Sử dụng thuốc nổ để thông đường vào Rào Trăng 3
Lực lượng chức năng đang cân nhắc có thể sử dụng thuốc nổ để phá một tảng đá lớn chắn đường, nhanh chóng vào tìm kiếm 16 người ở thủy điện Rào Trăng 3 đang mất tích.
Tính đến trưa nay (16/10), sau nhiều ngày nỗ lực cứu hộ, lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể 2 trong tổng số 17 công nhân gặp nạn, mất tích liên quan đến vụ sạt lở thủy điện Rào Trăng 3.
Theo nhận định từ Ban chỉ huy tìm kiếm cứu nạn vụ sạt thủy điện Rào Trăng 3, sau những cơn mưa lớn, nước mưa chảy qua khu vực sạt lở làm lộ ra thi thể công nhân trên và khả năng còn nhiều công nhân nữa đang bị vùi lấp tại đây.
Ban chỉ huy tìm kiếm cứu nạn đang tìm giải pháp để gấp rút tìm kiếm những công nhân còn đang mất tích đồng thời tiếp tục chỉ huy lực lượng, phương tiện khắc phục giao thông tuyến đường Tỉnh lộ 71 vào thủy điện Rào Trăng 3, trên sông Rào Trăng, xã Phong Xuân, huyện Phong Điền (Thừa Thiên – Huế).
Tuyến đường 71 nối từ Tỉnh lộ 11B qua địa bàn xã Phong Xuân, huyện Phong Điền lên huyện miền núi A Lưới dài khoảng 50km, do chủ đầu tư các thủy điện bỏ kinh phí xây dựng. Nền đường 71 vốn được triển khai xây dựng một đoạn tận dụng từ nền đường cũ thời chiến tranh nên rất hẹp. Với độ dốc lớn, nguy cơ sạt trượt tiếp diễn trên đường này.
Hiện tại, tuyến đường này từ Trạm Kiểm lâm tiểu khu 67 (nơi 13 cán bộ hy sinh) dẫn lên thủy điện Rào Trăng 4 (cách Rào Trăng 3 ở phía thượng nguồn tầm 5 km) vẫn còn nhiều điểm sạt lở, nguy cơ núi tiếp tục sạt trượt với các đoạn có dòng nước chảy xiết. Các phương tiện thông tuyến 71 chỉ mới san gạt lên điểm cách thủy điện Rào Trăng 4 khoảng 2 km.
Đặc biệt, trên tuyến đường này còn xuất hiện khối đá lớn cả trăm m3 đang nằm chênh vênh bên vênh trên vách núi, chắn đường 71. Theo nhận định, nếu tiếp tục mưa lớn, việc sử dụng xe cơ giới san gạt rất có nguy cơ khối đá này sẽ sạt trượt xuống đường, gây nguy hiểm và chia cắt giao thông phức tạp hơn. Vì vậy, lực lượng tìm kiếm đang nghiên cứu phương án, cân nhắc có thể sử dụng thuốc nổ để xử lý khối đá này.
Ngoài ra, tại một ngầm tràn qua khe nằm cách Rào Trăng 4 vài km với dòng nước chảy xiết, rất sâu. Từ chiều 15-10, ngành GTVT đã huy động nhiều phương tiện, vật tư đưa rọ thép vào đây để xử lý đoạn khe qua ngầm tràn này. Trong khi đó, đoạn đường từ thủy điện Rào Trăng 4 lên Rào Trăng 3 còn thêm nhiều điểm sạt lở và nguy cơ sạt trượt cần phải xử lý. Trong đó, cần thêm 400 rọ đá để xử lý các đoạn qua khe suối nguy cơ sạt trượt.