+
Aa
-
like
comment

Sự thật thông tin “Bí thư Nguyễn Văn Nên bị ĐBQH chỉ mặt vạch nhiều sai lầm trong chống dịch”

Diệu Hương - 29/09/2021 06:00

Lợi dụng những khó khăn trong công tác phòng chống dịch ở TP.HCM, các tổ chức, đối tượng phản động đã lu loa rằng, “Bí thư Nguyễn Văn Nên bị Đại biểu Quốc hội chỉ mặt vạch nhiều sai lầm trong chống dịch ở TP.HCM”.

Bí thư Nguyễn Văn Nên thị sát chống dịch

Xuất hiện luận điệu trên là do, ngày 23/9/2021, trên một trang báo có đăng tải nội dung phát ngôn của bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM nêu bức xúc một tổ chức ở Hàn Quốc tặng TP.HCM 20 xe cứu thương, nhưng vì Bộ Y tế không có câu trả lời tiếp nhận hay không, dẫn đến việc hàng về tới Việt Nam phải trả lại, dù TP vẫn còn thiếu xe cứu thương.

Lợi dụng điều này, một số trang mạng đã lu loa xuyên tạc rằng, “Chính quyền TP.HCM không chấp nhận viện trợ đã qua sử dụng từ các tổ chức nước ngoài, mặc dù thiếu trang thiết bị y tế trầm trọng để điều trị bệnh nhân Covid-19”; “ông Nguyễn Văn Nên bị ĐBQH chỉ mặt vạch nhiều sai lầm trong chống dịch”….

Theo quy định hiện hành, máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng là mặt hàng cấm nhập khẩu. Việc cho phép nhập khẩu hàng hóa viện trợ là trang thiết bị y tế đã qua sử dụng thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ. Do vậy, ngày 20/8/2021, UBND TP.HCM đã có văn bản số 2786/UBND-KT báo cáo đề xuất Chính phủ cho phép nhập khẩu ô tô cứu thương đã qua sử dụng nhằm phục vụ công tác phòng, chống dịch covid-19. Như vậy, không có chuyện chính quyền TP.HCM không chấp nhận viện trợ đã qua sử dụng từ các tổ chức nước ngoài.

Công văn số 6257/ VPCP-KTTH ngày 07/9/2021 truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành về việc nhập khẩu ô tô cứu thương đã qua sử dụng theo đề xuất của UBND TP.HCM. Trong đó Chính phủ cho phép thành phố được nhập khẩu ô tô cứu thương đã qua sử dụng từ nhận viện trợ của các đối tác nước ngoài để phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19. Đồng thời giao Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh chịu trách nhiệm hoàn toàn trước Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan thanh tra, kiểm tra và pháp luật về vấn đề này. Vì vậy, nói Bộ Y tế không trả lời, không hướng dẫn là không thỏa đáng, khi công văn hoàn toàn không giao trách nhiệm cho Bộ Y tế về vấn đề này, điều này đã làm ảnh hưởng tới hình ảnh, uy tín của Bộ Y tế trong nhân dân. Vấn đề này cần phải làm rõ và có hình thức xử lý phù hợp trong thời gian tới.

Đáng nói hơn nữa, lợi dụng lời phát biểu được báo chí đưa tin từ bà Tô Thị Bích Châu, một số đối tượng đã chộp ngay để làm bàn đạp tấn công, hạ uy tín của Bí thư Nguyễn Văn Nên. Một cái tít thật sốc, “ĐBQH chỉ mặt điểm nhiều sai lầm của Bí thư Nguyễn Văn Nên” khiến hàng loạt độc giả nhẹ dạ cả tin rơi vào bẫy tin giả. Rõ ràng là hai sự việc hoàn toàn khác nhau thế nhưng vẫn bị quy chụp, xuyên tạc.

Không phải từ bây giờ mà thời gian qua, nhiều người đã cố tình bôi nhọ hình ảnh Bí thư Nguyễn Văn Nên trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19. Thực chất những bài viết đó không hề xuất phát từ cái nhìn khách quan mà chỉ bịa đặt hay lợi dụng những mặt thiếu sót trong công tác phòng, chống dịch của địa phương để xuyên tạc, phóng đại nhằm chống phá, hạ uy tín của chính quyền nói chung, hình ảnh của Bí thư Nguyễn Văn Nên nói riêng. Họ đã cố tình quên rằng, khi dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp và khó lường, số ca lây nhiễm tiếp tục tăng lên mỗi ngày, nếu không quyết tâm siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch thì hậu quả thật khó lường.

Diệu Hương

Bài mới
Đọc nhiều