+
Aa
-
like
comment

Sự dối trá của Trung Quốc khiến cả thế giới phải hứng chịu thảm họa!

Thu An - 25/01/2020 12:00

Dịch bệnh là đáng sợ. Song đáng sợ hơn là nói dối. Nhớ hồi dịch SARS, ca nhiễm đầu tiên ở Nam Trung Quốc vào tháng 11/2002, ngay sau đó SARS đã lây lan ra 32 quốc gia, hơn 8.000 người mắc và 916 người tử vong. Trong số 63 bệnh nhân SARS tại Việt Nam thì có quá nửa là bác sĩ, y tá, nhân viên tế trực tiếp chăm sóc bệnh nhân.

Tuy nhiên, ngay cả khi căn bệnh lây lan rộng khắp tỉnh Quảng Đông, truyền thông Trung Quốc bị kiểm duyệt, bệnh nhân và người nhà bị ngăn nói về căn bệnh. Các quan chức hạ thấp mức nghiêm trọng của vấn đề vì không muốn gây tổn hại đến kinh tế và “ổn định xã hội” – những thước đo quan trọng để họ được thăng chức.Người hùng khi đó chính là ông Tưởng Ngạn Vĩnh, bác sĩ quân đội Trung Quốc về hưu, vạch trần việc che đậy này vào đầu năm 2003.

Khi đó, phần lớn Trung Quốc và phần còn lại của thế giới mới nhận thức được mối nguy hiểm thực sự. Nhưng khi đó SARS đã lan rộng. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố virus là “mối đe dọa toàn cầu” và những nỗ lực ngăn chặn lây lan được thúc đẩy trên toàn thế giới. Trung Quốc đã phải xin lỗi vì báo cáo chậm về dịch bệnh và bộ trưởng y tế nước này cùng thị trưởng Bắc Kinh bị cách chức.

Lần này thì sao, dù có vẻ tích cực hơn một chút, song tệ nói dối và che giấu dịch bệnh với viêm phổi Vũ Hán cũng chả khá hơn. Dù phát hiện ca đầu tiên vào 8/12 nhưng 14/1, tức là gần 1 tháng sau, các quan chức ở Vũ Hán mới đưa ra giải pháp kiểm tra tại nơi công cộng để phát hiện người nhiễm bệnh.

Trong khi đó, các sự kiện lớn vẫn tổ chức tưng bừng tại thành phố này. vào ngày 18/1/2020, khi ở nước ngoài đã có những ca xác nhận nhiễm bệnh đầu tiên còn “virus ái quốc” vẫn chỉ quanh quẩn trong Vũ Hán (!), chính quyền thành phố còn cho tổ chức bữa cơm đại đoàn viên tất niên, tụ tập những 40.000 hộ gia đình tụm lại một chỗ ăn uống thỏa thuê. Có người đã không tin nổi vào mắt mình, “hay là mấy người đó chê dịch bệnh bùng phát chưa đủ mạnh?”.

Oách hơn, các quan chức Vũ Hán nói rằng loại virus này khó có thể lây từ người sang người. Các quan chức trung ương ban đầu lặp lại đánh giá này. Vương Nghiễm Phát, người đứng đầu nhóm các nhà nghiên cứu được Bắc Kinh cử đi điều tra tình hình, ngày 11/1 nói rằng dịch bệnh đã được kiểm soát. Mỉa mai thay, chính ông này sau đó bị chẩn đoán nhiễm virus.

Đau xót nhất là kiểm soát truyền thông. Cảnh sát bắt 8 người vào đầu tháng một vì phát tán “tin đồn” rằng virus có liên quan đến SARS. Cơ quan y tế sau đó xác nhận cả hai căn bệnh đều do virus thuộc chủng corona gây ra. Trong khi đó, tại Anh, các nhà nghiên cứu ước tính dịch bệnh lây lan có thể ảnh hưởng ít nhất 1.700 người. Trong suốt thời gian đó, không có trường hợp mới nào được báo cáo ở Vũ Hán, mặc dù các ca nhiễm được phát hiện ở quốc gia khác. “Virus chỉ ảnh hưởng đến du khách nước ngoài thôi à?”, một người hỏi một cách mỉa mai trên mạng xã hội.

Cho tới khi phát hiện ra sự thật thì quá muộn. Tình hình dịch bệnh đã bùng phát, chuyên gia Chung Nam Sơn của Trung Quốc xác nhận bệnh “lây truyền từ người sang người” và cảnh báo tỷ lệ lây nhiễm rất cao. Cho tới nay có 41 triệu người Trung Quốc đang bị cách ly. Khủng hoảng lan rộng làm cho 10 nước trên thế giới và phần còn lại cũng hết sức căng thẳng. Trung Quốc xác nhận đã có 1.287 bệnh nhân nhiễm virus corona cho tới hết ngày 24/1 với số người tử vong đã tăng tới 41 người. Theo Ủy ban Y tế của tỉnh Hồ Bắc, 15 trường hợp tử vong mới đều là ở Vũ Hán. Ủy ban cũng thông báo có 180 ca nhiễm mới trên toàn tỉnh với 77 trường hợp là ở Vũ Hán. Ngoài ra, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam, Thái Lan, Singapore, Hong Kong, Macau, Đài Loan đều đã có những ca được xác nhận nhiễm virus. Châu Âu và Nam Á đã có những trường hợp nhiễm virus corona đầu tiên với các bệnh nhân được phát hiện ở Pháp và Nepal. Pháp đã xác nhận có ba trường hợp nhiễm virus viêm phổi cấp corona, với hai bệnh nhân ở Paris và một ở Bordeux ở phía tây nam.

Quản Dật là một chuyên gia virus học lão làng ở Hồng Kông, đại dịch SARS chính ông góp phần cô lập và nhận diện virus, các loại virus cúm gia cầm trải qua trăm trận chưa hề nao núng. Lần này Quản Dật đến Vũ Hán ngày 21.1 để tìm hiểu. Chỉ sau một ngày quan sát cách xử lý của chính quyền ông nhận thấy Vũ Hán vỡ trận, đành bỏ chạy khỏi thành phố ngay trong ngày 22.1.Trả lời phỏng vấn tờ Tài Tân, Quản Dật nói ông cảm thấy bất lực, chưa lần nào thấy sợ như lần này. Theo ông Quản, thời kỳ vàng để khống chế bệnh dịch đã trôi qua, nhiều người mang mầm bệnh đã rời Vũ Hán. Vì thế, cách ly Vũ Hán hiện không còn hiệu quả. Ông Quản ước tính quy mô của dịch mới sẽ gấp 10 lần SARS.

Trên mạng hiện lan truyền một đoạn clip được cho là một bác sỹ ở Vũ Hán thét lên gần như khóc với cấp trên qua điện thoại: “Các anh chỉ lải nhải về sự dũng cảm của Vũ Hán và bác sỹ ở đây. Không có đủ vật tư y tế, chúng tôi quá tải về thể lực về tinh thần, chúng tôi không thể trông cậy vào hô khẩu hiệu, giải pháp ở đâu?”

11 thành phố bị phong tỏa đi lại ở tỉnh Hồ Bắc để ngăn virus corona lây lan. Đồ họa: Maps4news.com.

Bloomberg đưa tin, hàng trăm triệu người dùng mạng xã hội ở Trung Quốc đang rất lo ngại về sự bùng phát của một loại virus nguy hiểm chết người mới vừa khiến hàng chục người tử vong và hàng trăm người mắc bệnh. Các bài đăng về sự lây nhiễm đã lan rộng, đạt lượt xem lên đến 1 tỷ lần trên mạng xã hội Weibo. Trong khi đó, lời kêu gọi chính phủ minh bạch hệ thống cập nhật thông tin của Beijing News đã nhận được hơn 100.000 lượt xem trên WeChat, ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất của Trung Quốc. Rất nhiều người dùng trên Weibo và WeChat đang phàn nàn về sự thiếu minh bạch những thông tin mới nhất về virus corona và đặt câu hỏi tại sao chính quyền Trung Quốc không tiết lộ sớm hơn. “Người dân không nhận thức được sự nghiêm trọng của việc bùng phát này bởi vì chính quyền địa phương không đủ minh bạch”, một người dùng trên Weibo nói.

Nhà nghiên cứu xã hội GS Jonathan London viết: “Trong cả một tháng qua, vào lúc mà dân Trung Quốc và dân các nước trong khu vực cần được thông tin cảnh giác về virus Phổi Vũ Hán thì chính quyền Trung Quốc lại sử dụng chính sách “chả làm gì, giữ im lặng, cấm thông tin”… Nay toàn khu vực đang bị tác động. Phải chăng chính quyền thiếu trách nghiệm, và nguy hiểm cho cả thế giới.”

Các chợ ở Vũ Hán và chung quanh đã hết sạch thức ăn, rau cải …

“Dịch bệnh Vũ Hán cho thấy chuyện gì xảy ra khi Trung Quốc phải dựa vào những thông tin bị cắt gọt, được từ từ báo cáo lên lãnh đạo cấp cao thì các biện pháp xử lý thỏa đáng mới được thực hiện”, James Griffiths, nhà bình luận của CNN viết.

Theo tính toán của chuyên gia Quản Dật, dựa vào chu kỳ ủ bệnh, đợt bùng phát tiếp theo của dịch có thể sẽ đến vào cuối tháng giêng, khoảng từ ngày 27/1/2020. Cho đến thời điểm này, độc lực của virus corona có vẻ vẫn thấp hơn nhiều so với các loại virus cúm gần đây như MERS (Hội chứng hô hấp Trung Đông) hay SARS. Tỷ lệ tử vong của nó còn thấp và chủ yếu nguy hiểm đối với những người lớn tuổi, có tiền sử bệnh từ trước.

Nhưng khi dịch bệnh lây lan trên diện rộng, không ai biết được khả năng đột biến của virus sẽ khiến độc lực của nó tăng thêm hay yếu đi. Việc che giấu thông tin vì vậy giống như một canh bạc chết người. Nếu hên thì dịch sẽ yếu dần, xui thì tất cả cùng chết. Dối trá, chạy theo thành tích, che giấu sự thật đã làm cho biết bao mạng người chết uổng vì dịch bệnh. Nó còn tai hại hơn cả dịch bệnh.

Thu An

Bài mới
Đọc nhiều