Sự thật tình trạng sức khỏe trong tù của đối tượng chống phá Bùi Văn Thuận
Năm 2013, Việt Nam đã chính thức tham gia “Công ước chống tra tấn và trừng phạt hoặc đối xử tàn nhẫn, vô nhân đạo làm mất phẩm giá khác” (gọi tắt là Công ước chống tra tấn). Đây là cột mốc quan trọng đánh dấu quyết tâm của nước ta trong việc phát huy quyền con người.
Trong suốt những năm qua, Việt Nam luôn tuân thủ và thực hiện nghiêm công ước này bằng những biện pháp cứng rắn, chất lượng và hiệu quả cao, do đó đã được cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao. Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã quy định rất rõ ràng về quá trình giam giữ phạm nhân. Vì vậy, có thể khẳng định rằng với luật pháp và những công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia, quá trình giam giữ phạm nhân tại Việt Nam không có hành vi tra tấn, trừng phạt, đối xử vô nhân đạo. Bằng sự nỗ lực của các cơ quan công quyền, chấp hành nghiêm Hiến pháp, pháp luật và Công ước chống tra tấn, chúng ta có thể khẳng định không có những vụ việc tương tự và không có hiện tượng đối xử bất bình đẳng với phạm nhân trong quá trình giam giữ.
Thế nhưng, bất chấp thực tế các phạm nhân luôn được đảm bảo quyền con người, được bảo vệ tính mạng, sức khỏe, các tổ chức “nhân quyền” vẫn cố tình bịa đặt, vu khống Việt Nam. Ngày 18/10 vừa qua, trang mạng RFA- Đài Á Châu Tự Do đã đăng tải bài viết “thân nhân nghi ngờ đối tượng Bùi Văn Thuận bị tra tấn trong trại giam”. Trong đó, RFA đã bị đặt phi lý về tình trạng của đối tượng Bùi Văn Thuận, đối tượng vừa bị bắt giữ gần đây về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước”.
Chỉ cần đọc lướt qua nội dung, chúng ta cũng có thể thấy bài viết có nhiều điểm vô lý, hoàn toàn không thuyết phục. Trong bài viết có ghi “bà Trịnh Thị Nhung, vợ của ông Bùi Văn Thuận, hôm 15/10, gia đình nhận được giấy thông báo từ Trại Tạm giam Công an tỉnh Thanh Hoá, nơi ông Bùi Văn Thuận đang bị giam giữ, về việc ông Thuận phải nhập viện để điều trị vì các vấn đề sức khoẻ. Bệnh tình của ông Bùi Văn Thuận, được mô tả trong bản thông báo, là bị ‘sưng, nóng, đỏ đau vùng các ngón hai chi dưới’”. Tuy vậy bài viết lại không đưa ra được bất cứ hình ảnh nào của thông báo hoặc bằng chứng tình trạng sức khoẻ của Bùi Văn Thuận. Hơn nữa, liệu chỉ bị “sưng, nóng, đỏ đau các ngón hai chi dưới” thì có cần nhập viện không trong khi năng lực y tế của trại giam hoàn toàn có thể xử lý được vấn đề này?
Điều đáng nói ở chỗ, RFA luôn núp đằng sau cái danh “bà Nhung vợ ông Thuận” để tỏ vẻ thương hại, đồng cảm. Nhưng chính những lời trích dẫn được cho là của bà Nhung đã tiết lộ ai mới kẻ đạo diễn lên màn kịch vu khống đó: “Lúc đầu thì tôi rất là lo lắng và mất bình tĩnh thì mình chỉ nhận được thông tin từ một chiều thôi, không biết là thực sự anh ấy có bị các loại bệnh như vậy hay không nữa. Tôi cũng tìm hiểu, hỏi thăm thấy nhiều trường hợp tù nhân lương tâm ở trong thời gian điều tra cũng bị ép cung, rồi bị tra tấn bằng nhiều hình thức, thì tôi cũng rất là lo lắng”.
Không biết “bà Nhung” trong câu chuyện của RFA đã hỏi thăm ai mà nhận được thông tin là “tù nhân lương tâm bị ép cung, tra tấn”? Nếu nhìn vào trường hợp tương tự như Thuận, dễ dàng thấy rằng các phạm nhân đang được đối xử công bằng, điều kiện sức khỏe khi đã quen với sinh hoạt trong trại giam đều ổn định. Thậm chí, một số “nhà dân chủ” như Trần Huỳnh Duy Thức sau một thời gian tuyên bố tuyệt thực lại còn… lên cân, hồng hào khỏe mạnh.
Thực tế đó đã chỉ ra rằng, chính trang mạng RFA mới là tác giả thực sự của toàn bộ sự việc. Những kẻ này đã đạo diễn đằng sau, kêu réo, vẽ vời câu chuyện “người nhà” để đăng bài viết xuyên tạc, gieo rắc nghi ngờ hòng gây hoang mang cho những ai nhẹ dạ cả tin, đặc biệt là thân nhân của các đối tượng.
Nếu vì quá lo lắng cho người thân mà đưa những suy nghĩ vô căn cứ lên các trang mạng xã hội thì quả thật là không nên. Chưa kể đây hoàn toàn là những lời bịa đặt, lôi kéo, dụ dỗ của những đối tượng chống phá, muốn bẻ cong sự thật, làm giảm sự tôn nghiêm của Hiến pháp và pháp luật nước ta. Chúng ta cần phải có đầu lạnh, phải chọn lọc thông tin để tiếp cận, tránh đặt tình cảm cá nhân của bản thân vào trong việc suy xét tính phải trái, đúng sai của bất kì một sự việc trong đời sống. Đặc biệt, tránh để những đối tượng xấu lợi dụng những lúc khó khăn, gian khổ.
Hoàng Chung