Sự thật thông tin “Bộ Y tế đặt mua test kit giá cao, không rõ nguồn gốc”
Ngày 28/9 vừa qua, Phạm Minh Vũ đăng tải bài viết nghi ngờ về tính minh bạch trong quá trình Bộ Y tế thu mua test kit COVID-19. Trong bài viết, đối tượng đã cố tình đưa ra những thông tin bịa đặt, sai sự thật được cắt ghép với mục đích công kích, gây hoang mang dư luận.
Cụ thể, trong bài viết của mình Phạm Minh Vũ đã cho rằng những bộ test kit do Bộ Y tế đặt mua đều là “hàng kém chất lượng với mức giá cao bất ngờ”. Y rêu rao: “Bộ Y tế đề xuất mua hơn 105 triệu kit test kháng nguyên và 25 triệu test kit PCR. Mua của Vin mới 25 triệu, mà ngốn gần 2.000 tỉ. Còn 105 triệu test không biết mua của ai và giá cả ra sao?”. Tuy nhiên trên thực tế những bộ test kit được đặt mua này đều có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng do những quốc gia hàng đầu trực tiếp sản xuất như Nhật bản, Hàn quốc, Mỹ, Đài Loan, Pháp,…
Không chỉ vậy, Phạm Minh Vũ còn chỉ trích Bộ Y tế cố tình nâng mức giá lên cao để thu lợi bất chính “Có một điều ta nên biết, giá của mua test nhanh ở Đức bán ở siêu thị chỉ có 0,95€, mua số lượng hàng triệu thì còn rẻ nữa tầm 17k”, “Bộ Y tế ra hẳn văn bản thanh toán tại bệnh viện 238k. Có bệnh viện bán 300k, thậm chí có nơi 400k”.
Để giải đáp vấn đề này, lãnh đạo Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế (Bộ Y tế) cho biết: “Giá test xét nghiệm do doanh nghiệp tự công bố và tự chịu trách nhiệm. Các địa phương có thể tham khảo trong triển khai đấu thầu mua sắm. Bộ Y tế hiện không đàm phán cũng như không kiểm soát giá thiết bị y tế này do chưa có quy định”.
Hiện nay, Bộ Y tế đã cấp phép lưu hành rất nhiều loại test kit COVID-19. Mỗi bộ test riêng có những đặc tính khác nhau nên giá cả cũng có sự khác biệt. Vì vậy, chúng ta không thể đánh đồng tất cả các loại với nhau, cũng như không thể so sánh giá ở các thời điểm khác nhau. Mức giá sẽ phải phụ thuộc cả vào các yếu tố về chất lượng, tình hình diễn biến của dịch bệnh và nhu cầu mua sắm trong nước và ngoài nước.
Cùng với đó, để đảm bảo tính công khai, minh bạch, Bộ Y tế đã 9 lần công bố danh sách sinh phẩm/trang thiết bị y tế chẩn đoán In Vitro xét nghiệm SARS-CoV-2 đã được cấp số đăng ký lưu hành, cấp giấy phép nhập khẩu. Kèm theo đó là các thông tin về đơn vị sản xuất/nhập khẩu, thông tin tóm tắt hiệu năng sản phẩm, khả năng cung ứng và giá bán do đơn vị sản xuất, cung ứng tự công bố và chịu trách nhiệm.
Hơn thế nữa, trong bài đăng Phạm Minh Vũ còn đưa ra quan điểm “Chúng ta nên hiểu rằng, tiêm Vx mới là chốt chặn hiệu quả, nhưng CP phớt lờ chuyện mua Vx Mỹ- Âu để mua Vx của TQ có lại quả vô cùng lớn.” Tuy nhiên, sự thật ở đây lại hoàn toàn trái ngược. Tính đến nay tại Việt Nam, đã có hơn 51 triệu liều vaccine được phân bổ cho người dân. Như chúng ta đã biết, các loại vaccine COVID-19 nhập về Việt Nam bao gồm đủ các chủng loại, hãng sản xuất: AstraZeneca, Gam-COVID-Vac, Vero Cell, Pfizer.. Những loại vaccine được cấp phép sử dụng tại đều trải qua quá trình nghiêm cứu, thử nghiệm cũng như đã được WHO chứng nhận, do đó hoàn toàn không có chuyện “vaccine kém chất lượng” hay “Chính phủ cố tình phớt lờ chuyện mua vaccine Mỹ – Âu” theo như lời đối tượng.
Từ sau khi phát hiện ca dương tính virus SAR-CoV-2 đầu tiên tại Việt Nam, Bộ Chính trị đã khẩn tương vào cuộc, chỉ đạo các cấp, ngành tập trung cao nhất cho công tác phòng, chống dịch bệnh với tinh thần “chống dịch như chống giặc. Đồng thời, để có thêm nguồn vaccine, thời gian qua Chính phủ đã chủ động, không ngừng cố gắng, tìm kiếm thêm nhiều nguồn, kêu gọi sự ủng hộ, giúp đỡ của nhiều quốc gia khác trên thế giới, trong đó có cả Liên Hợp Quốc thông qua Cơ chế COVAX.
Qua đó, Việt Nam đã có cam kết và ký hợp đồng khoảng 105 triệu liều vaccine phòng COVID-19, trong đó có 38,9 triệu liều do COVAX tài trợ, 30 triệu liều AstraZeneca ký hợp đồng với Công ty cổ phần Vaccine Việt Nam VNVC, 31 triệu liều Pfizer ký với Chính phủ, 5 triệu liều Moderna ủy quyền cho công ty Zuellig Pharma Việt Nam và đang trong quá trình đàm phán mua thêm 55 triệu liều nữa.
Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta không chỉ chiến đấu với virus SAR-CoV-2 nguy hiểm mà còn là “virus tin giả” của những đối tượng chống phá đất nước. Bề ngoài, chúng tỏ vẻ là “nhân danh công lý”, “giúp đỡ dân dân” nhưng thực tế thì chỉ biết ra sức phá hoại, tung ra những thông tin xuyên tạc, bịa đặt gây hoang mang dư luận mà thôi. Nếu thực sự lo cho dân thì sẽ không bao giờ làm như vậy.
Những luận điệu của Phạm Minh Vũ đã thể hiện rõ tư tưởng ấu trĩ, trình độ thấp kém, cùng âm mưu chống phá, gây mất đoàn kết, chia rẽ nội bộ. Trước bối cảnh “virus tin giả” đang hoành hành như hiện nay, chúng ta cần hết sức tỉnh táo, đấu tranh với những luận điệu kích động của các thế lực thù địch.
Huyền Trang