+
Aa
-
like
comment

Sự thật mà các ông trùm công nghệ luôn che giấu

Bảo Trâm - 30/03/2023 17:00

Chúng ta đang sống trong thế giới thông tin mà không cần trả khoản phí nào cho việc tìm kiếm. Thế nhưng, Big Tech có đang “phục vụ cộng đồng hoàn toàn miễn phí” như họ tuyên bố.

Trong cuốn sách Đừng trở nên xấu xa (tựa gốc: Don’t be evil), nhà báo Rana Foroohar – với góc nhìn sâu sắc và kinh nghiệm dày dặn của một phóng viên chuyên mục kinh doanh toàn cầu và là Phó tổng biên tập tờ Financial Times – đã vạch trần sự thật “miễn phí” mà các Big Tech (những công ty thống trị ngành dịch vụ trực tuyến và công nghệ của Mỹ) luôn che giấu.

Khi người dùng trở thành “hàng hóa”

Chúng ta đều biết, Google cung cấp khả năng tìm kiếm “miễn phí”, Facebook gắn kết xã hội “miễn phí”, còn Amazon giảm giá và tặng sản phẩm “miễn phí”.

Thế nhưng, theo Rana Foroohar, việc sử dụng các dịch vụ “miễn phí” không có nghĩa là chúng ta không trả một cái giá nào đó, đặc biệt khi tất cả dữ liệu và nội dung miễn phí do người dùng tạo ra lại chính là “mạch máu” của các công ty công nghệ nền tảng.

Rana Foroohar đã sớm nhận ra dữ liệu cá nhân của người dùng chính là nguyên liệu đầu vào trong mô hình kinh doanh của Big Tech, cũng như của mọi công ty đang khai thác dữ liệu đó. Và con người chính là “nguyên liệu thô” được dùng để tạo ra sản phẩm và bán cho các công ty quảng cáo.

Cô viết: “Đúng là chúng ta không phải trả tiền cho hầu hết dịch vụ kỹ thuật số, nhưng chúng ta đã phải trả giá đắt bằng các dữ liệu và sự chú ý của mình. Con người trở thành tài nguyên để nhóm Big Tech kinh doanh. Chúng ta nghĩ mình là người tiêu dùng nhưng trên thực tế, chúng ta là hàng hóa”.

Thông qua cuốn sách, Rana Foroohar đã vén màn những mánh khóe kiếm tiền từ người dùng của các công ty Big Tech. Bằng cách giữ cho mọi người “sống” trên không gian mạng càng lâu càng tốt, Google, Facebook, Apple, Amazon… đang lén lút làm đầy túi tiền của mình bằng cách thu thập dữ liệu cá nhân của người dùng và bán chúng cho những bên khác.

Bên cạnh đó, với những thông tin ngồn ngộn về “thế giới” Big Tech – những đóng góp cùng các “mặt tối” của nó trong việc thao túng xã hội, cuốn sách còn giải thích việc làm thế nào một phong trào ra đời vì mục đích “dân chủ hóa” thông tin lại đủ sức xé nát cấu trúc nền dân chủ, và làm thế nào các kỹ sư lãnh đạo của phong trào đó lại đi từ việc nghiên cứu bo mạch chủ trong tầng hầm đến tương lai thống trị nền kinh tế chính trị thế giới.

Cái giá của miễn phí

Có thể nói, từ góc nhìn của người tiêu dùng, chúng ta cứ ngỡ dịch vụ của Big Tech là miễn phí; nhưng trên thực tế, chúng ta đang phải trả giá (trong vô thức) bằng cả sự chú ý lẫn dữ liệu của chính mình – cũng là thứ mà Big Tech sẵn sàng làm mọi cách để thu thập và kiếm tiền từ đó.

“Hãy nhớ rằng cái giá bạn phải trả cho Big Tech không hề rẻ, nếu xét cả giá trị của dữ liệu cá nhân mà bạn đang để cho họ thu thập”, Rana Foroohar nhấn mạnh trong cuốn sách.

Trong một bài phát biểu trước các lãnh đạo của Liên minh châu Âu vào năm 2018, Giám đốc điều hành Tim Cook của Apple thừa nhận cuộc cách mạng Big Tech đã và đang tồn tại một mặt tối cực kỳ nghiêm trọng: “Chúng ta không nên dùng những từ hoa mỹ để che giấu các hệ quả. Đây chính là sự giám sát. Và các kho lưu trữ dữ liệu cá nhân này chỉ phục vụ một mục đích duy nhất là làm giàu cho các công ty thu thập chúng”.

Theo một nghiên cứu do nhóm phân tích bảo mật Sonecon thực hiện, khối tài sản khổng lồ được tạo ra từ việc khai thác dữ liệu cá nhân lên tới xấp xỉ 76 tỷ USD doanh thu mỗi năm. Và những bên được hưởng lợi không chỉ là các ông trùm Big Tech mà còn là những tổ chức đang cùng họ khai thác dữ liệu, chẳng hạn như văn phòng tín dụng, công ty tài chính và cơ sở chăm sóc sức khỏe.

Nghiên cứu này cũng cho thấy, chỉ trong vòng hai năm (2018-2019), doanh thu từ việc thu thập dữ liệu đã tăng đến 44,9%. Ước tính năm 2022, dữ liệu cá nhân của con người có giá trị tương đương 197,7 tỷ USD, cao hơn tổng giá trị sản lượng nông nghiệp của Mỹ. Đây rõ ràng là hoạt động khai thác tài nguyên trên quy mô cực lớn.

Và đó chỉ mới là ước tính dựa trên việc những công ty này có thể bán quảng cáo nhắm mục tiêu – phân khúc vốn chiếm 50% tổng doanh thu quảng cáo của các nền tảng. Con số đó chưa tính đến việc tất cả dữ liệu cá nhân đều có thể được phân tích đối chiếu để gia tăng giá trị, để các công ty sử dụng theo nhiều cách khác nhau nhằm thúc đẩy người dùng đưa ra những quyết định mua hàng nhất định.

Đứng trước sự thật mà các ông trùm công nghệ che giấu trên, chúng ta có thể làm được gì? Trong cuốn sách, Rana Foroohar đã gợi ý một số cách có thể hạn chế sự can thiệp của Big Tech đến đời sống con người. Đó là yêu cầu về sự minh bạch về dữ liệu đối với Big Tech nhằm hạn chế tập trung quyền lực vào một mối.

Về mặt cá nhân, chúng ta cần quan tâm đến việc bảo mật dữ liệu cá nhân của mình nhiều hơn, đặc biệt trước những ứng dụng miễn phí mà Big Tech mang lại. Rana Foroohar khuyên người dùng nên tự trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết về công nghệ, liên tục cập nhật tin tức, hiểu rõ cách hoạt động của nền tảng công nghệ để có thể ứng dụng và sử dụng chúng như công cụ hỗ trợ bản thân.

Ngoài ra, việc thiết lập một thói quen sống lành mạnh trên mạng xã hội, tỉnh táo từ chối trước những lời mời chia sẻ thông tin, cho phép theo dõi dữ liệu cũng là cách giúp chúng ta không trở thành “món hàng” bị các công ty công nghệ thao túng.

Bảo Trâm

Bài mới
Đọc nhiều