Sự thật thú vị về phong cách ngoại giao “Made in Vietnam”
Từ lâu, Việt Nam đã rất nổi tiếng với nghệ thuật ngoại giao khôn khéo, với những nhà ngoại giao nổi tiếng thế giới như Lê Đức Thọ, Nguyễn Thị Bình, Xuân Thủy, Nguyễn Cơ Thạch, Phạm Bình Minh,… Nhưng không phải ai cũng biết ngoại giao Việt Nam có những điều gì thú vị?
Việt Nam là 1 quốc gia hiếm hoi trong thế kỷ XXI có quan hệ tốt với gần như tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới, bất kể thể chế chính trị, sắc tộc, tôn giáo.
Cân bằng quan hệ với Mỹ và Nga
Có lời đồn rằng: Việt Nam như cô gái có thân hình đường cong chữ S, nhà mặt phố, bố làm to nên anh nào cũng thèm, cũng muốn. Anh nào cũng thích nhưng cô ấy không thuộc về anh nào cả. Và sự thật là như vậy, cho dù Mỹ và Nga có mối quan hệ không mấy tốt đẹp thì Việt Nam luôn được hai nước này xem trọng và có những chính sách ưu đãi, chú ý đặc biệt.
Chơi với cả Hàn Quốc lẫn Nhật Bản
Chắc chắn bạn biết là Hàn Quốc rất ghét Nhật Bản, ghét cay ghét đắng là đằng khác. Hai nước Hàn Quốc và Nhật Bản tuy cùng dưới 1 “cây dù” là Mỹ nhưng mối quan hệ “cơm chẳng mấy lành, canh chẳng mấy ngọt”. Nhưng đối với Việt Nam thì khác, dù Hàn Quốc đầu tư nhiều vào Việt Nam, thiết lập quan hệ tốt với Việt Nam nhưng cũng không vì thế mà Nhật Bản “ghét Việt Nam”, thậm chí còn dành nhiều ưu đãi hơn cho Việt Nam. Như đã nói, Việt Nam là 1 cô gái đẹp, hết mấy anh phương Tây đến các anh châu Á cũng đều thèm muốn.
Làm bạn với cả Triều Tiên
Triều Tiên từng chỉ trích Việt Nam rất nặng nề khi thiết lập quan hệ ngoại giao với Hàn Quốc. Tuy nhiên, sau tất cả, Việt Nam – Triều Tiên vẫn có mối quan hệ tốt đẹp và “âm thầm”. Đối với Hàn Quốc, dù Việt Nam “chơi thân” với Triều Tiên nhưng Hàn Quốc xem đó là một sợi dây gắn kết góp phần thúc đẩy hàn gắn mối quan hệ liên Triều.
Hai quốc gia là kẻ thù không đội trời chung, Việt Nam vẫn chơi tuốt!
Cũng giống như Hàn Quốc và Triều Tiên, thì anh bạn Ấn Độ và anh bạn Pakistan thù nhau như nước với lửa, đe nhau như cơm bữa. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chơi ngon lành mà không có nước nào cảm thấy hậm hực!
Là người anh em của Lào
Ở Việt Nam có câu: “Ngoan thì anh dẫn đi biển”. Bạn hiểu rồi chứ? Quan hệ của Việt Nam với Lào rất tốt đẹp và có chiều sâu. Việt Nam hỗ trợ Lào rất nhiều trong việc xây dựng đất nước, phát triển kinh tế, cơ sở hạ tầng. Ngược lại, Lào luôn ủng hộ Việt Nam về mọi mặt trên trường quốc tế.
Hầu như tổ chức lớn nào cũng có “dấu chân” của Việt Nam
Trên thế giới có rất nhiều tổ chức quốc tế về chính trị – kinh tế nhưng có thể nói đến một số tổ chức sau và những dấu ấn đặc biệt với Việt Nam:
Đầu tiên là Liên hợp quốc: Tổ chức này thì siêu to khổng lồ, tuy nhiên có một điều rất tự hào là 4/5 nước của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc đều từng thất bại trước Việt Nam.
Thứ hai là ASEAN: Ban đầu, ASEAN lập ra là để chống lại sự “bành trướng” của “tiểu bá Việt Nam”. Việt Nam từng hỗ trợ tiêu diệt chế độ diệt chủng Pol Pốt.
Thứ ba là WTO: Mỹ từng tìm mọi cách ngăn cản Việt Nam vào WTO, nhưng sau cùng, Việt Nam vẫn là thành viên của WTO.
Idol Việt Nam ở Châu Phi
Ai cũng biết, Nhật Bản có ô tô, hàng năm họ sản xuất cả triệu chiếc ô tô và đem nó đi khắp thế giới. Ô tô và nền công nghiệp ô tô là niềm tự hào của Nhật Bản. Dĩ nhiên, họ đã đem niềm tự hào đó đến Châu Phi – nơi nổi tiếng bởi hai thứ “Chiến tranh và nghèo đói”. Lẽ dĩ nhiên, ô tô thì không ăn được, người nghèo thì càng không thể mua được ô tô, và dù ô tô có xuất hiện ở châu Phi thì người dân châu Phi vẫn cứ nghèo, vẫn cứ đói! Đó là 1 sự thật!
Người Trung Quốc họ cầm đồng tiền đến châu Phi, dĩ nhiên là thông qua các khoản vay khổng lồ, các khoản vay như một sự hứa hẹn với các chính phủ châu Phi vay tiền về sự thịnh vượng, về cái bánh vẽ khổng lồ sau những khoản vay ấy. Người ta không ngần ngại mà vay tiền của Trung Quốc – thậm chí đó có thể là bẫy nợ công. Nhiều chính phủ vỡ nợ, phải nhượng lại bến cảng, đất đai cho Trung Quốc, người châu Phi vẫn cứ nghèo! Đó cũng là sự thật!
Phương Tây đem gì đến châu Phi? Nói hoa mỹ thì đó là “nhân quyền”, nhưng mỗi khi hai từ “nhân quyền” ấy vang lên có lẽ mỗi người dân châu Phi lại thất kinh, không có thứ gì đắt giá như “nhân quyền” kiểu phương Tây.
Có một nghịch lý là những quốc gia càng có nhiều dầu mỏ thì đó lại là những quốc gia càng thiếu “nhân quyền” – Libya là 1 ví dụ, Mỹ không ngần ngại lật đổ chế độ của Gaddafi, tạo nên một cuộc nội chiến dài đằng đẵng, đưa sự phát triển của Libya trở về con số 0. Nhiều quốc gia khác như Nam Sudan, Ethiopia cũng đang xảy ra nội chiến, tranh giành giữa các phe phái có hoặc không có sự hậu thuẫn của Mỹ và phương Tây… Kết quả là 1 Châu Phi tan tành, đổ nát, cần phải được cứu trợ khẩn cấp. Lẽ dĩ nhiên, châu Phi vẫn đói!
Còn Việt Nam, chúng ta đem đến đó những gì? Có vẻ như một người hùng thầm lặng, chưa bao giờ được truyền thông quốc tế ca ngợi và biết đến nhưng Việt Nam đã làm được những điều mà cả Mỹ, Trung Quốc hay Nhật Bản đều không làm được – đó là độc lập, lúa gạo, y tế, giáo dục và viễn thông. Ba tiếng “Điện Biên Phủ” là tiếng súng mở đầu giúp 17 nước châu Phi giành độc lập, “Việt Nam – Hồ Chí Minh – Điện Biên Phủ” là những gì làm động lực cho người châu Phi tự do. Việt Nam chuyển giao công nghệ nông nghiệp cho các quốc gia châu Phi, giúp họ trồng ra cây lúa gạo, đến bây giờ vẫn còn hàng trăm chuyên gia nông nghiệp Việt Nam ở châu Phi, phần nào giúp người dân châu Phi no bụng. Việt Nam đem đến châu Phi hạ tầng viễn thông giúp liên lạc thông suốt, Việt Nam đem đến châu Phi sự giúp đỡ y tế, những bác sỹ quân y Việt Nam ngày đêm cứu giúp nhân dân châu Phi, những người lính Việt Nam còn là thầy của các em nhỏ châu Phi, dạy họ con chữ, dạy họ biết đến một đất nước Việt Nam xa xôi nhưng luôn đồng hành cùng họ.
Không có ô tô, không có bom mìn, không có nhân quyền, dân chủ. Những món “quà quê” đậm tình nghĩa mà Việt Nam đem đến châu Phi là những thứ người dân châu Phi cần, bởi Việt Nam cũng từng trải qua chiến tranh, đói nghèo, lạc hậu như các quốc gia châu Phi, hơn ai hết Việt Nam hiểu châu Phi – nhân dân châu Phi cần gì, muốn gì và nên làm gì để phát triển, bảo vệ bản thân, đất nước!
Chơi với nước láng giềng Trung Quốc
Mặc dù cô đọng lại trong quan hệ Việt Nam và Trung Quốc là 16 chữ vàng: “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”. Thế nhưng thực tế cho thấy quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc rất chi là lằng nhằng như kiểu nồi áp suất, bên ngoài có vẻ bình thường, thân thiện nhưng bên trong Việt Nam luôn có những sự cảnh giác và đề phòng. Khi gã láng giềng chơi chiêu, âm mưu xâm chiếm lãnh thổ nhà mình thì Việt Nam sẵn sàng chiến đấu, giữ chủ quyền.
Tất cả những điều trên đã làm nên một phong cách ngoại giao “Made in Vietnam” rất riêng và chỉ có Việt Nam thôi.
Theo Tuổi trẻ Thành phố Hồ Chí Minh yêu nước