiện những động tác căn bản. Vậy mà sau gần chục năm, vẫn có kẻ đưa tấm ảnh lên Facebook, dùng nó chứng minh tội ác chống nhân loại của nhà cầm quyền Bắc Kinh.

Nay đã là thế kỷ XXI, thời đại công nghệ thông tin lan tỏa toàn cầu. Tôi không nói Cộng sản Trung quốc giờ đây đã nhân đạo hơn, nhưng chắc chắn chúng không còn có thể tùy tiện áp dụng những đòn tra tấn man rợ thời Trung cổ như hồi Cách mạng Văn hóa.

Chúng ta đòi quyền tự do ngôn luận, nhưng không thể nhân danh tự do ngôn luận để bịa đặt tung tin thất thiệt. Đâu cần phải bắt chước gắp lửa bỏ tay người mới có thể đấu tranh đòi quyền tự do ngôn luận cách hiệu quả!

Nếu quyền tự do ngôn luận không được hỗ trợ bởi tính xác thực 100% của thông tin, thì đó là điều sĩ nhục cho người đấu tranh dân chủ.

Vinhhuy Le

Bài mới
Đọc nhiều