+
Aa
-
like
comment

Sự thật của cái gọi là “Bài học phi chính trị hóa lực lượng vũ trang” nhìn từ Myanmar

Bảo An - 09/03/2021 12:02

Xét xử vụ án Đồng Tâm và chính biến tại Myanmar là hai sự kiện đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. “Tát nước theo mưa”, một số đối tượng xấu, chống đối, cơ hội chính trị đã xuyên tạc thông tin, lập luận lắt léo để bẻ lái vấn đề, tạo cớ đòi “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang.

Thủ đoạn phi chính trị hóa Quân đội của Việt Nam.
Thủ đoạn phi chính trị hóa Quân đội của Việt Nam.

“Phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang là một thủ đoạn được các đối tượng chống phá thực hiện một cách xuyên suốt nhằm làm suy yếu sức mạnh quốc gia, tạo điều kiện lật đổ chế độ. Lợi dụng việc xét xử phúc thẩm vụ án Đồng Tâm và bất ổn tại Myanmar, các đối tượng ra sức xuyên tạc thông tin, hướng lái dư luận theo hướng đòi “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang.

Bàn về cái gọi là “Chính biến thành Naypyidaw và bài học phi chính trị hóa lực lượng vũ trang cho Việt Nam”?!

Khi nói về sức mạnh của việc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, cụ Nguyễn Đình Chiểu đã từng viết: “Trở bao nhiêu đạo thuyền không thẳm. Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”. Ngòi bút của một người chân chính sẽ là một thứ vũ khí sắc bén để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ sự bình yên của xã hội. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, không ít đối tượng xấu đã sử dụng những “ngòi bút cong”, ngòi bút được bơm bằng “mực đô-la” để rêu rao những luận điệu, tư tưởng sai trái, vô căn cứ, bịa đặt chống phá chính quyền.

Nhiều đối tượng chống phá, cơ hội chính trị núp dưới vỏ bọc “nhà báo”, lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí đã tiến hành nhiều hoạt động công kích, bôi nhọ, bẻ lái thông tin một cách hết sức trắng trợn. Trong số những “ngòi bút máu” đang tấn công nền hòa bình, ổn định của dân tộc, chúng ta không thể bỏ qua cái tên Phạm Minh Vũ. Với sự câu kết, móc nối chặt chẽ với Việt Tân, Phạm Minh Vũ đã xây dựng, phát tán những bài viết với nội dung hết sức lệch lạc.

Trong một bài viết với tiêu đề “Chính biến thành Naypyidaw và bài học phi chính trị hóa lực lượng vũ trang cho Việt Nam” được Việt Tân đăng tải một lần nữa chúng ta lại chứng kiến “tài” xuyên tạc thông tin bất chấp thực tế của Phạm Minh Vũ. Trong đó, y rêu rao rằng: “Ở các nước có nền Dân chủ mạnh mẽ, thì quân đội hay Lực lượng vũ trang chỉ giữ đúng vai trò bảo vệ Tổ quốc và Nhân dân”, “Máu đã đổ ở Miến Điện, hay Đồng Tâm khi lực lượng vũ trang nghe theo lệnh cấp trên, điều đó là quân đội bị chính trị hoá”,  “Nhìn qua Myanmar và rõ nhất ở Đồng Tâm, Việc phi chính trị hoá LLVT là cần thiết”…

Đừng hòng dối trá

Việc móc nối, so sánh vụ việc ở Myanmar với vụ án Đồng Tâm được dựng lên một cách thô thiển, phi logic. Cần phải thấy rõ, hai vấn đề này có bản chất hoàn toàn khác nhau, không thể đánh đồng, xuyên tạc bản chất của vụ việc.

Trước hết, nói về vấn đề Myanmar, những căng thẳng leo thang bắt nguồn từ cuộc chính biến khi lực lượng quân sự bắt giữ một số quan chức của chính quyền dân sự nước này. Nguyên nhân của sự việc bắt nguồn từ các cáo buộc trong gian lận bầu cử diễn ra hồi tháng 11/2020. Đây là vấn đề chính trị.

Trong khi đó, Đồng Tâm là một vụ án hình sự. Một số đối tượng tiếm danh “nhân dân” đã tiến hành các hoạt động tranh cướp đất quốc phòng. Đỉnh điểm của vụ việc là khi lực lượng chức năng tiến hành xây dựng tường rào bảo vệ sân bay Miếu Môn, các đối tượng “Tổ đồng thuận” đã tiến hành chống đối, sử dụng vũ khí, bom, xăng để tấn công lực lượng chức năng. Khi bị trấn áp, chúng đã ra tay tàn nhẫn, khiến 3 cán bộ công an hi sinh. Những sai phạm của các bị cáo là hoàn toàn rõ ràng, không có cớ gì để “chính trị hóa”, “quốc tế hóa” vụ án Đồng Tâm. Đồng thời, không một lý do, không một luận điệu nào có thể bao biện cho hành vi phạm pháp trắng trợn, manh động, dã man, coi thường tính mạng của người khác của các đối tượng tại Đồng Tâm. Tất cả giọng điệu cho rằng “chính quyền đàn áp nhân dân”, “cố tình nổ súng tiêu diệt dân oan” chỉ là sự bịa đặt trắng trợn.

Về giọng điệu đòi “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang, nói thẳng trên thế giới không có bất kỳ quốc gia nào tồn tại lực lượng vũ trang “phi chính trị”. Ngay cả các nước tư bản, việc “trung lập” của lực lượng vũ trang cũng không phải là tuyệt đối. Cần phải thấy rằng, tại các nước theo chế độ đa đảng, việc lực lượng vũ trang “trung lập” là để tạo ra “sự công bằng” giữa các đảng phái trong tiến trình bầu cử. Tuy nhiên, đó chỉ là trên lý thuyết. Thực tế, giới chức quân sự vẫn thường xuyên can dự vào đời sống chính trị của đất nước. Đồng thời, quân đội một quốc gia vẫn tuân thủ đường lối chính trị của người đứng đầu, mà cụ thể, là đảng phái đang cầm quyền trong thời điểm đó.

Đối với Việt Nam, Đảng Cộng sản là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đồng thời, quyền lực Nhà nước là thống nhất. Do đó, lực lượng vũ trang trung thành với Đảng, Nhà nước và Nhân dân là điều tất yếu. Chính thực tiễn cuộc cách mạng tại Việt Nam là minh chứng rõ ràng nhất cho việc Đảng lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối, trực tiếp, về mọi mặt đối với lực lượng vũ trang là điều kiện tiên quyết để giữ vững hòa bình, ổn định, độc lập xã hội.

Giọng điệu đổ lỗi cho chính quyền, tẩy trắng cho những kẻ phạm tội tại Đồng Tâm là hành động bao che, tiếp tay, cổ súy cho tội ác. Việc lấy những căn cứ sai trái, bịa đặt để kêu đưa ra yêu sách đòi “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang một lần nữa cho chúng ta thấy rõ bộ mặt đầy xấu xa, tiêu cực của những kẻ núp bóng “nhân quyền”.

Bảo An

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả.

Bài mới
Đọc nhiều