Sự thành công của phương pháp chống dịch “xét nghiệm rộng để cách ly hẹp”
Bằng phương pháp “xét nghiệm rộng để phong tỏa hẹp”, huyện Yên Lạc (tỉnh Vĩnh Phúc) đã đạt được những thành quả bất ngờ trong công tác phòng chống dịch.
Cuối tháng 4/2021, tỉnh Vĩnh Phúc là một trong những địa phương đầu tiên ghi nhận ca mắc Covid-19 trong cộng đồng trong đợt dịch bùng phát lần thứ tư. Với 4 ổ dịch, hàng chục ca mắc Covid-19 ở nhiều địa bàn buộc tỉnh với hơn một triệu dân phải thay đổi phương pháp chống dịch.
Thay vì truy đuổi, tỉnh Vĩnh Phúc chọn cách bao vây, đón đầu và đánh chặn dịch bệnh bằng cách tạo cơ chế để mở rộng xét nghiệm, tầm soát diện rộng để nhận diện dịch Covid-19 rồi đưa ra các phương án chống dịch hiệu quả.
Phong tỏa hẹp để cơ động chống dịch
Ngày 29/4, thôn Báo Văn 2, xã Đồng Văn (huyện Yên Lạc) ghi nhận một trường hợp mắc Covid-19 có yếu tố dịch tễ liên quan đến chuyên gia người Trung Quốc sử dụng dịch vụ tại quán bar karaoke Sunny. Nhanh chóng, huyện Yên Lạc thực hiện cách ly toàn bộ thôn Báo Văn 2 với khoảng 800 nhân khẩu để khoanh vùng dập dịch.
Sau một thời gian điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới cơ sở Đông Anh (Hà Nội), ca dương tính ở thôn Báo Văn 2 trở về nhà và tái dương tính với SARS-CoV-2, lây dịch cho tất cả thành viên trong gia đình. Đây được xem là trường hợp hi hữu rất hiếm xảy ra trong thực tế. Sau khi xem xét và điều tra lịch sử tiếp xúc, thay vì cách ly toàn thôn, huyện Yên Lạc chỉ cách ly một con ngõ với khoảng 10 hộ dân.
Là người trực tiếp xuống khảo sát hiện trường và nắm bắt tình hình, Bí thư huyện ủy Yên Lạc Nguyễn Khắc Hiếu cho biết, ngay khi nhận được tin trường hợp tái dương tính với dịch bệnh, huyện vào cuộc truy vết và xác định nhanh chóng các F1, F2.
“Các trường hợp tiếp xúc gần đều ở trong một ngõ, một mặt chúng tôi tổ chức xét nghiệm cho toàn bộ thôn Báo Văn 2, đồng thời cho lực lượng lập chốt ở hai đầu con ngõ để khống chế dịch ở phạm vi hẹp”, ông Hiếu nó.
Đồng thời, Tổ Covid cộng đồng và lực lượng chức năng địa phương đảm nhận luôn việc đi chợ, mua nhu yếu phẩm để tiếp tế cho khu vực ngõ bị phong tỏa.
Cách làm của huyện Yên Lạc được thực hiện hiệu quả nhờ cơ chế của tỉnh Vĩnh Phúc khi cho phép mở rộng đối tượng xét nghiệm. Thay vì chỉ xét nghiệm trường hợp F1, Nghị quyết của HĐND tỉnh Vĩnh Phúc cho phép ngân sách chi trả tiền xét nghiệm cho các F2, F3 và các khu dân cư có trường hợp F0.
Từ việc mở rộng xét nghiệm, huyện Yên Lạc nhận diện được dịch bệnh đang ở mức độ nào để đưa ra phương án phong tỏa hiệu quả theo phương châm càng hẹp bao nhiêu càng dễ dập dịch bấy nhiêu.
“Nếu chỉ vì một vài trường hợp F0 mà phải cách ly một khu dân cư thì việc di chuyển cơ học trong khu dân cư đó càng tạo điều kiện cho dịch bệnh lây lan. Việc khoanh vùng rộng hoàn toàn có thể biến khu phong tỏa trở thành ổ dịch nếu không kiểm soát chặt chẽ”, ông Hiếu nói và cho biết, quy mô phong tỏa càng nhỏ thì việc áp dụng các biện pháp chống dịch càng chặt chẽ, hiệu quả.
Ngoài ra, việc xác định đúng các trường hợp tiếp xúc gần (F1, F2) cũng là cách huyện Yên Lạc điều chỉnh trong thực tiễn chống dịch.
Cụ thể, huyện Yên Lạc từng ghi nhận một trường hợp dương tính với Covid-19 tham gia chơi bóng chuyền, ngay lập tức các trường hợp ở trong sân thời điểm đó đều được xác định là các F1 và phải đưa đi cách ly tập trung. Tuy nhiên, khi nhận thấy có gần 20 trường hợp chỉ ngồi xem và đeo khẩu trang, huyện Yên Lạc phân loại nhóm trường hợp này để cách ly tại nhà và thực hiện xét nghiệm.
“Việc không để một người nguy cơ lây nhiễm thấp vào khu cách ly tập trung nơi có nguy cơ cao sẽ hạn chế lây nhiễm chéo. Đồng thời, việc đưa đi cách ly cũng tạo tâm lý bất ổn cho người dân”, ông Hiếu chia sẻ.
Đến nay, toàn huyện Yên Lạc ghi nhận 11 ca mắc Covid-19 trong cộng đồng, tuy nhiên, gần 60 ngày qua huyện không ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng nhờ cách chống dịch chủ động. Với việc khoanh vùng hẹp giúp cho việc chống dịch diễn ra suôn sẻ, tiết kiệm chi phí, nhân lực, vật lực và đặc biệt giúp hạn chế các vấn đề bất ổn phát sinh kéo dài.
Sau 2 tiếng phải bóc tách F0, 10 tiếng với F1
Dịch bùng phát cùng lúc tại nhiều địa phương, tỉnh Vĩnh Phúc nhập cuộc bằng cách chủ động từ xa, từ sớm và siết chặt kỷ luật trong việc triển khai các biện pháp.
Yêu cầu tiên quyết của Ban chỉ đạo tỉnh là các đơn vị chức năng ngay sau khi phát hiện trường hợp mắc Covid-19, sau 2 tiếng phải bóc tách toàn bộ F0 ra khỏi cộng đồng, sau 10 tiếng phải đưa toàn bộ F1 đi cách ly tập trung để chặn đứng đường lây lan của dịch bệnh. Tinh thần chống dịch khẩn trương của Vĩnh Phúc buộc “ai không làm thì đứng sang một bên”.
Chủ trương xuyên suốt trong chống dịch của tỉnh Vĩnh Phúc được áp dụng là mở rộng xét nghiệm để thu hẹp khu vực phong tỏa. Vai trò của việc tầm soát dịch Covid-19 được ưu tiên thực hiện ở các khu vực hoặc nhóm những trường hợp có nguy cơ cao lây nhiễm dịch bệnh.
Từ việc xác định mỗi thôn, xóm, tổ dân phố là một “pháo đài” chống dịch, Vĩnh Phúc tập trung xây dựng kế hoạch tạo các vùng xanh trong phòng chống dịch Covid-19 với 7 nội dung, giải pháp thực hiện. Trong đó, yêu cầu hằng ngày có đánh giá mức độ nguy cơ lây nhiễm trên địa bàn đề có giải pháp phù hợp.
Tiêu chí “vùng xanh” bao gồm không có người cư trú tại địa phương là F0, F1 đang trong thời gian điều trị và theo dõi cách ly y tế; không tụ tập, tiếp đón khách tại nhà, người dân được xét nghiệm tầm soát định kỳ theo đánh giá nguy cơ lây nhiễm. Đồng thời thực hiện “ai ở đâu, ở yên đó” khi dịch xuất hiện.
Ngoài ra, thành viên trong ban chỉ đạo “vùng xanh” tại các thôn, xóm thực hiện kiểm soát chặt người ra vào, bảo đảm tất cả người dân ra, vào địa bàn đều phải được kiểm soát. Tỉnh Vĩnh Phúc đặt mục tiêu đến ngày 20/9 sẽ xây dựng xong mô hình nêu trên.
Đến nay, toàn tỉnh Vĩnh Phúc trải qua 47 ngày không xuất hiện ca mắc Covid-19 trong cộng đồng. Các biện pháp chống dịch từ việc nâng công suất xét nghiệm từ 1 lên 80 lần, mở rộng xét nghiệm để bao vây dịch bệnh, huy động sự tham gia của toàn dân tham gia chống dịch đã xanh hóa vùng đỏ dịch bệnh.
Mặc dù vậy, trước diễn biến khó lường của dịch, tỉnh Vĩnh Phúc xây dựng kịch bản ứng phó với 5 kế hoạch kèm theo. Nổi bất trong đó là việc xây dựng tỉnh thành “vùng xanh” vùng an toàn với dịch bệnh.
Tỉnh Vĩnh Phúc xây dựng kịch bản cho các trường hợp dịch bệnh xảy ra với các cấp độ khác nhau. Có 5 cấp độ được đưa ra tương ứng với các ca mắc Covid-19, tập trung cao độ nhất vào giai đoạn ghi nhận 1.000 ca mắc và giai đoạn 3.000 ca mắc.
Ngoài ra, việc huy động hàng nghìn tình nguyện viên đăng ký tham gia chống dịch, đầu tư bệnh viện dã chiến quy mô 1.000 giường là một trong những cách làm cụ thể của Vĩnh Phúc nhằm giảm tải cho bệnh viện tuyến cuối ở Hà Nội.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, 8 tháng đầu năm, tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 23,2 nghìn tỷ đồng, đạt 76% dự toán, tăng 31% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, thu nội địa đạt 19,8 nghìn tỷ đồng, bằng 74% dự toán và tăng 30% so với cùng kỳ. Riêng huyện Yên Lạc, tổng ngân sách từ đầu năm đến nay đạt 420 tỷ đồng, đạt 164,2% dự toán.
Đoàn Bổng