Sự thật thông tin Hà Nội là thành phố ô nhiễm nhất thế giới
“Chỉ số AQI 182 đo được ở Hà Nội là có thể xảy ra, nhưng chưa thể khẳng định chắc chắn Hà Nội ô nhiễm nhất thế giới”, chuyên gia khẳng định.
Số liệu từ Airvisual, hệ thống đo chất lượng không khí 10.000 thành phố trên toàn cầu thời điểm trưa nay 26/9 cho thấy, Hà Nội đứng đầu về chỉ số AQI là 182, trên cả Hàng Châu, Trung Quốc (AQI là 160) và thủ đô Jakarta của Indonesia (AQI là 155).
Theo quy chuẩn của hệ thống đo chất lượng không khí tại Việt Nam, chỉ số AQI ở mức 0 – 100 (xanh và vàng) là ngưỡng tốt và trung bình; từ 101 – 200 (da cam) mức kém; 201 – 300 là mức xấu và trên 300 là nguy hại.
Như vậy, Hà Nội hiện đang là thành phố có chất lượng không khí ở mức kém, mức cảnh báo nhóm người nhạy cảm bao gồm: người già, trẻ em, người mắc bệnh hô hấp mạn tính có xu hướng thở nhiều cần hạn chế thời gian ở ngoài.
Trước những số liệu trên, GS. TS GS.TS Hoàng Xuân Cơ – làm việc tại khoa Khoa học môi trường và bảo vệ môi trường, Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội cho rằng mặc dù chỉ số chất lượng không khí AQI là 182 có thể xảy ra tại Hà Nội. Tuy nhiên, để phản ánh chính xác thành phố ô nhiễm đến đâu còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau.
GS Cơ cho biết hệ thống đo của AirVisual lấy số liệu quan trắc từ trạm Đại sứ quán Mỹ. Những điểm đặt để đo chất lượng không khí có thể đặt ở rất nhiều nơi khác nhau trên địa bàn Hà Nội, nên con số trên chưa thể khẳng định rằng Hà Nội có thực sự ô nhiễm nhất thế giới hay không.
“Người bình thường không biết thì lạ với chỉ số AQI ở 182, nhưng những người nghiên cứu như chúng tôi thì không hề lạ. Trước hết tôi khẳng định, AQI như trên có thể xảy ra tại Hà Nội. Nhưng để khẳng định Hà Nội có ô nhiễm nhất thế giới hay không còn phải xem xét nhiều yếu tố như: thời điểm, địa điểm, nguồn gây ô nhiễm, thời tiết…”, GS Cơ nói.
Cũng theo GS Cơ, việc AirVisual đo chất lượng không khí trên mục đích là để cảnh báo tại thời điểm nào đó ở một khu vực trên đang xảy ra hiện tượng ô nhiễm, để người dân cẩn trọng.
Ngoài ra, những chỉ số AQI này cũng sẽ thay đổi liên tục hàng giờ, nên không thể dùng con số trên để đại diện cho cả Hà Nội.
Theo GS Cơ, những trạm quan trắc đo chất lượng không khí có thể đặt ở gần đường quốc lộ, công trường xây dựng hoặc thậm chí tại nhưng nơi người dân hay đốt than, đốt củi nên điểm đo ở đó có chỉ số AQI cao là không có gì lạ.
“Thậm chí chúng tôi còn hay nói vui với nhau rằng, có khi chỉ đốt đống rác hoặc một hộ nào đó bán phở đốt than tổ ong mà trạm quan trắc lại đặt gần đó thì tất nhiên chất lượng không khí giảm, có khi AQI lên mấy trăm chứ đâu chỉ gần 200 như hiện tại”, GS Cơ chia sẻ.
Vị chuyên gia môi trường dự đoán, trong thời gian tới, khi không khí lạnh tràn về, có gió mùa thì chất lượng không khí sẽ được cải thiện hơn.
Khả Minh/ VTC News