Sự thật “Giáo phái Tân Thiên Địa” và nhiều tổ chức tôn giáo hoạt động bất hợp pháp ở Việt Nam
“Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ” và “Giáo phái Tân Thiên Địa” là hai tổ chức Tin lành có nguồn gốc từ Hàn Quốc, hoạt động phức tạp thời gian qua tại Việt Nam.
“Hội thánh của Đức Chúa trời Mẹ” và “Giáo phái Tân Thiên Địa” có biểu hiện mê tín dị đoan, gây chia rẽ gia đình, xã hội, xung đột với các hội thánh Tin lành truyền thống, làm phức tạp tình hình an ninh, trật tự.
Theo Cục An ninh nội bộ (Bộ Công an), Tin Lành là một trong số các tôn giáo có tốc độ phát triển tín đồ nhanh nhất tại Việt Nam do quá trình mở cửa hội nhập và giao lưu văn hóa.
Đến tháng 4/2019, Việt Nam có hơn 1,12 triệu người theo đạo Tin Lành, trong đó có trên 855.000 người của hơn 40 dân tộc thiểu số, đông nhất là các dân tộc Mông, Êđê, Jrai, K’ho, S’Tiêng; dân tộc Xuồng được cho là dân tộc có người mới theo đạo.
Nhiều tổ chức tôn giáo hoạt động bất hợp pháp
Trung tá Nguyễn Hồng Phong – Phó Cục trưởng Cục An ninh nội bộ (Bộ Công an) cho biết, hiện nay xuất hiện một số tổ chức khoác danh nghĩa tôn giáo để tuyên truyền chống phá. Đặc biệt, các tổ chức này hoạt động rất tinh vi, lôi kéo được nhiều bạn trẻ tham gia.
Thời gian gần đây một số tổ chức tà giáo đã đẩy mạnh hoạt động trên không gian mạng. Những tổ chức này được tổ chức công phu, có cả bộ phận truyền thông chuyên nghiệp.
Ban đầu họ lập các nhóm để đưa các clip thu hút người xem trên mạng xã hội. Sau đó, lập ra các nhóm từ thiện để thu hút nhiều bạn trẻ tham gia.
Các tổ chức này thường sử dụng thủ đoạn như tổ chức các cuộc thi viết về môi trường rồi đưa ra những phần thưởng hấp dẫn. Từ đó thu hút nhiều người quan tâm và tham gia để chúng lợi dụng tuyên truyền chống phá.
“Chúng còn dùng thủ đoạn tổ chức các chuyến đi đến những danh thắng trên thế giới rồi đưa ra những hình ảnh đối lập về cảnh tàn phá môi trường; từ đó đả kích chính sách của chính phủ, lôi kéo được rất nhiều người tham gia…” – ông Phong nói.
Theo lãnh đạo Cục An ninh nội bộ (Bộ Công an), thời gian qua, trên thế giới nổi lên hai tà phái là “Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ” và “Giáo phái Tân Thiên Địa”.
“Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ” thuộc tổ chức “Hội thánh của Đức Chúa Trời Hiệp hội Truyền giáo Tin Lành thế giới” có trụ sở tại Hàn Quốc. Tổ chức này không tổ chức lễ Giáng sinh, không thờ cây thánh giá, trong hình thức sinh hoạt có nhiều điểm mang yếu tố mê tín dị đoan, bất minh về tài chính và việc thu tiền của người tin theo.
Tổ chức “Hội thánh của Đức Chúa Trời Hiệp hội Truyền giáo Tin Lành thế giới” coi ông Ahn Sahng Hong là “Đức Chúa Trời Cha” và bà Jang Gil Ja là “Đức Chúa Trời Mẹ”. Tại Hàn Quốc, các tổ chức Tin Lành chính thống “tẩy chay” và coi tổ chức này là tà giáo. Từ năm 2014-2017, nhiều gia đình tại Hàn Quốc và một số tín đồ rời bỏ tổ chức này đã gửi đơn tố cáo, khiếu kiện tổ chức này gây chia rẽ, phá vỡ hạnh phúc gia đình, lừa đảo, trốn thuế.
Tại Việt Nam, “Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ” xuất hiện từ năm 2001 nhưng đến năm 2016 mới bắt đầu phát triển mạnh.
Tổ chức này sử dụng nhiều cách để truyền giáo một cách trái pháp luật như: Phân công người đi các địa phương truyền đạo, sử dụng danh nghĩa công ty kinh doanh, giới thiệu việc làm để truyền giáo và đã lôi kéo được khoảng 5000 người tham gia. Từ năm 2017-2018, tổ chức này phát triển mạnh tại Việt Nam và có nhiều hoạt động vi phạm pháp luật, làm phức tạp tình hình an ninh, trật tự.
Địa phương phản ánh sớm nhất về những biểu hiện cực đoan liên quan đến tổ chức này là tỉnh Thái Nguyên, tiếp đến là TP.Hà Nội.
Phần lớn hoạt động của tổ chức này có nhiều mặt tiêu cực, trái với phong tục, tập quán, đạo đức xã hội Việt Nam, có biểu hiện mê tín dị đoan, lợi dụng giáo lý để trục lợi cá nhân.
Hoạt động của tổ chức này đã gây ra dư luận xấu tại Việt Nam. Nhiều gia đình có vợ, chồng, con đi theo tổ chức này đã gửi đơn tố cáo đến các cấp chính quyền đề nghị cấm tổ chức này hoạt động do bức xúc trước việc người thân của họ sau khi theo tổ chức này bỏ bê công việc, vợ chồng mâu thuẫn, ly hôn, sinh viên bỏ học…
Theo Ban Tôn giáo Chính phủ, Tân Thiên Địa vào Việt Nam từ năm 2016, thông qua số người Hàn Quốc sang Việt Nam dạy tiếng Hàn tại một số thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM, đã sử dụng nhiều phương thức hoạt động để phát triển đạo. Ngay sau khi phát hiện các hoạt động này, Công an địa phương đã phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý và giải tán trung tâm.
Đối với giáo phái Tân Thiên Địa, đây cũng là giáo phái bắt nguồn từ Hàn Quốc. Tổ chức này hoạt động lén lút, bí mật, thường lấy danh nghĩa của các tổ chức phúc lợi công cộng, hỗ trợ nhân đạo để truyền giáo, lôi kéo tín đồ của các tổ chức Tin Lành hợp pháp.
Những người sau khi tin theo phải đóng 40% thu nhập cá nhân, hoàn thành các chỉ tiêu tuyển thành viên hàng năm, nếu không sẽ bị phạt. Tổ chức này thường lấy phương thức tác động tư tưởng, lấy “ngày tận thế” để hù dọa, ràng buộc tín đồ.
Tại Hàn Quốc, tổ chức này, bị các tổ chức Tin Lành chính thống tẩy chay và coi là tà giáo. Nhiều tín đồ Tân Thiên Địa tìm cách bỏ giáo phái do không chịu được giáo lý cực đoan, nghi lễ hà khắc, nhất là việc khuyến khích tín đồ nói dối, từ bỏ gia đình để đi theo giáo chủ.
Đặc biệt, theo Cục An ninh nội bộ (Bộ Công an), thời gian gần đây, liên quan đến dịch Covid-19 tại Hàn Quốc, nhiều tín đồ Tân Thiên Địa mang tư tưởng nhiễm virus nhưng không đến bệnh viện mà đến nhà thờ xin tha tội và chữa bệnh.
Điều này khiến bệnh dịch tại Hàn Quốc lây nhiễm phức tạp (khoảng 60% các ca lây nhiễm liên quan đến tổ chức Tân Thiên Địa).
Ngày 1/3/2020, chính quyền TP. Seoul đã đề nghị khởi tố Ban lãnh đạo Tân Thiên Địa với các cáo buộc giết người, cố ý gây thương tích, vi phạm phòng ngừa bệnh truyền nhiễm.
Sẽ giải tán nếu vi phạm pháp luật Việt Nam
Phó Cục trưởng Cục An ninh nội bộ (Bộ Công an) cho hay, trong số 70 tổ chức đạo Tin Lành chưa được cấp đăng ký hoạt động có gần 200.000 tín đồ; trong đó, có không ít các tổ chức Tin Lành du nhập từ nước ngoài vào Việt Nam.
Phần lớn các tổ chức Tin lành du nhập từ nước ngoài vào Việt Nam không có cơ sở thờ tự, chức sắc chủ yếu do tự phong và khác nhau về tiêu chuẩn.
Nhiều tổ chức Tin Lành nước ngoài chưa được cấp đăng ký hoạt động tôn giáo đã truyền đạo và sinh hoạt đạo trái pháp luật…
Một số tổ chức Tin lành (chủ yếu có nguồn gốc từ Hàn Quốc) có hệ thống giáo lý không đúng Kinh thánh, lễ nghi và tín lý trái với văn hóa truyền thống Việt Nam như: “Hội thánh của Đức Chúa trời Mẹ”, “Ân điển cứu rỗi”, “Cây táo”… có biểu hiện mê tín dị đoan, gây chia rẽ gia đình, xã hội, xung đột với các hội thánh Tin lành truyền thống, làm phức tạp tình hình an ninh, trật tự.
Nhiều tổ chức Tin Lành nước ngoài hoạt động lén lút, bí mật, lợi dụng danh nghĩa các công ty, tổ chức giáo dục, đào tạo, NGO để tuyên truyền, phát triển đạo.
Đa số các tổ chức hoạt động khá tự do, chấp hành pháp luật ở mức thấp (vì chưa được công nhận), sinh hoạt chủ yếu theo điểm nhóm (nhà riêng hoặc địa điểm công cộng) do không có nhà thờ.
Trong các tôn giáo ở Việt Nam, đạo Tin Lành là một trong những tôn giáo có nhiều văn bản chỉ đạo nhất từ phía Đảng, Nhà nước.
Nội dung của các văn bản này là “tôn trọng niềm tin tôn giáo của tín đồ”, dần đưa hoạt động và sinh hoạt của đạo Tin Lành theo khuôn khổ pháp luật, quản lý bằng pháp luật.
Tuy nhiên, các hoạt động tôn giáo vi phạm pháp luật của các tổ chức Tin Lành chưa được Nhà nước cấp đăng ký hoạt động thường do không tuân thủ các quy định pháp luật Việt Nam.
Do đó, công tác quản lý nhà nước đối với khu vực các tổ chức Tin lành nước ngoài chưa được Nhà nước cấp đăng ký hoạt động cũng rất hạn chế, chủ yếu mới dừng ở các hoạt động: Tuyên truyền, phổ biến pháp luật, vận động sinh hoạt tại gia, hướng dẫn và cấp đăng ký sinh hoạt tôn giáo theo điểm nhóm.
Về phía cơ quan công an, đối với các hoạt động vi phạm pháp luật của các tổ chức tà giáo mang danh nghĩa Tin Lành, lực lượng chức năng áp dụng các quy định pháp luật để xử lý, giải tán tổ chức.
Hoàng Thành/DV