Sự dối trá đến tận cùng của Mai Quốc Ấn
Trong lúc dịch bệnh diễn biến ngày càng khốc liệt, nơi tuyến đầu, y bác sĩ trực chiến đêm ngày nỗ lực cứu từng người dân. Lực lượng Công an dốc sức toàn quân tập trung vào công cuộc kiểm soát, chống dịch. Trong cuộc chiến này, không biết bao nhiêu máu, nước mắt và cả những mất mát của chiến sĩ tuyến đầu đã hy sinh. Ấy thế nhưng, trong thời khắc này, Mai Quốc Ấn – kẻ phản diện nhân danh “giúp dân”, nhân danh “chính trực” lại ác tâm dựng lên vở tuồng dài, tấn công vào lực lượng Công an, cán bộ chiến sĩ đang tối tăm mặt mày chống dịch trên địa bàn TP.HCM.
Ngày 19/8, Mai Quốc Ấn tung “tâm thư”, lu loa với làng nước rằng, công an giữ số hàng gồm hơn 200 khẩu trang N96+ và 03 hộp test kit dùng để phát hiện Covid, để xác minh nguồn gốc số hàng trên. Khi Ấn bị công an gọi lên làm việc, đã bị “hành hung, tra tấn”. Sau khi mô tả tình hình sức khỏe bản thân, bị bệnh, vân vân và mây mây để người đọc mủi lòng thì Ấn cao giọng quát: “Một doanh nghiệp xã hội dành lợi nhuận và doanh thu của mình để ứng cứu tuyến đầu, nếu hụt hàng và có lây nhiễm F0 thì ai sẽ chịu trách nhiệm”?
Câu chuyện kịch tính của Ấn thu hút nhiều sự quan tâm trên mạng xã hội. Khi Ấn – một cựu nhà báo đã công bố chuyện của chính bản thân mình, thì cũng cần phải nhìn nhận lại vấn đề logic đang xảy ra ở đây.
Thứ nhất: Lật lại Profile – Mai Quốc Ấn là ai?
Mai Quốc Ấn chẳng xa lạ gì với làng báo. Ấn là con của một nhà báo lớn tuổi, nhờ vào “lý lịch” ba đời và tấm bằng tốt nghiệp Học viện Báo chí & Tuyên truyền mà Ấn được nhiều ưu thế khi xin vào các tòa soạn báo có thương hiệu trong làng báo.
Mặc dù là “con nhà nòi” chính gốc nhưng dấu ấn mà Ấn để lại với đồng nghiệp là bảng thành tích “nhảy việc” nhanh như chớp, từ Sài Gòn tiếp thị, đến Thông tấn xã Việt Nam, Trí thức trẻ và nay là báo điện tử Dân Việt, cơ quan Trung ương Hội Nông dân Việt Nam. Nói trắng ra là Ấn được “đề nghị” viết đơn xin nghỉ sau khi Tổng Biên tập tòa soạn phát hiện các vụ bê bối, suy thoái đạo đức trên mặt trận tư tưởng của Ấn trong quá trình tác nghiệp, làm nghề.
Về sau đó, người ta biết đến Ấn là một KOLs chuyên bắn chữ trên mạng xã hội, dựng chuyện và công kích chính quyền. Cả làng báo và người làm báo chính danh, nhắc đến tên của Ấn là hầu như ai cũng ngao ngán và tìm cách né đi, không muốn vây vào.
Thứ hai: Về chuyện Mai Quốc Ấn công bố “bị công an đánh”
Với những gì Mai Quốc Ấn đạo diễn cho câu chuyện “mình bị đánh”, có quá nhiều sự phi logic ở đây.
Đầu tiên: Câu chuyện theo lời Mai Quốc Ấn kể là ngày 11/08, nhưng tại sao đến 8 ngày sau thì Ấn mới tung ra câu chuyện trên mạng xã hội? Trong khi đó, nếu sự thật Ấn bị đánh hay bất kỳ ai bị đánh, thì việc đầu tiên là giữ nguyên hiện trạng, đi kiểm tra chứng nhận thương tích, hoặc là vừa thoát những người đánh mình đã hô hoán lên rồi.
Tiếp đến: Với bản tính háo thắng và “máu nóng” như Ấn từng vỗ ngực tự nhận, thì hẳn là Ấn livetream ngay luôn, để bố cáo thiên hạ, chứ đợi gì đến đúng ngày 19-8 – kỷ niệm ngày Truyền thống Công an nhân dân thì Ấn gửi “tâm thư”?
Mục đích của Ấn là gì? Lý do gì Ấn lại chọn công bố vở kịch vụn vặt mà mình đã rắp tâm và cố công dựng lên? Nó có khác gì hành vi của những thành phần phá hoại hay không, hẳn là ai khách quan và tư duy logic cũng có thể tìm được câu trả lời!
Ấn cực đoan và sống tiêu cực thì ai cũng biết, nhưng không ngờ rằng, Ấn chống phá tất – ngay cả trong tình trạng hiện nay, tuyến đầu gồng mình chống dịch, biết bao chiến sĩ lao tâm, lao lực để bảo vệ thành trì “sức khỏe” cho người dân cả nước, Ấn lại tấn công vào chính những lực lượng nồng cốt đang đảm nhiệm trọng trách quan trọng đó. Tình yêu nước, thương dân của Ấn ở đâu qua những hành động bất lương thế này?
Ai có thể làm Ấn thức tỉnh lương tri?
Dịch bệnh khó khăn, giữa lằn ranh sanh tử khốc liệt, đêm ngày biết bao chiến sĩ áo trắng, áo xanh vẫn đang miệt mài, đoạn trường chống dịch, giành giật giữ lại tính mạng cho từng người dân, thì đáng lẽ ra, nếu là một người có trái tim, thì Ấn phải biết ơn vì biết bao người đang hy sinh hạnh phúc cá nhân, hy sinh mái ấm gia đình để bảo vệ cho hàng triệu người dân đang sống ở thành phố này – trong đó có Ấn. Chứ không phải là xuyên tạc, tấn công lực lượng công an để thực hiện cho cái gọi là “giải cứu”, “giúp dân chống dịch”.
Là một người hay nói chuyện đạo lý, nho giáo, hẳn là Ấn hiểu câu nói: “Không tạo thống khổ ấy đã là cứu độ”. Trong thời khắc đất nước đang đứng trước sự khốc liệt của dịch bệnh, nếu không giúp gì cho đất nước, thì xin Ấn hãy giữ cho mình chút lòng nhân: Đừng tung tin, dựng chuyện phá hoại nữa, hãy để yên cho chiến sĩ dồn toàn quân, toàn sức chống dịch.
Dịch Covid-19 đã khốc liệt lắm rồi, Ấn đừng gieo rắc thêm sự bát nháo, làm cho cuộc sống của mọi người thêm khó nhọc.
Thái Thanh