+
Aa
-
like
comment

Sự nguy hiểm từ luật hải cảnh mới của Trung Quốc

27/01/2021 19:17

Trung Quốc muốn thông qua sức mạnh và quyền lực của lực lượng hải cảnh để theo đuổi mưu đồ độc chiếm Biển Đông, bất chấp cái gọi là “đưỡng lười bò” bị bác bỏ và lên án. 

Ông Hoàng Việt là giảng viên Đại học Luật TP.HCM, thành viên Ban Nghiên cứu Luật Biển và Hải đảo thuộc Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Ông đã có nhiều bài viết cũng như thường xuyên phát biểu, trả lời phỏng vấn báo chí về vấn đề Biển Đông. Bài viết dưới đây thể hiện quan điểm của tác giả.

Truyền thông Trung Quốc cho biết Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc – cơ quan lập pháp cao nhất Trung Quốc – đã thông qua Luật Hải cảnh hôm 22/1. Luật này bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/2.

Theo đó, lực lượng hải cảnh Trung Quốc được phép sử dụng “mọi phương tiện cần thiết” để chặn hoặc tránh các mối đe dọa từ tàu nước ngoài. Luật quy định hải cảnh Trung Quốc có thể sử dụng các loại vũ khí nào, chẳng hạn vũ khí cầm tay, vũ khí gắn trên tàu, hoặc vũ khí từ máy bay, trong các tình huống cụ thể.

Mục đích sâu xa của Trung Quốc 

Luật Hải cảnh của Trung Quốc tạo ra nhiều lo ngại cho thế giới. Điều 19 của luật này trao quyền cho lực lượng hải cảnh Trung Quốc, bao gồm cả việc sử dụng vũ khí, khi chủ quyền quốc gia, quyền chủ quyền và quyền tài phán bị các tổ chức hoặc cá nhân nước ngoài xâm phạm bất hợp pháp trên biển hoặc đối mặt với nguy cơ sắp bị xâm phạm bất hợp pháp.

Vấn đề là Trung Quốc luôn giải thích các vùng biển rộng lớn là biển thuộc chủ quyền quốc gia của mình, trong đó có Biển Đông, biển Hoa Đông và Hoàng Hải.

Toan tinh cua Trung Quoc dang sau luat hai canh moi anh 2
Con tàu được cho là trang bị pháo 76 mm của lực lượng hải cảnh Trung Quốc. Ảnh: Kyodo.

Ở Biển Đông, Trung Quốc đã tự ý đưa ra một bản đồ với “đường lưỡi bò” và khẳng định rằng vùng biển trong đường này, vốn chiếm 90% diện tích Biển Đông, thuộc “chủ quyền” của Trung Quốc. Cũng có khi Trung Quốc nói vùng biển này là thuộc “quyền lịch sử” của Trung Quốc.

Năm 2016, Tòa Trọng tài Thường trực trong vụ Philippines kiện Trung Quốc đã khẳng định đòi hỏi này của Trung Quốc đối với “đường lưỡi bò” là không có cơ sở pháp lý, do đó vô giá trị. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn luôn muốn dùng sức mạnh để áp đặt “đường lưỡi bò” trên Biển Đông. Và Luật Hải cảnh này cũng hướng đến mục đích đó.

Luật Hải cảnh của Trung Quốc cũng đưa các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã bồi lấp, cải tạo và xây dựng trên Biển Đông (trong đó có 7 thực thể tại quần đảo Trường Sa và một số thực thể tại quần đảo Hoàng Sa, đều thuộc chủ quyền Việt Nam) vào trong phạm vi bảo vệ của lực lượng này.

Theo đó, hải cảnh Trung Quốc được phép tham gia thực thi pháp luật trên toàn bộ các vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và cả trên không. Thậm chí, luật còn cho phép hải cảnh Trung Quốc dỡ bỏ các công trình do nước ngoài xây dựng tại những vùng biển thuộc “quyền quản lý” của lực lượng này.

Ngoài ra, luật cũng cho phép hải cảnh được tịch thu và tiêu hủy tàu nước ngoài nếu họ “xâm phạm trái phép vùng biển” của Trung Quốc.

Sự nguy hiểm của hải cảnh Trung Quốc Hải cảnh Trung Quốc đã trở thành lực lượng cảnh sát biển lớn nhất thế giới. Trong suốt thời gian vừa qua, các vùng biển quanh Trung Quốc đã bị khuấy động bởi hoạt động của các đội tàu từ Trung Quốc.

Ở biển Hoa Đông, các tàu Trung Quốc đang thăm dò vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku do Nhật Bản nắm giữ – những mỏm đá không người ở mà Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Điếu Ngư. Ở Biển Đông, Trung Quốc biến các thực thể mà họ đang nắm giữ tại Trường Sa và Hoàng Sa thành các căn cứ quân sự kiên cố.

Toan tinh cua Trung Quoc dang sau luat hai canh moi anh 1
Một thực thể tại quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Ảnh: Reuters.

Mỹ và các đồng minh lần lượt cử đoàn tàu chiến ngày càng lớn đến vùng biển này để thách thức các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc. Hải quân Trung Quốc, lực lượng hải quân lớn nhất thế giới, cũng đang hoạt động tích cực hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, lực lượng hải cảnh nước này ngày càng đóng vai trò quan trọng trong các tranh chấp biển.

Năm 2013, Trung Quốc hợp nhất một số cơ quan thực thi pháp luật hàng hải dân sự thành một cơ quan thống nhất mới, gọi là Cục Hải cảnh Trung Quốc. Năm năm sau, lực lượng này được đặt dưới quyền kiểm soát của Cảnh sát Vũ trang Nhân dân, một lực lượng bán quân sự báo cáo trực tiếp cho Quân ủy Trung ương, cơ quan quân sự tối cao của Trung Quốc. Trên thực tế, việc này đã biến lực lượng hải cảnh Trung Quốc thành một nhánh của lực lượng vũ trang Trung Quốc.

Hiện tại, hải cảnh Trung Quốc có hơn 500 tàu, đứng đầu về tiềm lực trong khu vực. Nhật Bản đứng thứ hai với 373 tàu. Các nước hoặc vùng lãnh thổ khác có tiềm lực kém rất xa so với Trung Quốc. Philippines có 86 tàu, Indonesia chỉ 41 tàu, trong khi Đài Loan có 161 tàu.

Các tàu của Trung Quốc cũng mạnh hơn. Một thập kỷ trước, Trung Quốc chỉ có 10 tàu, có lượng giãn nước ít nhất 1.500 tấn (tương đương quy mô một tàu chiến nhỏ). Song đến năm 2015, Trung Quốc đã có 51 tàu như vậy. Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, tổ chức tư vấn có trụ sở tại London, cho biết hiện tại, Trung Quốc đã có 87 tàu như vậy.

Nhiều tàu hải cảnh Trung Quốc giờ đây đã vượt xa các tàu chiến lớn nhất trong các lực lượng hải quân nhỏ nhất của khu vực. Ví dụ tàu lớp Chiêu Đầu (Zhaotou) của cảnh sát biển Trung Quốc có trọng lượng 12.000 tấn, là tàu lớn nhất thế giới được chế tạo cho mục đích này. Boong tàu rộng, chứa được 2 trực thăng, một khẩu pháo 76mm và một kho vũ khí.

Trung Quốc có 2 chiếc tàu như vậy. Một tàu được triển khai trên bờ biển phía đông. Chiếc tàu mới nhất, CCG 3901 (CCG là viết tắt tiếng Anh của “Hải cảnh Trung Quốc”), bắt đầu hoạt động từ năm 2017 với chuyến tuần tra đầu tiên trên Biển Đông, khu vực hoạt động của tàu này.

Sự xuất hiện của con tàu truyền đi thông điệp: Trung Quốc hậu thuẫn các tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp của nước này tại Biển Đông trên bằng “khối thép” khổng lồ như vậy.

Hải cảnh Trung Quốc cũng được huy động để hỗ trợ “lực lượng dân quân biển” của Trung Quốc, gồm các tàu đánh cá có vũ trang mà nước này sử dụng để thiết lập sự hiện diện ở các vùng biển tranh chấp.

Các quốc gia ASEAN cần làm gì?

Để đối phó với các hành động của lực lượng hải cảnh Trung Quốc trên vùng biển quốc tế hoặc thuộc quyền chủ quyền của các quốc gia ven biển như Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Philippines thì một mặt, các quốc gia này cũng cần tăng cường sức mạnh của lực lượng cảnh sát biển để có thể bảo vệ được ngư dân của mình.

Mặt khác, các quốc gia này có thể phối hợp với cộng đồng quốc tế để lên án việc sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực của Trung Quốc.

Trong kỳ họp giữa ASEAN và Trung Quốc sắp tới về Bộ Quy tắc Ứng xử giữa các bên trên Biển Đông (COC), các quốc gia Đông Nam Á có thể đưa Luật Hải cảnh của Trung Quốc vào quá trình thảo luận, đàm phán để giảm thiểu nguy cơ va chạm hay các tình huống Trung Quốc có thể sử dụng vũ lực.

Thêm nữa, nếu các tàu hải cảnh Trung Quốc xâm phạm vùng biển thuộc quyền chủ quyền của các quốc gia này thì các quốc gia này có thể sử dụng biện pháp pháp lý là khởi kiện ra tòa án quốc tế để khẳng định rõ quyền của hải cảnh Trung Quốc tới đâu theo luật quốc tế. Đây là biện pháp hoà bình để giải quyết tranh chấp, không làm leo thang tình trạng xung đột vũ lực tại khu vực chiến lược này.

Hoàng Việt/ ZF

Bài mới
Đọc nhiều