‘Sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán không thực sự phản ánh sự thịnh vượng của nền kinh tế’
TS. Quách Mạnh Hào, Nghiên cứu Chính sách và Kinh tế Việt nam – Anh Quốc, Đại học Lincoln – Vương quốc Anh nhận định tại Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam thường niên 2021. Chuyên gia này cho rằng, điều này tiềm ẩn rủi ro nợ xấu sẽ ra tăng trong những năm tiếp theo.
Tham dự Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam thường niên 2021 với chủ đề “Định hình Chiến lược đầu tư và kinh doanh trong bối cảnh mới” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam – VnEconomy – Vietnam Economic Times phối hợp với Viện Chiến lược Phát triển (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) chủ trì tổ chức, TS. Quách Mạnh Hào, Nghiên cứu Chính sách và Kinh tế Việt nam – Anh Quốc, Đại học Lincoln – Vương quốc Anh, đã gửi video tới Diễn đàn chia sẻ góc nhìn về triển vọng tăng trưởng 2021 và những động lực tăng trưởng chính hỗ trợ cho sự phát triển..
Việt Nam đã thành công trong việc ngăn chặn sự suy giảm kinh tế trong năm 2020. Điều này là do sự thành công của Chính phủ trong việc đẩy lùi dịch bệnh sớm. Tăng trưởng GDP dương là điều mà rất ít quốc gia trên thế giới có thể làm được.
Tuy nhiên, theo TS. Quách Mạnh Hào, cũng cần nhìn nhận một cách khách quan là tăng trưởng GDP chỉ đạt một nửa so với kế hoạch. Trong khi lạm phát vẫn ở mức tương đương trước khi dịch bệnh xảy ra. Điều này cho thấy, lạm phát tương đối đang ở mức khá cao, đó rất có thể là do tác động của chính sách nới lỏng tiền tệ.
Chuyên gia này cho rằng, động lực cho sự tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn là khu vực chế biến, chế tạo xuất khẩu, với vai trò dẫn dắt của khu vực đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó, sự hồi phục của khu vực dịch vụ nội địa cũng là một yếu tố quan trọng. Chất xúc tác cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm qua là chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa thông qua lãi suất thấp, tín dụng ưu đãi và các gói kích thích chi tiêu công và hỗ trợ doanh nghiệp.
Với sự thành công trong năm 2020, không ngạc nhiên khi các tổ chức quốc tế nhận định Viêt Nam sẽ tăng trưởng tốt trong năm 2021, lên tới 7-8%. Chính phủ Việt Nam cũng đặt mục tiêu tăng trưởng 6%.
Theo TS. Hào, những nhận định lạc quan về tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 dựa trên một giả định quan trọng, là nếu nền kinh tế đạt năng suất tiềm năng năm 2021 từ điểm xuất phát thấp năm 2020, thì nhất định tốc độ sẽ phải cao hơn tăng trưởng bình thường trước đây.
Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra hai điểm vấn đề cần chú ý. Thứ nhất, việc nền kinh tế có đạt năng suất tiềm năng hay không phụ thuộc vào biến số thị trường xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước và xuất khẩu dịch vụ, đặc biệt là du lịch. Cả hai lĩnh vực này đều giảm trong năm 2020.
Mặc dù Việt Nam đã có những thỏa thuận thương mại với châu Âu, với Anh hay RCEP, sự phong tỏa ở các quốc gia trên thế giới sẽ còn tiếp tục diễn ra trong năm 2021 do vaccine khó có thể bao phủ diện rộng cho tới giữa năm 2021. Như vậy giới hạn thị trường sẽ làm cho tăng trưởng khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo nói chung sẽ bị ảnh hưởng.
Thứ hai, chính sách tiền tệ và tài khóa là chất xúc tác cho nền kinh tế trong năm 2020 có thể sẽ trở nên thận trọng hơn trong năm 2021, chủ yếu là do lãi suất quá thấp, sẽ kích thích các hoạt động đầu cơ rủi ro ngoài sản xuất, làm tăng bong bóng tài sản.
Hơn nữa, chính sách nới lỏng hiện tại không thực sự bao trùm nền kinh tế, mà thực sự chỉ giúp cho đối tượng là các doanh nghiệp lớn. Còn các doanh nghiệp nhỏ và vừa, người nghèo vẫn khó khăn do mất thị trường, mất việc làm.
“Sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán không thực sự phản ánh sự thịnh vượng của nền kinh tế. Điều này tiềm ẩn rủi ro nợ xấu sẽ ra tăng trong những năm tiếp theo, trong hệ thống ngân hàng” – chuyên gia này nhận định.
Với quan điểm như vậy, giới hạn thị trường và sự thận trọng hơn của chính sách tiền tệ, ông Hào cho rằng kinh tế sẽ tăng trưởng tốt hơn trong năm 2021, nhưng phải hết sức nỗ lực mới đạt được mức mục tiêu 6% GDP và lạm phát dưới 4%.
(Theo CF)