Sự “nhục nhã” của giáo viên hay sự thiển cận của kẻ “tự chuyển hoá” mang danh nhà giáo?
Những ngày gần đây, trên nhiều trang mạng xã hội đang xôn xao câu chuyện về nữ giảng viên Đại học Duy Tân có những phát ngôn sai lệch, không chính xác về tình hình phòng, chống dịch tại Việt Nam. Câu chuyện này như một hồi chuông báo động về tình trạng một số giảng viên có nhận thức lệch lạc, lợi dụng nghề nghiệp để lan truyền, tiêm nhiễm vào nhận thức của học sinh,sinh viên những nội dung sai trái.
“Từ đầu mùa dịch tới giờ Chính phủ đã hỗ trợ cho em cái gì chưa? Đã tiếp cận được vaccine chưa?”, “Có dân nước nào chạy 1.500 km về quê, như vậy hệ thống an sinh xã hội của chúng ta quá kém đúng không?”, “Cô cảm thấy rất nhục nhã vì điều đó. Khi dịch đến, những quốc gia trên thế giới người ta được hỗ trợ rất nhiều, kể cả việc tiếp cận vaccine, còn chúng ta thì thế nào? Em lên thử đèo Hải Vân coi, đó mới là sự nhục nhã”… Đây là những phát ngônbừa bãi được đưa ra bởi giảng viên của Đại học Duy Tân khi đứng lớp giảng dạy của sinh viên. Thực tế, từ khi dịch bệnh diễn ra đến nay, các luận điệu có màu sắc tương tự đã được các đối tượng chống đối, cơ hội chính trị tung ra để xuyên tạc và gây hoang mang dư luận. Vậy nhưng khi nghe những luận điệu như trên được đưa ra bởi một giảng viên đại học, đặc biệt là được đưa ra một cách ngang nhiên trong giờ giảng bài thì đúng là không thể chấp nhận được Việc lợi dụng nghề nghiệp để tuyên truyền, gieo rắc, tác động lệch lạc đến nhận thức của học sinh như giảng viên Đại học Duy Tân là vô cùng nguy hiểm.
Trong câu chuyện của nữ giảng viên đại học Duy Tân, người này cho rằng đang cảm thấy “nhục nhã” vì chính quyền không giúp dân, vì hệ thống an sinh xã hội của Việt Nam quá kém, vì người dân phải tự đi xe máy về nhà, vì Việt Nam không hỗ trợ được cho người dân như ở nước ngoài… Từ những luận điệu trên, chúng ta dễ dàng thấy nhận thức của người này vô cùng thiển cận.
Thứ nhất, luận điệu cho rằng “hệ thống an sinh xã hội của Việt Nam quá kém” là vô căn cứ. Vừa qua, chúng ta đã chứng kiến việc người dân lao động tại một số tỉnh miền Nam, đặc biệt là TP.HCM và Bình Dương tự di chuyển về quê bằng phương tiện cá nhân. Tuy nhiên, nữ giảng viên lại đang cố tình lấy hiện tượng đơn lẻ để quy chụp về bản chất của xã hội và đồng thời cũng đang cố tình đánh lận bản chất của sự việc bằng tư duy phiến diện, chủ quan của cá nhân mình. Việc tự di chuyển bằng phương tiện cá nhân để về quê của người dân là một hành động mang tính tự phát. Dù vậy, ngay sau khi nắm được thông tin trên, chính quyền các địa phương đã ngay lập tức triển khai các biện pháp để tiếp nhận công dân về địa phương. Ngoài ra, trong quá trình di chuyển, lực lượng Cảnh sát giao thông các địa phương cũng đã đồng hành, trợ giúp người dân trên hành trình về quê. Như vậy có thể thấy dù là sự việc tự phát nhưng chính quyền vẫn kịp thời nắm bắt, đưa ra giải pháp để giúp đỡ người dân, không hề “bỏ mặc” người dân một cách cô độc.
Bên cạnh đó, chính quyền các địa phương cũng tổ chức các chuyến xe nghĩa tình để đón công dân về địa phương phòng dịch. Thậm chí, một số địa phương như Bình Định, Thanh Hoá… còn thuê máy bay riêng để đón công dân về quê miễn phí. Những thông tin này được công khai rộng rãi trên nhiều trang báo. Cùng với đó, nhiều giải pháp hỗ trợ đã được đưa ra như giảm giá điện, giảm giá cước viễn thông… Ngoài những gói hỗ trợ của Chính phủ, chính quyền các địa phương cũng chủ động xây dựng và triển khai các kế hoạch hỗ trợ người dân như: Thanh Hóa quyết định trích 5 tỉ đồng, thông qua Hội đồng hương Thanh Hóa tại TP.HCM để hỗ trợ các gia đình có nhu cầu cấp thiết, nguyện vọng đã đăng ký về quê và các đối tượng khó khăn khác với mức hỗ trợ 1 triệu đồng/hộ; TP.HCM hỗ trợ 1 lần mức 1.800.000 đồng/người cho khoảng 80.000 lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương trong thời hạn của hợp đồng lao động (vẫn còn hiệu lực) từ 30 ngày liên tục trở lên tính từ ngày 1/5 – 31/12/2021 và đang tham gia đóng BHXH bắt buộc trước khi tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương…
Trước đó, Việt Nam đã tổ chức các chuyến bay để đón người dân ở nước ngoài về nước chống dịch. Ngoài ra, chi phí chữa bệnh COVID-19 cũng đang được Chính phủ hỗ trợ. Đây là minh chứng rõ ràng nhất, “tát thẳng mặt” luận điệu được nữ giảng viên rêu rao khi nói về tình hình an sinh xã hội tại Việt Nam. Thiết nghĩ, tại sao nữ giảng viên không đặt câu hỏi: “Có bao nhiêu nước thuê máy bay giải cứu công dân về nước như ở Việt Nam, Có bao nhiêu nước Cảnh sát giao thông vừa chống dịch vừa hộ tống người hồi hương?” Hay chăng, họ cố tình tự bịt mù mắt, tự nhét kín tai, cố tình không hiểu, không nghe, không thấy những điều tích cực ở Việt Nam?
Thứ hai, việc rêu rao “chính quyền Việt Nam không bằng chính quyền các nước trong việc phòng, chống dịch” lại là sự thiển cận một cách khó hiểu. Dịch COVID-19 đang tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế, xã hội cả thế giới. Tuy nhiên, nhìn vào cả quá trình từ khi dịch COVID-19 bùng phát đến nay, không ai có thể phủ nhận Việt Nam luôn đặt tính mạng, sức khoẻ của người dân làm ưu tiên hàng đầu. Với sự lãnh đạo nhanh chóng, quyết liệt của chính quyền, chúng ta đã vượt qua nhiều đợt dịch, góp phần giữ vững ổn định đời sống. Để đạt được miễn dịch cộng đồng, nhiều nước trên thế giới đã phải đánh đổi bằng mạng sống của rất nhiều người dân. Việc chúng ta giữ được kết quả như hiện tại đã là vô cùng cố gắng, nỗ lực.
Chúng ta không phủ nhận việc tiếp cận vaccine của nhiều nước nhanh hơn chúng ta. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là chính quyền Việt Nam không bằng chính quyền các nước. Hiện nay vaccine vẫn vô cùng khan hiếm trên khắp thế giới. Những nước có nền khoa học, kỹ thuật phát triển, có thể sản xuất được vaccine đã sử dụng vaccine như một cách thức ngoại giao. Vì vậy, để tiếp cận với nguồn vaccine, chúng ta đã phải nỗ lực, cố gắng vô cùng lớn. Tuy nhiên, chính trong những ngày dịch bệnh diễn ra căng thẳng như hiện nay, chúng ta càng thấy rõ nỗ lực của Chính phủ. Nếu không có sự lãnh đạo kịp thời, việc triển khai các giải pháp một cách đồng bộ, quyết liệt thì chắc chắn tình hình dịch bệnh đã có những diễn biến nguy hiểm hơn nhiều so với hiện nay. Và chắc chắn, những thiệt hại về người và của cũng cao hơn gấp nhiều lần so với những gì đang diễn ra.
Sau khi vụ việc được phát hiện, nữ giảng viên đã bị Hội đồng trường Đại học Duy Tân kỷ luật bằng hình thức sa thải. Đây là hình thức xử lý kỷ luật nghiêm minh, kịp thời. Tuy nhiên, qua vụ việc này, một lần nữa chúng ta thấy được nguy cơ tiềm ẩn đến từ các giảng viên “thoái hoá”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”. Trong thời gian tới, các đơn vị giảng dạy phải siết chặt hơn nữa công tác quản lý giảng viên, kịp thời phát hiện các trường hợp có nhận thức lệch lạc, tuỳ tính chất mức độ vi phạm để xử lý, không để những “mầm mống dân chủ” có cơ hội lợi dụng nghề nghiệp để tuyên truyền những luận điệu sai trái, làm hỏng các thế hệ học sinh.
Bảo An
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả.