Sự ra đời của lực lượng CAND – Tất yếu của lịch sử
“Một cuộc cách mạng chỉ có giá trị khi nó biết tự bảo vệ”. Thấm nhuần tư tưởng của Lênin trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn chú trọng xây dựng lực lượng vũ trang gồm Quân đội, Công an để bảo vệ Đảng, bảo vệ nhân dân, bảo vệ thành quả cách mạng.
Cùng với cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945 tại Hà Nội, lực lượng CAND Việt Nam ra đời, trong bối cảnh chính quyền cách mạng non trẻ đối diện với tình thế ngàn cân treo sợi tóc, thù trong giặc ngoài, là một tất yếu khách quan của lịch sử.
Ngay sau khi thành lập, Đảng ta đã lập ra các đội Tự vệ đỏ, Tự vệ công nông, danh dự trừ gian, hộ lương diệt ác. Đây là những tổ chức tiền thân của lực lượng công an, có nhiệm vụ nắm tình hình địch, chống khủng bố, diệt trừ bọn Việt gian, phản động tay sai của thực dân Pháp để bảo vệ Đảng, bảo vệ phong trào Cách mạng của quần chúng nhân dân. Sự phát triển của những tổ chức này cũng được coi là bước chuẩn bị quan trọng cho phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền.
Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, những tổ chức đầu tiên của Công an nhân dân được thiết lập ở cả 3 miền: Sở Liêm phóng ở Bắc bộ, Sở Trinh sát ở Trung bộ, Quốc gia tự vệ cuộc ở Nam bộ. Tuy tên gọi khác nhau, nhưng đều làm nhiệm vụ trấn áp phản cách mạng, giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ Đảng và chính quyền các cấp.
Giành chính quyền đã khó, giữ được chính quyền càng khó hơn gấp bội. Nhiệm vụ bảo vệ chính quyền được đặt lên vai lực lượng vũ trang, trong đó có công an. Hình ảnh đồng chí Chu Đình Xương, Giám đốc Sở Liêm phóng Bắc Bộ cầm ô đứng cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh trên Lễ đài đọc Tuyên ngôn độc lập 2/9/1945 đã cho thấy vị trí, vai trò quan trọng của lực lượng công an đối với công tác bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, bảo vệ Bác Hồ ngay từ khi mới được thành lập.
Tổ chức công an được kiện toàn, đánh dấu bởi sự kiện ngày 21/2/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 23, hợp nhất các lực lượng Công an trong toàn quốc thành Việt Nam Công an vụ.
Từ đây, lực lượng CAND trở thành nòng cốt, mũi nhọn tiên phong trong cuộc đấu tranh quyết liệt với liên minh phản cách mạng cả trong lẫn ngoài, lập nên những chiến công xuất sắc, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền non trẻ và nhân dân trước thế nước ngàn cân treo sợi tóc lúc bấy giờ.
Tiêu biểu là khám phá vụ án tại số 7 phố Ôn Như Hầu (nay là phố Nguyễn Gia Thiều, Hà Nội) ngày 12/7/1946, đập tan cuộc đảo chính lật đổ chính quyền nhân dân của liên minh phản cách mạng Quốc dân đảng câu kết với thực dân Pháp.
Vụ đánh thông báo hạm A-mi-ô Đen-vin, lớn nhất tại Đông Dương lúc bấy giờ. Chiến công vang dội của tổ điệp báo A13, gắn liền với tên tuổi nữ điệp báo Nguyễn Thị Lợi vào 27/9/1950 đã đánh dấu bước trưởng thành của CAND VN và sự thất bại thảm hại của các cơ quan tình báo, phản gián Pháp, thể hiện sự cương quyết, ý chí đánh địch, đã đánh là phải thắng của lực lượng CAND Việt Nam.
Sinh ra trong cách mạng, trưởng thành cùng cách mạng, lực lượng Công an nhân dân đã không ngừng lớn mạnh về mọi mặt, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. 75 năm, một chặng đường dài, lực lượng công an nhân dân đã thực sự là thanh kiếm, là lá chắn, là công cụ rất hiệu lực của Đảng, Nhà nước trong công cuộc bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân.