+
Aa
-
like
comment

Lạm bàn về trường hợp tử vong đầu tiên của Việt Nam trong trận chiến chống Covid-19

Thu An - 01/08/2020 06:29

Trong bầu không khí hừng hực, quyết tâm, cả nước chung tay chống lại dịch Covid-19 một lần nữa, thì xuất hiện một tin đáng buồn: Đó là một bệnh nhân đã tử vong. Buồn không phải vì con số một ca tử vong, bởi đây là điều đã được tiên liệu trước khi dịch bùng phát tại Đà Nẵng. Mà chúng ta thương tiếc cho một người đồng bào đã ngã xuống trong trận chiến với “thứ giặc hô hấp” này.

Được biết, bệnh nhân 428 đã 70 tuổi, có tiền sử suy thận mạn, đã chạy thận nhân tạo 2 lần/tuần trên 10 năm, tăng HA – suy tim, bệnh tim thiếu máu cục bộ. Khi cấp cứu tại bệnh viện Đà Nẵng đã được chẩn đoán: bệnh thận giai đoạn cuối, thận nhân tạo, tăng huyết áp, bệnh tim thiếu máu cục bộ, suy tim giai đoạn cuối và viêm phổi. Ngay sau khi nhập viện, khi phát hiện những triệu chứng liên quan đến virus Corona, bệnh nhân đã điều trị tích cực tại bệnh viện Đà Nẵng. Tuy nhiên, do tiểu sử bệnh nền quá nặng, bệnh nhân đã được chuyển qua Bệnh viện Trung ương Huế. Nhưng cuối cùng, bệnh nhân vẫn tử vong do bị nhồi máu cơ tim trên nền bệnh lý nguy hiểm và nhiễm Covid-19.

Đã có những lời so sánh bệnh nhân số 428 với bệnh nhân số 91. Thế nhưng, xin đừng so đo, bởi tính mạng ai cũng quý như nhau, ai cũng chỉ sống được một lần trên đời và ai cũng đều được tận tình cứu chữa. Thậm chí, toàn bộ nhân lực ưu tú y tế cũng đã ra cứu trợ cho Đà Nẵng. 3 đội công tác đặc biệt với hàng loạt giáo sư, tiến sĩ có kinh nghiệm xử lý các vùng dịch như Hạ Lôi, Bình Thuận và ngay cả những bác sĩ cứu chữa cho bệnh nhân 91 cũng có mặt. Và thực ra, cái chết là điều hiển nhiên chờ đợi mỗi người trong cuộc đời này mà cái chúng ta có thể làm là đón nhận. Bởi chúng ta không phải chúa trời!

Lại nói, sự tận tâm nỗ lực cứu chữa cho đồng bào là điều đáng quý, nhưng cái lớn nhất chúng ta thấy được từ sự công bố thông tin bệnh nhân 428 là sự minh bạch công khai, công tâm của chính quyền mà đầu tàu là ngành Y tế. Việt Nam chưa bao giờ giấu bất cứ số liệu gì về dịch bệnh. Thậm chí, còn tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân để kêu gọi tất cả mọi người cùng chung tay chống dịch. Quan sát sự cố thế kỷ thời gian qua sẽ thấy rằng, thất bại của Trung Quốc không phải là thất bại y tế, nó là thất bại của sự bưng bít thông tin. Vì vậy, thành công của Việt Nam trong giai đoạn trước, là thành công của sự minh bạch. Và ngày hôm nay chúng ta vẫn tiếp tục chọn giải pháp đối mặt chứ không phải trốn tránh.

Có thể sau khi con số thương vong này được công bố, sẽ có rất nhiều bất lợi đối với Việt Nam. Thậm chí, Chính phủ có thể sẽ phải đối mặt với những con số khổng lồ đưa ra để chống dịch, bởi ở Việt Nam người dân hoàn toàn chữa trị miễn phí. Con số 62 nghìn tỷ triển khai để hỗ trợ cho người dân chưa kịp xong, nay lại phải huy động toàn bộ nhân lực để bắt đầu cuộc chiến mới trong bối cảnh phúc lợi xã hội ngày càng eo hẹp. Thế nhưng, chính phủ luôn lựa chọn người dân. Dân còn là nước còn. Kinh tế từ từ xây dựng. Thật là đáng quý!

Đã có hai đồng bào ngã xuống trong trận chiến này và tiên liệu sẽ có những sự hy sinh mất mát nhiều hơn nữa. Thế nhưng, điều đó không thể làm chúng ta sờn lòng. Bởi chúng ta đã có trong tay một vũ khí cực mạnh. Đó là tình người, là máu mủ đồng bào, là một chính phủ quyết không để một ai bị bỏ lại phía sau! Con virus kia có thể đánh vào điểm yếu nhất là hơi thở của chúng ta để suy yếu về thể xác. Nhưng cái nó không bao giờ làm suy yếu được đó là ý chí, là tinh thần đoàn kết, là trách nhiệm với cộng đồng.

Thu An

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều