Sự hy sinh của chiến sĩ, không bút mực nào có thể viết hết được!
Covid-19 có sức mạnh hủy diệt loài người rất cao. Thế nhưng tại Việt Nam, con virus ấy không là gì so với tội ác của những tên tội phạm bất lương, cướp đi tính mạng của biết bao chiến sĩ
Những ngày này, toàn cầu dồn lực cho việc phòng, chống đại dịch Covid-19. Tại Việt Nam, cả nước dốc sức cho “cuộc chiến”, để giành lại sự sống, an toàn cho người dân. Người cán bộ, chiến sĩ không chỉ có mặt ở vòng ngoài, phục vụ ở các khu cách ly, bệnh viện, mà còn góp sức trong việc truy tìm các F1, F2, F3, và “F bỏ trốn”. Có không ít các chiến sĩ trong quá trình thực hiện phục vụ cho người dân ở khu cách ly, rồi chính bản thân mình cũng trở thành người chấp nhận cách ly để tránh ảnh hưởng đến cộng đồng…
Không thể nào kể hết được những hy sinh của các cán bộ, chiến sĩ lực lượng công an. Mùa dịch, người người ở nhà tránh dịch thì các chiến sĩ vẫn đi làm nhiệm vụ. Các anh vẫn đi tuần, xuống đường truy bắt tội phạm, đánh án ma túy, để đảm bảo cuộc sống bình yên cho người dân. Không né tránh, không phó thác trách nhiệm, biết là nguy hiểm đến tính mạng nhưng không từ nan – chất thép đó đó dường như đã ăn sâu vào máu của các chiến sĩ.
Vừa mới đây thôi, tại Đà Nẵng, vừa đi tuần trở về, tổ trực công an quận Sơn Trà nhận tin báo về nhóm đua xe, cướp giật. Trung sĩ Võ Văn Toàn đã bỏ dở bát mì ăn giữa chừng, cùng các đồng chí tức tốc lên đường làm nhiệm vụ. Vì quyết không để những đối tượng liều lĩnh, tổ chức đua xe trái phép, chạy tốc độ cao, cướp giật tài sản người đi đường, gây nguy hiểm xã hội, đe dọa tính mạng người dân chạy thoát, trong quá trình truy bắt các đối tượng trên, đại úy Đặng Thanh Tuấn và trung sĩ Võ Văn Toàn đã phải đánh đổi bằng tính mạng của mình – hy sinh tại chỗ.
Đại úy Đặng Thanh Tuấn ra đi vĩnh viễn ở tuổi 41, bỏ lại mẹ già, người vợ trẻ, hai đứa con thơ đang ở tuổi ăn học. Trung sĩ Võ Văn Toàn khép lại mọi kế hoạch của bản thân, khi tuổi đời chỉ mới 23. Họ nằm xuống để đổi lấy sự bình yên cho biết bao gia đình, để ngăn chặn cái ác chi phối xã hội. Với sự hy sinh đó, ngày làm lễ khâm liệm và truy điệu cho hai chiến sĩ, dù là đang mùa dịch, mọi người hạn chế ra đường, hạn chế đến nơi đông đúc, nhưng nhiều người dân đã trực tiếp đến nhà, đến nơi tổ chức tang lễ cho hai đồng chí để thắp nén nhang chia buồn với gia đình.
Người xưa có câu: “cái quan định luận”, đời người khi đậy nắp quan tài lại mới có thể nhận định, đánh giá về những việc làm của họ đã làm. Sự ra đi của các chiến sĩ trong quá trình bắt cướp, để bảo vệ cuộc sống bình an của người dân, đã để lại nhiều thương tiếc, lưu luyến – đó chính là thước đo, đánh giá chuẩn xác nhất về sự cống hiến trọn vẹn kiếp người của người chiến sĩ, xả thân vì dân, vì nước! Giá trị thực sự của một con người không phải chỉ ở những gì họ có được, mà chính là ở sự cho đi, cống hiến cho cộng đồng, xã hội, nhân dân, đất nước. Càng cho đi, một cách chân thành, thì chính họ sẽ nhận lại điều thiện lành, tốt đẹp, sự kính trọng của xã hội.
Dịch nào thì cũng sẽ qua đi, nhưng cuộc chiến với tội phạm thì chưa bao giờ dứt. Thậm chí, lợi dụng tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, tội phạm ma túy tăng cường hoạt động vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy, chúng táo tợn đến mức sẵn sàng tấn công tước đoạt mạng sống của bất cứ công an nào nếu vây bắt chúng.
Một bánh heroin đã có thể phá hủy cuộc đời của biết bao đứa trẻ, thiêu hủy mái ấm của biết bao gia đình. Chính vì vậy mà trong quá trình truy bắt các đối tượng trong đường dây buôn bán ma túy trên địa bàn huyện Quế phong, tỉnh Nghệ An, dù bị các đối tượng tấn công, dù bị trọng thương, trước khi mất, Thượng úy Sầm Quốc Nghĩa vẫn cố gắng ra tín hiệu cho đồng đội truy bắt các đối tượng. Thượng úy trút hơi thở cuối cùng khi con thơ còn chưa đầy 3 tuổi. Cuộc chiến với tội phạm luôn đầy khốc liệt là thế. Trong tháng 3-2020, hàng loạt vụ án liên qua đến ma túy được khởi tố, hàng loạt đường dây buôn bán ma túy được chặn đứng, phanh phui nhưng luôn được trả giá bằng máu, nước mắt và sự hy sinh của chiến sĩ kiên cường.
Có những chiến sĩ đã sống hết mình vì nhân dân, hy sinh khi tuổi đời rất trẻ, và họ luôn sẵn sàng làm điều đó – là lá chắn bảo vệ người dân mình, đất nước mình. Sự ra đi của họ để lại tiếc thương trong nhiều người, có cả gia đình, người thân, chòm xóm. Nhiều người láng giềng đến viếng tang, thấy thương quá nói “giá như đêm đó nó không trực”, “giá như” thế này, “giá như” thế kia… Nhưng với người cán bộ, chiến sĩ, cuộc đời không có hai chữ “giá như” và sứ mệnh của họ chỉ có một, chính là những cống hiến cho dân tộc. Đó là lẽ sống, là lý tưởng cao đẹp, ăn sâu vào trong máu, trong tim.
Bồng Vũ