Sự khác biệt khi so ảnh X-quang người đã tiêm và chưa tiêm vaccine COVID-19
Một tạp chí khoa học vừa đăng tải những hình ảnh gây sốc cho thấy tầm quan trọng của vaccine COVID-19, báo The Sun đưa tin.
Những hình ảnh được công bố trên tạp chí Radiology là ảnh chụp phổi của 4 bệnh nhân COVID-19 với tình trạng tiêm vaccine COVID-19 khác nhau.
Bộ ảnh đầu tiên, ảnh A & B, là của một phụ nữ 65 tuổi, người bị nhiễm bệnh sau khi tiêm hai liều vaccine Pfizer / BionTech. Bà bị nhiễm bệnh hai tháng sau khi tiêm liều thứ hai.
Bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp và chụp cắt lớp không thấy có vết mờ nào trong phổi.
Khi các chuyên gia phân tích ảnh chụp phổi, họ cũng không tìm thấy dấu vết của bệnh viêm phổi. Điều này cho thấy vaccine đã giúp người phụ nữ không bị bệnh nặng khi nhiễm virus.
Bộ ảnh thứ hai chụp phổi của một người đàn ông 48 tuổi, một tháng sau khi tiêm liều vaccine Oxford / AstraZeneca đầu tiên.
Người đàn ông này không có tiền sử mắc bệnh nền nhưng có mức độ viêm phổi nhẹ trên ảnh chụp CT.
Bộ ảnh thứ ba là của một người đàn ông 36 tuổi không có bệnh nền, chưa tiêm vaccine, với mức độ viêm phổi trên CT nhẹ.
Ảnh chụp G&H gây sốc nhất, đây là ảnh của một người đàn ông 58 tuổi, người không tiêm vaccine và có tiền sử tăng huyết áp và tiểu đường.
Các chuyên gia cho biết: “Ông ấy cần được thở oxy khi nhập viện và được đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt một ngày sau đó”.
Mức độ viêm phổi của người đàn ông nặng hơn hai người còn lại. Điều này cho thấy tầm quan trọng của vaccine với những người có bệnh nền.
Các chuyên gia cho biết các trường hợp nhiễm COVID-19 ‘đột phá’ trên thế giới – nhiễm sau khi tiêm vaccine đầy đủ – đang gia tăng khi biến thể Omicron có khả năng lây truyền cao.
Họ nói: “Vì vậy, điều quan trọng là phải biết vaccine không chỉ tác động đến mức độ nghiêm trọng của bệnh COVID-19 mà còn cả dữ liệu lâm sàng và kết quả hình ảnh y tế”.
77% người nhập viện chưa tiêm vaccine
Mục đích của nghiên cứu là xem xét các trường hợp nhiễm bệnh sau khi được tiêm chủng đầy đủ và tiêm chủng một phần.
Trong nghiên cứu, các chuyên gia đã xem xét 761 bệnh nhân nhập viện vì COVID-19, độ tuổi trung bình là 47 tuổi, với 51% là nữ.
Họ phát hiện ra rằng chỉ 6,2% trong số những người nhiễm đột phá phải nhập viện đã được tiêm phòng đầy đủ. Chỉ 17% đã được tiêm chủng một phần và 77% chưa được tiêm chủng.
Các chuyên gia nhận thấy việc tiêm vaccine đầy đủ làm giảm nguy cơ thở oxy. Nguy cơ phải nhập đơn vị chăm sóc đặc biệt (ICU) cũng thấp hơn.
Tác giả chính của nghiên cứu, bác sĩ Yeon Joo Jeong, từ Khoa Xquang và Viện Nghiên cứu Y sinh tại Bệnh viện Đại học Quốc gia Pusan ở Busan, Hàn Quốc, cho biết: “Mặc dù nguy cơ nhiễm bệnh ở những người được tiêm chủng thấp hơn nhiều, và việc tiêm phòng làm giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh , dữ liệu lâm sàng và hình ảnh của nhiễm đột phá COVID-19 chưa được báo cáo chi tiết”.
“Nhóm nghiên cứu cũng tìm thấy mối liên quan giữa nguy cơ mắc bệnh nặng và các đặc điểm lâm sàng như tuổi cao hơn và tiền sử bệnh tiểu đường”, bác sĩ Jeong nói thêm.
Các chuyên gia cho biết tuổi tác cũng là một yếu tố quan trọng quyết định mức độ nghiêm trọng của bệnh, ngay cả trong những trường hợp nhiễm đột phá.
“Bệnh nhân cao tuổi và bệnh nhân mắc ít nhất một bệnh đi kèm thường gặp ở nhóm được tiêm chủng hơn so với nhóm chưa được tiêm chủng trong nghiên cứu – đó là vì nhóm này dễ bị tổn thương hơn đã được sử dụng vaccine trước tiên”, bác sĩ Jeong nói.
Bác sĩ Jeong nói thêm: “Bất chấp những khác biệt này, thở máy và tử vong trong bệnh viện chỉ xảy ra ở nhóm không được tiêm chủng. Hơn nữa, sau khi điều chỉnh các đặc điểm lâm sàng cơ bản, phân tích cho thấy những bệnh nhân được tiêm chủng đầy đủ có nguy cơ cần bổ sung oxy và nhập viện ICU thấp hơn đáng kể so với những bệnh nhân không tiêm chủng”.
Khai Tâm