+
Aa
-
like
comment

Sự kỳ thị có ở mọi nơi – biểu tình ở Mỹ và ‘bài học cho mọi quốc gia’

05/06/2020 06:30

“Dù có lịch sử khác nhau, nhưng có bài học cho mọi quốc gia”, cựu thủ tướng Singapore Goh Chok Tong bình luận. Biểu tình ở Mỹ khiến dân mạng châu Á nhìn lại chính nước mình.

Ở Malaysia, có những bàn luận về vấn đề sắc tộc ngay tại nước này. Nhiều người lên mạng xã hội và kêu gọi người Malaysia nhìn lại những thành kiến của chính mình, theo South China Morning Post.

“Nếu có ai đó nhớ lại, Sugumar Chelladury bị cảnh sát giẫm lên và chết dưới tay cảnh sát ở Malaysia năm 2013. Hãy nhìn nhận rằng cấu trúc quyền lực như vậy tồn tại ở mọi quốc gia, dù nhiều người trong chúng ta không sẵn sàng nói ra”, Michelle Yesudas, một nhà hoạt động, viết trên Twitter.

phan biet chung toc anh 1
Hàng nghìn người tập trung biểu tình ở Houston ngày 2/6. Ảnh: AP.

Người dân một số nước nhìn lại mình

Vấn nạn tử vong khi bị cảnh sát giam giữ đã tồn tại từ lâu ở Malaysia, trong đó các nhà hoạt động chỉ ra nạn nhân đa phần là người Ấn thiểu số.

Trong vụ việc nói trên, cảnh sát đã bắt giữ Sugumar, đánh anh ta bên vệ đường và giẫm vào cổ anh. Sau này, cảnh sát còn phủ nhận đã hành hung anh và không cho khám nghiệm tử thi lần hai, sau khi gia đình tranh cãi kết quả giám định đầu tiên, không chấp nhận nguyên nhân tử vong là đau tim.

Người Malaysia trên mạng xã hội cũng nhắc lại bài post gây tranh cãi của Samantha Katie James, ứng viên hoa hậu hoàn vũ năm 2017. Cô kêu gọi người da đen hãy “bình tĩnh, coi đó (sự phân biệt) như một thử thách, làm bạn cứng rắn hơn”.

“Bạn chọn được sinh ra là người da màu ở Mỹ là có lý do”, cô viết trong một lập luận mang tính áp đặt. “Để học một bài học nào đó. Nên chấp nhận rằng đói kém vẫn tồn tại trên trái đất… bạn nên bình tĩnh”.

Thậm chí, cô còn cho rằng thể xác con người chỉ là “hạt cát nhỏ trong vũ trụ vô tận, mà chúng ta thường quên… chúng ta có những bài học trên con đường chúng ta chọn cho mình”.

Hơn 80.000 người ký thỉnh nguyện thư đòi tước ngôi hoa hậu Malaysia của cô gái 25 tuổi. Lời lẽ của cô bị lên án rộng rãi. Nhiều người còn hài hước phàn nàn rằng vì sao mình không “chọn” được sinh ra là triệu phú hay người nổi tiếng, buộc cô phải lên tiếng xin lỗi.

phan biet chung toc anh 2
Người biểu tình tập trung tại nơi mà George Floyd bị giết chết ở Minneapolis. Ảnh: New York Times.

Ở Indonesia, các nhà hoạt động hướng chú ý đến những bất công mà người Papua, tức các dân tộc bản địa ở New Guinea, phải đối mặt. Một phong trào ly khai đã hình thành nhiều thập kỷ nay, sau nhiều cáo buộc vi phạm nhân quyền, kỳ thị chủng tộc của lực lượng an ninh Indonesia, và cáo buộc rằng sự trù phú trên mảnh đất của họ đa phần rơi vào tay người ngoài, theo South China Morning Post.

Ở Singapore, biểu tình ở Mỹ đã gợi lại các bàn luận về “đặc quyền người Hoa”, hay việc dùng ngôn từ mang tính kỳ thị một cách tùy tiện trong cuộc sống thường ngày, nhất là trong số người trẻ.

Các ý kiến tranh luận cũng khiến các lãnh đạo phải phản ứng. “Dù có bối cảnh lịch sử khác nhau, nhưng ở đây có bài học dành cho mọi quốc gia”, cựu thủ tướng Singapore Goh Chok Tong viết trên Facebook ngày 2/6 về biểu tình ở Mỹ. Ông nói người Singapore “phải liên tục nỗ lực vì một xã hội bao trùm hơn, nơi mọi người sẽ cùng nhau mạnh mẽ hơn mà vẫn bảo toàn trật tự”.

Cụm từ “đặc quyền người Hoa”, do nhà hoạt động Singapore Sangeetha Thanapal sử dụng, tương tự như “đặc quyền da trắng” và ám chỉ những lợi thế mà người Singapore gốc Hoa có được vì là thành phần chiếm đa số ở Singapore.

Dù quan hệ giữa các sắc tộc được tính đến trong luật pháp và giáo dục tại đảo quốc đa sắc tộc này, những người thiểu số vẫn cảm thấy lo ngại về sự phân biệt mang tính hệ thống. Một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Chính sách cho thấy người Mã Lai và người Ấn lo ngại về sự phân biệt tại công sở.

phan biet chung toc anh 3
Người biểu tình xuống đường và đốt nến ở Brooklyn, New York. Ảnh: New York Times.

Thúc đẩy bàn luận về chủng tộc

Các nhà phân tích cũng nói phong trào biểu tình ở Mỹ có thể tạo động lực cho các bàn luận tích cực về chủng tộc ở các nước khác.

Chong Ja Ian, giáo sư tại Đại học Quốc gia Singapore (NUS), nói dù Singapore không có lịch sử nô lệ như Mỹ, các sắc dân thiểu số ở Singapore vẫn có thể cảm thông với việc ở ngoài lề xã hội.

Giáo sư Chong cho biết “cần có các thảo luận rộng hơn về những vấn đề mang tính hệ thống khiến một nhóm nào đó bị thiệt thòi”.

Afiq Roslan, 24 tuổi, ban đầu cảm thấy việc thảo luận về chủng tộc là quá nhạy cảm, nhưng giờ đây đã kêu gọi những ai theo dõi mình trên Instagram cùng thảo luận chủ đề này.

“Phong trào này đã cho tôi kiến thức và sự đoàn kết để có sự dũng cảm lên tiếng”, anh cho biết.

phan biet chung toc anh 4
Người biểu tình chạy khỏi hơi cay ở một cuộc biểu tình bị cấm bên ngoài một tòa án ở Paris ngày 2/6. Ảnh: Reuters.

Một số người ở châu Á đang giúp gây quỹ cho phong trào Black Lives Matters (tạm dịch: người da đen đáng được sống), bằng cách đăng link trên mạng xã hội đến các quỹ được lập ra hỗ trợ nạn nhân, người biểu tình và các cửa tiệm của người da đen.

Sinh viên Chia Han Teng, 20 tuổi, làm một video âm nhạc với rapper Abang Sapau và các nhạc sĩ khác, nhắc đến cái chết của George Floyd, để gửi thông điệp rằng những người không quan tâm chính trị nên quan tâm hơn vì “phân biệt chủng tộc có ở khắp nơi”, anh cho biết.

“Tôi quan tâm tới nạn phân biệt vì tôi nhận ra những điều đơn giản chúng ta làm cũng có thể đóng góp vào nạn kỳ thị”, một sinh viên từ Đại học Công nghệ Nanyang cho biết.

Các diễn viên Ấn Độ cũng thể hiện đoàn kết với phong trào. Nữ diễn viên Kareena Kapoor Khan viết trên Instagram: “Khi bất công xảy ra với người dân nước bạn, bạn cũng nên dũng cảm lên tiếng… không ai đáng bị chết, dù trong bất kỳ tình huống nào, nhất là dưới tay của người khác chỉ vì màu da của họ”.

Trọng Thuấn/ZN

Bài mới
Đọc nhiều