+
Aa
-
like
comment

Sự ngộ nhận về “quyền giám sát của Nhân dân”

Trần Anh - 18/04/2021 11:26

Nhiều người tới giờ vẫn cho rằng những việc Lê Chí Thành làm là đúng. Điều đó cũng dễ hiểu, bởi Lê Chí Thành từng là Đại uý công an, họ nghĩ anh ta giỏi luật khi lập ra fanpage “cùng Lê Chí Thành đi tìm Công lý”, chuyên nói chuyện “lý lẽ” và “pháp luật”.

Lê Chí Thành khi bị bắt giữ.
Lê Chí Thành khi bị bắt giữ.

Lê Chí Thành tự lập ra một nhóm tự xưng là chuyên “Giám sát CSGT”, luôn hỏi Cảnh sát giao thông, Đội 363 và các lực lượng chấp pháp là “các ông có biết luật không?”; Mỗi lần bị xử phạt thì ngay lúc đó hoặc sau đó Thành livestream và luôn “dạy dỗ” mọi người rằng phải hiểu luật thì công an không làm được gì mình; Thành căn cứ vào Hiến pháp để nói rằng việc anh ta và những người đi cùng đang làm là thực hiện “quyền giám sát được pháp luật quy định”.

Mới nghe thì có vẻ như vậy.

Quyền giám sát của Nhân dân với bộ máy Nhà nước được quy định tại điều 8 Hiến Pháp 2013. Thông tư 67/2019 quy định về các hình thức giám sát của Nhân dân với CSGT, trong đó có quyền giám sát trực tiếp và thông qua thiêt bị ghi âm, ghi hình.

Những tiếng vỗ tay trên mạng thành một thứ ảo giác khiến Lê Chí Thành không tỉnh táo để nhận ra hành xử kiểu đó sẽ đưa anh ta tới ngày hôm nay. Việc vào tù có lẽ khiến anh ta bất ngờ nhưng ai tỉnh táo thì không thấy bất ngờ.

Trong buổi tối bị CATP Thủ Đức câu lưu, một tuần trước khi bị bắt, Lê Chí Thành thách thức rằng “các anh muốn gì thì lên toà”. Có lẽ anh ta nghĩ đến một phiên xử hành chính mà anh ta là nguyên đơn, mà không nhận thức được mình sẽ tham gia một phiên tòa hình sự.

Chung quy, những cách hiểu nửa vời của Lê Chí Thành đã phạm những sai lầm sau:

Anh ta không biết rằng việc giám sát không được làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của CSGT, cụ thể là dí điện thoại vào mặt người khác mà ghi hình; đứng ngay vị trí hoạt động của Cảnh sát để quay. Quyền giám sát của người dân với Nhà nước đi kèm với nghĩa vụ giải trình của cơ quan hoặc viên chức Nhà nước bị giám sát. Sau khi thu thập được thông tin thì có thể tố cáo để các cơ quan chức năng làm rõ và trả lời. Nghĩa vụ giải trình khi bị tố cáo khác với nghĩa vụ thẩm quyền giải thích tại chỗ của Công an với đương sự.

Anh không thể vừa cản trở hoạt động vừa quay phim vừa đôi co với Cảnh sát tại hiện trường làm ảnh hưởng giao thông, trật tự. Và càng không thể tự cho mình cái quyền không chấp hành Cảnh sát vì cho rằng “Cảnh sát làm sai”.

Công khai minh bạch khác với bêu rếu, nhục mạ: Lê Chí Thành có quyền tố cáo và công khai nội dung trả lời kèm ý kiến của mình. Nhưng việc livestream hoặc tung lên mạng tất tần tật những gì quay được kèm các bình luận chủ quan, lời nhục mạ, chửi bới hoặc đánh giá, khiến cơ quan tổ chức bị mất uy tín, là sai. Việc đưa các tố cáo chưa rõ đúng sai lên mạng thực chất không phải là công bằng, mà là sự bất công khi đóng đinh vào đầu người khác những thiên kiến được dẫn dắt bởi ý chí chủ quan của người tố cáo.

Giám sát không được gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của nhân viên công lực; càng không phải là đi “cà khịa”.

Quyền lực Nhà nước cần được kiểm soát, nhưng thách thức và bêu rếu nó, gây ảnh hưởng đến hiệu quả phục vụ số đông thì anh đang đối chọi không chỉ với Nhà nước, mà đối chọi luôn với người dân được bộ máy này phục vụ.

Thuốc kháng sinh nếu bị lạm dụng sẽ là độc tố, hiểu luật nửa vời cũng như uống thuốc sai và quá liều. Chẳng phải “bịt mồm dân chủ” hay “trù dập” gì ở đây cả, dù có ai đó muốn nghĩ và cố nghĩ như vậy.

Mà với những gì Lê Chí Thành đã làm thì tội danh đã khởi tố chưa chắc đã là duy nhất và cuối cùng!

T.H.

Bài mới
Đọc nhiều