Sự nghiệp ngoại giao của gia đình Bộ trưởng Phạm Bình Minh: Cha “giải vây”, con “hội nhập”!
Ông Phạm Bình Minh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Là người đang đảm nhiệm trọng trách (cả về Đảng và Nhà nước) mà 37 năm trước đây cha ông là Nguyễn Cơ Thạch (Phạm Văn Cương) từng đảm nhiệm. Điểm chung lớn nhất là hai cha con đều có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp hội nhập và phát triển con đường ngoại giao của Việt Nam.
Cha “giải vây”
Có thể nói giai đoạn ông Nguyễn Cơ Thạch làm Bộ trưởng là một trong những giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử ngoại giao nước ta thời hiện đại. Với cương vị Bộ trưởng, ông Thạch cũng là nhà ngoại giao chịu nhiều áp lực nhất của Việt Nam. Giai đoạn ấy Việt Nam vừa phải đối mặt với chiến tranh biên giới phía Nam, vừa phải chống chọi với Trung Quốc trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, cấm vận của Mỹ và bị hầu hết các nước trên thế giới cô lập.
Đó cũng là thời kỳ sự bế tắc trong quan hệ của Việt Nam và Trung Quốc lên đến đỉnh điểm. Là Ủy viên Bộ Chính trị phụ trách công tác đối ngoại, đồng thời đảm nhiệm cương vị Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao, mọi quyết sách ngoại giao, mọi gánh nặng trong lĩnh vực đối ngoại đều do ông đảm nhiệm.
Những chiến dịch chủ động, mạnh mẽ, đấu tranh dồn dập của Ngoại giao Việt Nam dưới sự lãnh đạo của ông đã góp phần rất quan trọng vào việc giải quyết dứt điểm vấn đề Campuchia (1991), bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc (1991), cải thiện quan hệ với các nước Đông Nam Á và gia nhập ASEAN (1995), Mỹ bỏ cấm vận (1994) và thiết lập quan hệ Ngoại giao với Việt Nam (1995).
Đại sứ Hoa Kỳ tại LHQ Sullivan đã từng nói: “Tôi luôn nghĩ rằng kỷ nguyên mới trong quan hệ Mỹ-Việt là tượng đài cho những cống hiến của ông Thạch'”. Còn nhà ngoại giao Phan Doãn Nam thì viết: “Trong 11 năm làm Bộ trưởng, chính ông đã là người khởi động, đặt nền móng cho những kết quả ngoại giao vô cùng quan trọng. Đó cũng chính là một trong những lý do khiến ông được coi là “Bộ trưởng giải vây” của ngoại giao Việt Nam”.
Con “hội nhập”
Không ở vào giai đoạn bị “bế quan tỏa cảng” như cha của mình, nhưng ông Phạm Bình Minh trở thành người đứng đầu ngành ngoại giao ở thời điểm Việt Nam vươn mạnh mẽ ra “biển lớn”. Có thể nói chưa bao giờ ngoại giao và hợp tác quốc tế của Việt Nam lại đạt được những thành tựu lớn lao như vậy.
Trong những năm qua, công tác đối ngoại đã góp phần đưa quan hệ với các nước láng giềng, khu vực, các nước lớn, các đối tác chủ chốt, bạn bè truyền thống đi vào chiều sâu; nâng tầm đối ngoại đa phương; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, tiếp tục duy trì đà phát triển.
Khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện đã tạo ra nhiều cơ hội cho tăng cường hợp tác phục vụ phát triển. Việt Nam đã triển khai hiệu quả quan hệ với các đối tác chiến lược và đối tác toàn diện để phát triển nội lực hình thành những ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam.
Việt Nam cũng có nhiều kinh nghiệm qua các hội nghị quốc tế, có thể kể đến từ Hội nghị Geneva năm 1954, Hội nghị Paris về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình năm 1973 và Hội nghị quốc tế về Campuchia năm 1991; đồng thời tổ chức thành công một loạt các sự kiện quốc tế Hội nghị Pháp ngữ năm 1997, Tuần lễ cấp cao APEC năm 2006 và năm 2017, và các Hội nghị thượng đỉnh ASEAN năm 1998 và năm 2010. Những sự kiện lớn về đối ngoại diễn ra trong năm 2019 như Tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 còn có sự cộng hưởng rất lớn từ việc Việt Nam đã tổ chức thành công Năm APEC 2017, đặc biệt là Tuần lễ cấp cao tại Đà Nẵng cùng với sự tham gia hiệu quả vào lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc.
Theo chuyên gia Carl Thayer, “năng lực, kinh nghiệm và khả năng thích ứng cao” là những “điểm tựa” cho những thành công của ngoại giao Việt Nam. Ông Carl Thayer cho rằng Việt Nam đã xây dựng được đội ngũ cán bộ ngoại giao chuyên nghiệp cao với hiểu biết sâu rộng về quan hệ quốc tế và chính trị đối nội, đưa ngoại giao trở thành một phần không thể tách rời trong nỗ lực xử lý các mối quan hệ với bên ngoài.
Bên cạnh đó, Việt Nam thường xuyên được nhóm các nước châu Á chọn là ứng cử viên cho cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Việt Nam đã hai lần trúng cử với số phiếu rất cao. Điều đó cho thấy Việt Nam được nhìn nhận như một đối tác xây dựng và đáng tin cậy của không chỉ khu vực châu Á-Thái Bình Dương mà còn của cộng đồng quốc tế.
Và phải khẳng định lại một lần nữa, tất cả những thành công nói trên có sự đóng góp rất quan trọng của Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh.
Theo FB Đường chúng ta đi
*Bài viết theo quan điểm và văn phong riêng của tác giả